Những dấu hiệu cảnh báo ung thư khoang miệng

TPO - Ung thư khoang miệng là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật.

Triệu chứng của bệnh ung thư khoang miệng

Dấu hiệu nhận biết sớm của ung thư khoang miệng là sự xuất hiện các vết loét trong miệng không lành trong vòng hai tuần.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không cảm thấy đau hoặc chỉ đau tại một vị trí nào đó khi chạm vào. Khi có vết loét ở da miệng sẽ đau hơn. Khi tế bào ung thư xâm lấn đến dây thần kinh xung quanh, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở trong tai và khoang mũi họng. Niêm mạc miệng của người khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt còn ở người bệnh thì nhợt màu hoặc đen lại do tế bào biểu mô niêm mạc thay đổi. Ung thư khoang miệng thường di căn hạch đến cổ nên hạch cổ sẽ sưng to đột ngột.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh ung thư khoang miệng thường không cảm thấy đau hoặc chỉ đau tại một vị trí nào đó khi chạm vào.

Ngoài ra, cảm giác đau nhức khi nuốt hoặc nói chuyện, hơi thở hôi lâu ngày hoặc sự khó khăn khi nhai cũng là những biểu hiện cảnh báo ung thư khoang miệng.

Quan trọng nhất là người bệnh tự nhận thức các triệu chứng này và đi khám bác sĩ ngay khi nghi ngờ. Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc có xu hướng tăng nặng, cần tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu để loại trừ nguy cơ ung thư.

Ai có nguy cơ cao bị ung thư khoang miệng?

Nguyên nhân chính gây ra ung thư khoang miệng bao gồm những yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia và tiếp xúc với chất gây ung thư trong thực phẩm hoặc môi trường. Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân hàng đầu, làm tăng nguy cơ gây ung thư khoang miệng gấp nhiều lần. Việc sử dụng rượu bia lâu dài cũng góp phần làm tăng nguy cơ. Ngoài ra, nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) được xem là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp ung thư khoang miệng, đặc biệt là ở thanh niên. Người nhiễm HPV, đặc biệt là HPV tuýp 16, được xác định là nhóm nguy cơ cao. Thêm vào đó, những người có tiền sử gia đình về ung thư hoặc có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu vitamin A, C và E, cũng được xem là các nhóm nguy cơ.

Việc tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím (UV) trong môi trường cũng có thể góp phần gây ung thư khoang miệng. Những người làm việc trong môi trường công nghiệp, tiếp xúc với hóa chất như amiăng hoặc formaldehyde cũng có nguy cơ cao hơn. Đặc biệt, nhóm người có hệ miễn dịch suy giảm do bệnh lý hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cũng cần được theo dõi chặt chẽ.

Cách phòng ngừa ung thư khoang miệng

Phòng ngừa ung thư khoang miệng yêu cầu một lối sống lành mạnh. Tránh hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia là hai biện pháp hữu hiệu nhất. Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, E, có thể giúp tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Vệ sinh răng miệng đúng cách cũng rất quan trọng, bao gồm đánh răng hai lần mỗi ngày, sử dụng chỉ nha khoa và đi khám nha khoa định kỳ. Đặc biệt, việc tiêm phòng vaccine HPV cho trẻ em và thanh thiếu niên được khuyến cáo như một biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ nhiễm virus HPV, từ đó ngăn ngừa ung thư khoang miệng. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với tia cực tím trực tiếp bằng cách sử dụng kem chống nắng cho môi và đội mũ rộng vành khi ra ngoài nắng cũng là biện pháp hữu hiệu.

Sống chung với căn bệnh ung thư khoang miệng như thế nào?

Ăn uống: Sự thay đổi rõ rệt nhất với bệnh nhân ung thư khoang miệng chính là vị giác. Không còn cảm giác ngon miệng là tình trạng có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vĩnh viễn khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy cổ họng, hàm rất đau khiến việc nhai và nuốt gặp khó khăn trong một thời gian. Điều quan trọng, ngay cả khi không ăn uống thường xuyên, người bệnh vẫn cần phải giữ miệng và răng sạch sẽ để giúp ngăn tình trạng nhiễm trùng và khoang miệng cảm thấy dễ chịu hơn.

Giọng nói: Khi điều trị ung thư khoang miệng, giọng nói của người bệnh có thể thay đổi và có thể cần sử dụng đến liệu pháp trị liệu ngôn ngữ.

Ngoại hình: Phẫu thuật điều trị ung thư khoang miệng có thể làm thay đổi diện mạo của người bệnh. Người bệnh có thể cần phẫu thuật tái tạo lại xương hoặc mô đã mất.

Cuộc sống thầm kín: Việc điều trị ung thư khoang miệng có thể khiến người bệnh căng thẳng, lo lắng gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sự thân mật giữa 2 người. Đây là tình trạng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, những hành động chăm sóc yêu thương mà không nhất thiết là chuyện ấy cũng có sức động viên tinh thần người bệnh rất lớn. Trong điều trị ung thư cũng như mọi căn bệnh, tâm trạng tốt của người bệnh hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị. Cảm giác không bị cô đơn, tìm thấy chỗ dựa ở gia đình, bạn bè… là liều thuốc tinh thần đáng kể cho mỗi một bệnh nhân của bệnh hiểm nói chung và ung thư khoang miệng nói riêng.