Những kiểu uống cà phê hại hơn cả 'đưa thuốc độc' vào người

TPO - Cà phê có rất nhiều tác dụng như giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, suy tim, mất thính giác. Nhưng đối với một số người, cà phê có nhiều tác dụng phụ tiêu cực hơn là tích cực. Thậm chí nếu uống cà phê không đúng cách còn có thể gây hại cho sức khỏe.
Ảnh minh họa: Internet

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, lượng cà phê uống mỗi ngày phụ thuộc vào tổng lượng caffeine có trong cà phê và các thức uống có cafein (như các loại nước trà). Bạn không nên nạp vào cơ thể quá 400mg caffeine/ngày (tương đương với khoảng 3 tách cà phê).

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người uống cà phê có ít nguy hơn mắc các bệnh nguy hiểm hơn là những người không uống. Tuy nhiên, để an toàn cho sức khỏe, khi uống cà phê cần lưu ý những điểm sau:

Không uống quá sớm hoặc quá muộn

Trong vài giờ đầu tiên khi thức dậy, lượng hormone cortisol đang ở mức cao nhất, giúp bạn tỉnh táo tự nhiên. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo không nên uống cà phê ngay vào lúc sáng sớm. Thời gian tốt nhất để uống ly cà phê là vào 10h-12h sáng, khi nồng cortisol bắt đầu giảm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo không uống vào tối muộn vì lượng caffein này phải mất nhiều giờ mới có thể tiêu hóa hết. Do đó, việc uống cà phê quá muộn sẽ gây ra tình trạng mất ngủ hoặc khiến giấc ngủ của bạn không được sâu và ngon.

Không uống cà phê khi còn quá nóng

Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa pha xong, lúc vẫn còn rất nóng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tiêu thụ đồ uống nóng trên 65 độ C có thể tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Trong khi nước dùng pha cà phê thường được ở nhiệt độ từ 65 -85 độ C. Vì vậy, hãy cố gắng chờ khoảng 5 phút để nhiệt độ giảm xuống hãy thưởng thức.

Không uống khi đang căng thẳng

Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng, tâm trạng không tốt, cà phê có thể làm tình trạng này tồi tệ hơn. Caffeine trong cà phê có tác dụng kích thích lên hệ thần kinh, sản sinh ra hormone căng thẳng cortisol, ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây mệt mỏi, rối loạn nhận thức...

Không uống khi bị thiếu ngủ

Nhiều người cho rằng cà phê là giải pháp tự nhiên giúp bạn tỉnh táo hơn khi buồn ngủ. Nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy caffeine sẽ không có tác dụng như vậy nếu bạn ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày trong 3 đêm liên tục. Thiếu ngủ gây suy giảm đáng kể trong hoạt động nhận thức và caffeine không thể cải thiện được tình trạng này dù bạn uống nhiều.

Không uống với nhiều đường, sữa

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến tử vong sớm. Đó không phải là do béo phì hay tăng cân, mà thực tế là đường có thể gây mất nước, có thể là một triệu chứng của lượng đường trong máu cao và nếu không được theo dõi sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Dấu hiệu cảnh báo bạn nạp quá nhiều cà phê

Run tay, đánh trống ngực, lo lắng: Caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương gây ra cảm giác lo lắng và bồn chồn và làm tăng nhịp tim. Vì vậy cần nghỉ ngơi và giảm lượng uống khi cần.

Đau bụng, tiêu chảy: Nếu uống nhiều hơn 2-3 cốc mỗi ngày, cơ thể không thích nghi đươc sẽ có tác dụng "tẩy" khiến bạn đau bụng và đi tiêu chảy.

Mất ngủ, đau đầu: Bạn có thể khó ngủ hoặc tỉnh giấc vào giữa đêm, đây là những tác dụng không mong muốn của caffeine. Cần nhớ rằng chất này ở trong cơ thể khoảng 14 giờ, trung bình thời gian tác dụng kéo dài khoảng 6 giờ sau khi sử dụng.

Dưới đây là những nhóm người mà chuyên gia dinh dưỡng khuyên không nên uống cà phê để có sức khỏe tốt hơn:

Người bị bệnh tim

Vì caffein trong cà phê có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời. Bởi vậy, bất kỳ ai có bệnh tim phải tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nên uống bao nhiêu cà phê là an toàn.

Người bị trào ngược dạ dày thực quản

Caffeine có thể nới lỏng cơ thắt thực quản dưới là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này khiến các chất axit trong dạ dày xâm nhập vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng trào ngược khó chịu như khó thở, ho, buồn nôn.

Người bị hội chứng ruột kích thích

Caffeine có thể tăng cường hoạt động đường ruột, trong đó có nguy cơ tiêu chảy (một trong những biểu hiện của hội chứng ruột kích thích). Bởi vậy, nếu bạn có vấn đề hệ tiêu hóa, hãy hạn chế hoặc tránh dùng đồ uống có caffeine.

Người bị glaucoma (cườm nước)

Áp lực nội nhãn tăng lên đối với những người bị bệnh tăng nhãn áp khi uống cà phê. Vì vậy, các bác sĩ khuyến khích người bị bệnh cườm nước hạn chế hoặc tránh uống thức uống có caffeine.

Người bị động kinh

Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ, uống nhiều cà phê có liên quan đến việc tăng tần suất co giật. Bởi vậy, người bị bệnh động kinh cần trao đổi với bác sĩ về lượng caffeine có thể hấp thụ.

Phụ nữ mang thai

Từng có khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế caffeine ở mức 200 mg (khoảng 2 tách cà phê) mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ sẩy thai, chuyển dạ sinh non và con nhẹ cân.

Tuy nhiên, một đánh giá năm 2020 được công bố trên tạp chí Y học Anh đã kết luận việc sử dụng caffeine trong thời kỳ mang thai không an toàn.

Mẹ cho con bú

Vì caffeine là chất kích thích và lợi tiểu nên người mẹ đang cho con bú có nguy cơ bị mất nước. Hiệp hội Mang thai Mỹ đề nghị tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

Người bị rối loạn giấc ngủ

Uống một tách cà phê (hoặc nhiều hơn) sau một đêm ngủ không ngon giấc giúp bạn tỉnh táo. Nhưng thói quen uống cà phê của bạn có thể kéo dài chu kỳ khó ngủ và mệt mỏi.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Giấc ngủ, bạn nên tránh hấp thụ caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi lên giường.

Người hay lo lắng

Caffeine là một chất kích thích, có thể làm trầm trọng thêm sự căng thẳng ở một số người. Nếu thường xuyên trải qua các cơn hoảng sợ, bạn có thể cân nhắc việc tránh hoặc giảm lượng cà phê.

Trẻ em dưới 12 tuổi

Caffeine dễ khiến bất kỳ ai trong chúng ta hơi bồn chồn, đặc biệt có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ở trẻ nhỏ.

Trẻ uống cà phê có khả năng bị tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Cà phê có tính axit khá cao, do đó nguy cơ làm hỏng men, sâu răng.

Dưới đây là 6 sai lầm khi uống cà phê khiến bạn tăng cân:

Uống cà phê có đường

Một trong những thói quen phổ biến là thêm nhiều đường, siro hoặc chất tạo ngọt vào cà phê.

Đường làm tăng lượng calo rỗng dẫn đến tăng cân cũng như rối loạn cân bằng đường huyết, khiến bạn thèm đồ ngọt.

Thêm đường vào cà phê là một trong những thói quen âm thầm khiến bạn tăng cân mà nhiều người không ngờ tới.

Với người thường xuyên uống nhiều cà phê thì thói quen này khiến họ nạp thêm một lượng đường và calo đáng kể.

Không chú ý khi thêm sữa, kem

Nhiều người không thích uống cà phê nên có thể thêm sữa, kem. Tuy nhiên nếu bạn không chú ý lượng và loại sữa, kem bạn dùng thì điều đó có thể dẫn đến tăng cân.

Bạn cần hạn chế số lượng hoặc chọn loại kem, sữa ít đường, ít béo.

Bạn không nhất thiết phải cắt bỏ hoàn toàn loại sữa, kem yêu thích, nhưng bạn cần nhận thức lượng cà phê và calo bạn đang nạp vào cơ thể hàng ngày.

Thêm topping vào cà phê

Không chỉ kem và siro có thể làm tăng calo không cần thiết vào cà phê. Nhiều cửa hàng còn thêm whipped cream, hạt sprinkle, sốt caramel,... có thể tăng thêm calo, đường và chất béo vào cốc cà phê.

Uống cà phê thay bữa

Khá nhiều người có thói quen uống cà phê trừ bữa. Ví dụ khi quá bận rộn, họ thường quên ăn sáng hoặc ăn trưa, nhưng vẫn uống cà phê để nạp caffeine.

Thói quen này có tác hại tiêu cực nếu thực hiện thường xuyên. Bạn không nên dùng cà phê thay thế bữa ăn. Hãy ăn khi bạn thấy đói và cải thiện chất lượng, thời lượng ngủ nếu bạn mệt mỏi, thay vì uống cà phê để cố tỉnh táo.

Uống cà phê khi bụng rỗng

Nếu bạn thích uống cà phê trước khi ăn sáng, thì có thể bạn nên nghĩ lại. Đặc biệt nếu bạn hay uống cà phê thêm đường.

Khi bạn uống cà phê với bụng đói, đường sẽ đi vào máu nhanh hơn và làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của nó đối với cơ thể. Nó có thể được hấp thụ hoàn toàn và tích trữ trong cơ thể, góp phần làm tăng cân.

Việc hấp thụ đường cũng gây ra cảm giác thèm ăn thực phẩm không lành mạnh và có thể khiến bạn ăn quá nhiều, dẫn đến tăng cân.

Uống cà phê trước khi đi ngủ

Nhiều người thích uống một ly cà phê ấm nóng sau bữa tối, nhưng thói quen này có thể dẫn đến tăng cân.

Caffeine có thể làm rối loạn giấc ngủ, đặc biệt nếu uống gần giờ đi ngủ.

Chất lượng giấc ngủ kém có thể tác động tới cân nặng của bạn bằng cách làm tăng loại hormone gây cảm giác đói và giảm hormone tạo cảm giác no.