Tháng 11, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng phục hồi với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, xuất khẩu tăng mạnh và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc. Dù còn những bộn bề sau dịch bệnh, song nhiều doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI vẫn thể hiện lạc quan và đã sớm trở lại đường đua kinh doanh. Vốn FDI rót vào Việt Nam cũng tăng mạnh với kỳ vọng cơ hội phục hồi trong thời gian tới.
Là một doanh nghiệp lớn xuất khẩu trái cây sang Mỹ, chia sẻ với PV Tiền Phong, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã thở phào nhẹ nhõm sau những ngày giãn cách xã hội căng thẳng. Công ty xuất khẩu chủ yếu là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài... với sản lượng bình quân mỗi tuần khoảng 200 tấn.
Thời điểm giãn cách, việc đi lại khó khăn khiến sản lượng xuất khẩu của công ty sụt giảm mạnh, có thời điểm lên đến 40%. Nhiều đơn hàng không thể xuất được, hoặc giao chậm nên phải hạ giá bán, thậm chí bán lỗ. Trong khi đó, các chi phí như 3 tại chỗ”, logistic… tăng cao, doanh nghiệp đứng ngồi không yên để xoay xở dòng tiền.
Tuy nhiên, từ tháng 10, bà Vy cho biết, doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất bình thường. Điều đáng mừng là các đơn hàng phục vụ cho lễ Giáng sinh của các đối tác trong cuối năm tăng vọt. Chẳng hạn sầu riêng, công ty đang cháy hàng ở thị trường Mỹ, Úc, không đủ nguyên liệu để cung cấp. Các đơn hàng cho năm 2022, các đối tác cũng đặt trước với số lượng tăng vọt.
“Chúng tôi phải tăng sản lượng thu mua lên 100 đến 200 tấn sầu riêng/ngày mới kịp phục vụ cho khách. Dù dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng đến thời điểm này, chúng tôi tự tin đạt được doanh số tăng trưởng cao hơn năm ngoái”, bà Vy phấn khởi chia sẻ.
Theo bà Vy, ở góc nhìn tích cực chính điều kiện dịch bệnh khó khăn đã buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Năm nay, khi hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, công ty giảm xuất khẩu sản phẩm tươi và chuyển mạnh sang xuất sản phẩm chế biến sâu. Công ty cũng đầu tư thêm dây chuyền công nghệ để tăng sản phẩm sấy, đông lạnh. Ngoài ra, công ty cũng xây dựng lại và mở rộng được các chuỗi liên kết vùng nguyên liệu, với các thương lái, nông dân và hợp tác xã theo hướng chặt chẽ, bền vững hơn. Việc mà trước đây doanh nghiệp thực hiện khá chật vật.
Các doanh nghiệp nước ngoài cũng thể hiện sự lạc quan về triển vọng phát triển ở Việt Nam. Khảo sát của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), thực hiện từ ngày 15 đến 17/11 với sự tham gia của hơn 550 công ty thành viên và 2.000 đại diện cá nhân của AmCham cho thấy, gần 80% doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung - dài hạn ở Việt Nam.
Sản xuất dần phục hồi
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tháng 11, kinh tế ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 128.
Có 11.902 doanh nghiệp mới được thành lập, vốn đăng ký là 149.900 tỷ đồng. Số lao động đăng ký đạt hơn 76.600 lao động, cũng tăng 30% so với tháng 10. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, bình quân một tháng có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” được tổ chức ngày 30/11, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, điểm đáng chú ý là trong cùng một lĩnh vực, doanh nghiệp gia nhập và rút lui tương đương nhau, nghĩa là phương thức kinh doanh mới, sáng tạo đang thay thế cho phương thức cũ.
Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tính chung 11 tháng ước đạt 299,4 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 11, ước tính xuất siêu 100 triệu USD, 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD.
FDI tiếp tục phục hồi cũng là một điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong tháng 11. Dự báo về tiềm năng thu hút FDI năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ khởi sắc.