Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

Những kỷ niệm, những bài học không quên từ Người

TP - “Tôi có diễm phúc nhiều lần được gặp Bác, thậm chí có những lần được trực tiếp phục vụ Bác trong một số hoạt động đối ngoại. Mỗi lần như vậy đều để lại trong tôi những kỷ niệm và những bài học nhớ mãi không quên”.

Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ với thiếu nhi quốc tế

Tấm lòng chân thành từ những món quà nhỏ

Lúc nào Bác cũng sống giản dị, chắt chiu từng đồng của nhân dân, của đất nước. Ngoài vài lần dẫn đầu các đoàn đại biểu đi thăm chính thức nước ngoài, còn hầu hết các chuyến thăm và làm việc khác của Người, không bao giờ Bác dùng chuyên cơ. Bác chỉ đi máy bay dân hàng.

Đi theo người cũng chỉ có vài ba người, anh Vũ Kỳ là thư ký của Bác kiêm luôn cần vụ. Trong va li của Bác chỉ có độc một bộ quần áo dạ, còn hàng ngày Bác vẫn mặc quần áo ka ki bạc mầu như chúng ta thường thấy.

Thường thường, trong mỗi chuyến thăm, Bác chuẩn bị quà biếu lãnh đạo nước bạn là hoa quả trồng trong vườn Bác như cam, nhãn, bưởi.

Tôi nhớ có lần trước khi rời nhà khách của bạn, Bác bảo tôi biếu các cô phục vụ những hộp thuốc lá Bác đã hút hết bằng bìa cứng rất đẹp để các cô đựng kim chỉ.

Tôi buột miệng thưa với Bác, ở nước bạn thiếu gì hộp kim chỉ, Bác ôn tồn rằng, Bác cũng biết vậy nhưng đây là tấm lòng của Bác, giá trị của những hộp thuốc lá là ở chỗ đó.

Điều đặc biệt trong những chuyến làm việc tại nước ngoài là quà của các địa phương nước sở tại biếu Bác nhưng khi rời sân bay biên giới, Bác nhờ chuyển lại cho lãnh đạo nước bạn chứ không mang về.

Bác thường bao giờ cũng nghĩ tới người khác trước mà ít khi lo cho mình. Khi ở nhà khách chúng tôi cứ thấy Bác tự giặt quần áo lót, khăn mùi xoa. Anh em đi cùng xin với Bác để họ giặt hoặc gửi lại phục vụ nhà khách nhưng Bác không chịu.

Có một chuyện in dấu ấn trong tôi tới tận bây giờ. Ở nhà khách của bạn, tới bữa ăn họ bày la liệt đồ ăn, thức uống trên bàn. Vốn còn trẻ, ăn khỏe, tôi gắp hết món này đến món kia để ăn.

Bác liền khẽ nhắc: “Cháu ăn món nào thì ăn hết món ấy, đừng để thừa cho người khác”. Từ đó tôi cứ chọn những món mình ưa thích, ăn hết rồi mới chuyển sang món khác.

Trong những bữa tiệc đứng, không bao giờ Bác để cho nhân viên nhà khách phục vụ đồ nóng mà yêu cầu để trên mặt bàn, ai ăn tự ra lấy và khi ăn xong tự mang bát đĩa xuống bếp.

Cách hành xử của Bác rất tự nhiên, thấy vậy, ngay các nhà lãnh đạo cấp cao của nước bạn cũng vui vẻ làm theo.

Không được dạy đời

Bác luôn luôn rất chu đáo từ việc nhỏ trở đi. Một lần đi theo Bác tiếp khách ở Phủ Chủ tịch, đang đi chúng tôi ngạc nhiên khi thấy Bác lấy ngón tay quệt vào bậu cửa sổ xem còn bụi bẩn không!

Là một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế, một chiến sĩ lão thành trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nhưng Bác luôn khiêm tốn.

Một lần chuẩn bị đón đoàn đại biểu cấp cao của nước bạn sang thăm, trong đề cương hội đàm do anh em chuẩn bị có những câu, những đoạn hơi cao giọng, Bác bèn ghi bên cạnh: “Không được dạy đời!” và tự tay sửa lại câu từ cho khiêm tốn, dễ nghe.

Trong giao tiếp Bác luôn ứng xử vừa có lý, vừa có tình -  đó cũng là một phương châm Bác để lại trong Di chúc khi Bác đi xa. Tôi nhớ mãi lần Đoàn đại biểu cấp cao của một nước bạn sang thăm nước ta.

Trên đường đưa đoàn đại biểu về thăm địa phương, anh em đoàn phục vụ đã có hành vi sơ suất làm cho vị Trưởng đoàn phật ý. Sáng sớm hôm sau, tôi trực ở Nhà khách 12 Ngô Quyền bỗng thấy Bác đi tới.

Bác bảo tôi báo cho ông bà Trưởng đoàn biết. Do Bác tới sớm quá nên vị khách chưa kịp thay quần áo, ông Trưởng đoàn chỉ kịp quấn khăn tắm quanh người, còn bà vợ vẫn mặc áo ngủ.

Bác kéo ghế ra sân thượng ngồi chờ. Ông Trưởng đoàn tỏ ý ái ngại vì từ lúc đặt chân tới Việt Nam chưa kịp lên chào Bác lại để Bác phải tới thăm. Bác ôn tồn mở đầu câu chuyện:

“Phương Đông có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (dạy một chữ hay nửa chữ cũng là thầy), đồng chí đã từng giảng dạy tại trường Đại học Cộng sản Matxcơva, nơi tôi có nghe giảng, vậy đồng chí là thầy, tôi là trò. Trò phải thăm thầy trước là lẽ đương nhiên.

Còn cô ấy (Bác chỉ phu nhân của Trưởng đoàn) là em gái nuôi của tôi khi sống và hoạt động trong Quốc tế cộng sản ở Mátxcơva, lẽ nào tôi không thăm em mình?”.

Thế là mọi sự phiền muộn của ông bà Trưởng đoàn biến mất, thay vào đó là sự chân tình và khâm phục với Bác.

Những mẩu chuyện trên nói lên cách đối nhân xử thế rất nhân ái, khiêm nhường, thu phục lòng người của Bác. Chúng ta hãy cố làm theo Bác từ những việc cụ thể, thiết thực.

Noi theo gương Bác Hồ không thể chỉ trên lý thuyết và trong các cuộc vận động mà phải học, nhất là phải làm suốt đời. Rất mong các bạn trẻ ghi nhớ điều này.