Những điều ít biết về tàu con thoi Discovery

Tàu vũ trụ con thoi Discovery là một trong những con tàu được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng nhiều nhất cho các sứ mệnh bay vào không gian và đưa người và thiết bị lên trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Cách đây 5 năm, ngày 9/3/2011, tàu vũ trụ Discovery đã hạ cánh an toàn xuống Trung tâm vũ trụ Kennedy, bang Florida của Mỹ, kết thúc sứ mệnh bay vào vũ trụ cuối cùng của mình sau 27 năm hoạt động.

Chương trình tàu vũ trụ con thoi của Mỹ được khai sinh vào năm 1972 dưới thời Tổng thống Mỹ Richard Nixon nhằm thực hiện các chuyến bay đưa người vào vũ trụ. Hình thành từ hơn 2,5 triệu linh kiện khác nhau, tàu vũ trụ con thoi được đánh giá là cỗ máy phức tạp nhất từng được con người tạo ra. Các tàu con thoi của Mỹ chính thức đi vào hoạt động từ năm 1982.


Tàu Discovery được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ngày 31/5/2008.

Trong chương trình tàu con thoi của Mỹ, đã có 6 tàu con thoi được chế tạo. Chiếc đầu tiên là Enterprise chỉ dùng cho mục đích thử nghiệm. 5 con tàu còn lại được đưa vào hoạt động là Columbia, Challenger, Discovery, Atlantis và Endeavour. Trong số này, Challenger là con tàu xấu số đã bị vỡ tung chỉ 73 giây sau khi phóng vào năm 1986, còn Columbia thì gặp nạn khi trở lại Trái đất vào năm 2003. 

Discovery là tàu con thoi thứ 3 đi vào hoạt động trong chương trình tàu con thoi của Mỹ và cùng với hai chiếc còn lại là Atlantis và Endeavour, trở thành ba con tàu vũ trụ thực hiện tốt các sứ mệnh của mình trong chương trình tàu con thoi của NASA. Discovery cũng là tàu con thoi được NASA sử dụng nhiều nhất cho các sứ mệnh bay vào không gian và đưa người và thiết bị lên ISS. Kể từ năm 1984 đến năm 2011 (khi kết thúc sứ mệnh của mình), Discovery đã thực hiện tổng cộng 39 sứ mệnh, vượt được quãng đường dài 230 triệu km, với 363 ngày trên vũ trụ và bay vòng quanh Trái đất 5.800 lần, mang theo 180 nhà du hành vũ trụ và ghi nhiều dấu ấn đặc biệt cho NASA. 

Discovery đã đưa nhà du hành John Glenn bay vào vũ trụ năm 1998.
Nổi bật trong số các sứ mệnh của Discovery là nhiệm vụ mang theo kính viễn vọng không gian Hubble lên vũ trụ vào năm 1990, tạo nên cuộc cách mạng cho sự hiểu biết của con người về thiên văn học. Từ đây nhân loại có thể nhìn xuyên thấu vũ trụ bao la, tối tăm, tìm kiếm và phát hiện hàng triệu triệu ngôi sao, thiên hà, tinh vân xa xôi. 

Discovery cũng là con tàu đưa nhà du hành John Glenn, người cao tuổi nhất bay vào vũ trụ khi ông ở tuổi 77 (vào năm 1998). Và cũng chính Discovery đã hai lần được chọn làm con tàu khôi phục hoạt động của chương trình tàu vũ trụ con thoi (lần đầu vào năm 1988, hai năm sau thời điểm nổ tàu Challenger và tiếp đó là tháng 7/2005, sau vụ nổ tàu Columbia hồi năm 2003)... 

Cùng với Discovery, hai tàu con thoi Atlantis (với chuyến bay đầu tiên vào tháng 10/1985) và tàu Endeavour (với chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/1992) đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh của mình, đó là giúp lắp ráp, xây dựng nên trạm Vũ trụ quốc tế ISS - “tiền đồn của nhân loại” trong vũ trụ. 

Tuy nhiên, cũng có thể thấy, chương trình tàu con thoi là một trong những chương trình không gian tốn kém lớn cho nước Mỹ. Chi phí cho mỗi lần phóng tàu con thoi lên đến 500 triệu USD bao gồm chi phí cho hàng tháng bảo trì và chuẩn bị các bước giữa hai lần bay, các hệ thống thủy lực và điện tử dùng trong bệ phóng... Tổng cộng trong 30 năm hoạt động, chương trình tàu con thoi đã ngốn đến 196 tỉ USD từ ngân sách liên bang Mỹ. 

Và sau 30 năm hoạt động, vào năm 2011, nước Mỹ đã quyết định khép lại chương trình tàu vũ trụ con thoi của mình, với việc dừng các chuyến bay của 3 con tàu Discovery, Endeavour và Atlantis. 

Ngày 9/3/2011, Discovery trở thành chiếc tàu đầu tiên “giải nghệ” sau khi hạ cánh an toàn xuống mặt đất. Sau đó là tàu Endeavour với chuyến bay cuối cùng vào vũ trụ ngày 13/5/2011, và cuối cùng là tàu Atlantis đã cất cánh lần cuối cùng vào ngày 8/7/2011. Ba chuyến đi cuối cùng này đã chính thức khép lại kỷ nguyên thống trị của nước Mỹ trong lĩnh vực thám hiểm không gian.

Trong chuyến bay cuối cùng của tàu Atlantis, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố: "Lần phóng này đánh dấu chuyến đi cuối cùng của tàu con thoi, nhưng nó đưa chúng ta vào kỷ nguyên mới của cuộc khám phá không bao giờ kết thúc, nhằm đạt tới những giới hạn mới và khám phá mới trong không gian".

Có thể thấy rõ, chương trình tàu con thoi của Mỹ đã trải qua nhiều giai đoạn bay cao và tụt dốc trong vòng 30 năm qua với những thành tựu và thảm họa đan xen. Nhưng cũng phải ghi nhận rằng, trong 30 năm đó, hơn 350 người từ 16 quốc gia đã bay trên các tàu con thoi của Mỹ và các tàu con thoi đã thực hiện được 135 sứ mạng. Và đã đến lúc chương trình này cần phải khép lại và mở ra một chương trình tàu vũ trụ mới cho tương lai.

Việc chấm dứt kỷ nguyên tàu con thoi chắc chắn sẽ chỉ là một điểm dừng tạm thời trong tham vọng khám phá vũ trụ của nước Mỹ. Hiện NASA đang trong quá trình nghiên cứu những mô hình tàu vũ trụ mới cho tương lai và có khả năng sẽ cho trình làng một thế hệ mới vào năm 2025.
Theo Theo Báo Tin Tức