Những cuộc tình nơi cửa chùa chấn động lịch sử
Chuyện tình nơi cửa thiền vốn là điều cấm kỵ nhưng mãnh lực của tình yêu khiến con người có thể bất chấp tất cả.
Chuyện vua Lê Thánh Tông vì quá si mê tài sắc của một ni cô mà ép người này vào cung làm phi tần đã được ghi lại trong sử sách Việt Nam. Theo đó, một lần ghé thăm chùa Ngọc Hồ - một ngôi chùa có phong cảnh cực u nhã ở gần Quốc Tử Giám, vừa bước vào sân chùa, vua Lê Thánh Tông chợt sững sờ khi nghe thấy có tiếng người tụng kinh, giọng trong trẻo diệu kì như vút lên tận từng mây. Khi đến gần, trái tim vua như bị sét đánh khi thấy người đang tụng là một ni cô đẹp như tiên nữ giáng trần.
Ni cô quay lại, thấy đôi mắt nhà vua nhìn mình đăm đắm, liền lấy bút đề vào vách chùa hai câu thơ Nôm với nét chữ lả lướt: “Tới đây mến cảnh mến thầy / Tuy vui đạo Bụt, chưa khuây lòng trần”.
Câu thơ nói đúng tâm trạng càng làm Lê Thánh Tông ngơ ngẩn. Vua liền sai các quan hầu cận làm thơ vịnh để ghi nhớ buổi kì ngộ. Một người viết: “Ngẫm sự trần duyên khéo cực cười / Sắc không, tuy Bụt, ấy lòng người / Chày kình một tiếng tan niềm tục / Hồn bướm ba canh lẩn sự đời / Bể ái nghìn tầm mong tát cạn / Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi / Nào nào cực lạc là đâu tá? / Cực lạc là đây chín rõ mười”.
Ni đáp lại ngay: “Hai câu thực và luận còn thiếu ý lại chưa thanh, nên sửa là: Gió thông đưa kệ tan niềm tục / Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”. Vua Lê Thánh Tông thật sự cảm phục trước trí tuệ và sự thanh khiết của ni cô, một mực mời ni cô lên xa giá về cung để lập làm phi.
Khó có thể từ chối vua, ni cô đành thuận theo. Nhưng lạ thay, khi đến cửa thành thì mọi người nhận ra ni cô đã biến mất khỏi xa giá như một làn gió. Vua Lê Thánh Tông tin chắc ni cô là một tiên nữ giáng trần. Lòng đầy tiếc nuối mãi, vua truyền lệnh cho xây lầu Vọng tiên ở ngay đó để kỷ niệm và cũng để ngóng trông một ngày tái ngộ với người con gái tài sắc và bí ẩn...
Thảm tình của công chúa nhà Nguyễn với vị thiền sư
Theo sử sách, công chúa Ngọc Anh - công chúa thứ 3 của Hoàng đế Gia Long có nhan sắc chim sa cá lặn, nhưng không lấy chồng mà nguyện thành tâm ăn chay và tụng kinh niệm phật để cầu sự thái bình, thịnh trị cho triều Nguyễn. Trớ trêu thay, khi gặp Thiền sư trẻ Liễu Đạt Thiệt Thành, cô yêu say đắm tìm cách khiến nhà sư phá giới.
Thiền sư đã dùng Phật pháp giảng giải cho công chúa, mong cô tỉnh ngộ. Để tránh mặt Ngọc Anh, sư còn viện cớ trở về chùa Từ Ân ở Gia Định chịu tang sư phụ rồi ở lại luôn. Song không chịu bỏ cuộc, công chúa lấy cớ đến chùa Từ Ân cúng dường để được gặp người mình yêu.
Trong thời gian công chúa ở chùa, mỗi sáng thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt đều phải đến hầu chuyện. Công chúa không bỏ lỡ cơ hội, tìm mọi cách chinh phục vị thiền sư trong mộng. Đến một ngày, sư bỗng dưng biến mất. Công chúa suy sụp, trầm tư, buồn bã không thiết ăn uống cả ngày.
Vì công chúa ngày một tiều tụy, thị giả của nhà sư sợ rằng nếu công chúa có mệnh hệ nào sẽ có hại cho chùa, nên đành phải tiết lộ là thiền sư đã lên chùa Đại Giác ở Cù lao Phố để nhập thất hai năm.
Công chúa tìm được đến chùa Đại Giác ở Cù lao Phố nơi thiền sư tới để nhập thất hai năm. Cô quỳ xuống lễ ba lễ và thưa rằng: "Đệ tử sắp hồi kinh nên đến đây xin hòa thượng cho diện kiến lần chót trước khi lên đường". Không nghe thấy tiếng trả lời, Công chúa lại nài nỉ: "Bạch Hòa thượng, nếu Hòa thượng không tiện ra tiếp, xin Hòa thượng cho con nhìn thấy bàn tay của Hòa thượng, đệ tử cũng hân hoan mà ra về...".
Im lặng trong vài phút, sư đưa một bàn tay ra cửa nhỏ. Công chúa ôm lấy bàn tay hôn và khóc... Vào đêm hôm đó, trong khi mọi người đang an giấc, lửa bỗng cháy rực ở tịnh thất của thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt. Dù đã cố cứu, nhưng tịnh thất và xác thân thiền sư đã cháy rụi. Hôm sau, công chúa Ngọc Anh, do quá đau buồn đã uống thuốc độc quyên sinh. Mối tình giữa công chúa và vị thiền sư đã kết thúc một cách bi thảm.
Mỹ nhân kế không hạ gục được sư Huyền Quang
Khi vua Trần Anh Tông khi mới đăng quang, một triều thần đã dèm pha thiền sư Huyền Quang rằng sư còn trẻ như thế, chắc gì đã là một vị chân tu, lại đứng đầu các hàng tăng ni, Phật tử, e rằng thiên hạ sẽ sinh ra dị nghị.
Sau khi bàn bạc với các đại thần, vua quyết định thử lòng Huyền Quang bằng kế mỹ nhân xem vị thiền sư trẻ có bị lung lạc hay không. Người được chọn để thực hiện kế này là nàng Điểm Bích, một cung nhân vừa có sắc đẹp quyến rũ vừa có tài văn thơ. Vua chỉ dụ cho Điểm Bích phải lấy được ít nhất một nén vàng trong số 10 nén vàng mà nhà vua đã tặng Huyền Quang, để làm bằng chứng. Điểm Bích vâng lệnh nhà vua đi Yên Tử tìm gặp Huyền Quang
Tại Yên Tử, Điểm Bích đã sử dụng đủ các chiêu trò sắc dục để mê hoặc thiền sư, nhưng đều thất bại. Lo sợ bị vua trừng phạt, cô không dám về báo với vua mà bịa ra một câu chuyện gia đình bi thảm để lợi dụng lòng từ tâm của Huyền Quang... Kế này cuối cùng đã thành công, Điểm Bích lấy được vàng mà vua đã giao cho thiền sư.
Khi trở về cung, Điểm Bích dựng lên câu chuyện Huyền Quang phá giới. Nhà vua tức giận, liền sai mở hội Vô Già ở phía Tây đô thành và sai sứ đi Yên Tử mời Huyền Quang về làm án pháp.
Huyền Quang về kinh đô, thấy bày biện vàng lụa, các món mặn, liền biết mình đã bị thử thách. Thiền sư thở dài, lên xuống đàn ba lần rồi bái vọng ra mười phương, khấn: "A di đà Phật! Xin Trời, Phật chứng giám, phù hộ độ trì. Kẻ đệ tử này có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống âm ty địa ngục, còn nếu không, thì xin cho lụa vàng bay đi và những cỗ mặn kia hóa thành cỗ chay tất cả".
Ngay lúc ấy, một đám mây đen xuất hiện, gió nổi lên, các tạp vật bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang và đồ cúng chay. Đến đây, Điểm Bích phải thú nhận với nhà vua sự gian dối của mình. Tuy vậy, do thiền sư Huyền Quang xin vua tha tội nên cô đã không bị trừng phạt…
Theo Đất Việt