Lấy viện làm nhà
Nhập viện từ cuối tháng 4/2021, Thái Bảo Hưng (14 tuổi), con trai của chị Thái Thị Thuận được các bác sĩ chẩn đoán bị u tế bào mầm. “Ngày nhập viện các bác sĩ nói con chỉ còn 5% để sống, tôi sợ lắm, cảm giác không thể sống nổi”, chị Thuận chia sẻ.
Quê gốc ở Nghệ An nhưng gia đình chị chuyển vào Lâm Đồng sinh sống và lập nghiệp. Ngày đưa con đi chữa bệnh, một mình chị Thuận vừa làm cha, vừa làm mẹ để sát cánh bên con. Quãng đường gần 1500km từ Lâm Đồng ra Hà Nội chữa bệnh đã xa nay lại còn xa hơn. Gần một năm rưỡi, kể từ ngày Hưng nhập viện, cậu bé ngây thơ lấy viện làm nhà, thỉnh thoảng được các bác sĩ cho về thì cũng chỉ dám về nhà ông bà nội ở Nghệ An, vì về Lâm Đồng xa quá, gia đình không có tiền đi lại.
Chị Thái Thị Thuận nghẹn ngào chia sẻ về căn bệnh của con trai sau lần tái nhiễm.
Chị Thuận kể, ban đầu Hưng điều trị khỏi bệnh được 3 tháng thì lại bị tái bệnh, bây giờ bệnh tình của cậu nặng hơn, phải truyền những loại hóa chất liều cao, mỗi lần truyền là ròng rã 7 ngày 7 đêm ở trên giường, không ăn được mà còn bị nôn mửa do tác dụng của thuốc quá mạnh.
Giống như Hưng, cô bé Nguyễn Đỗ Thùy Linh (8 tuổi) cũng lấy viện làm nhà. Thùy Linh bị u Lympho và được phát hiện từ tháng 1/2022. Bé bị đau mắt cá chân, đi khám thì phát hiện thêm u ở thái dương. Ban đầu khám ở bệnh viện tỉnh 2 tuần không ra, sau đó nghi ngờ bị ung thư thì em được các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Chị Đỗ Thị Lĩnh, mẹ của bé chia sẻ hiện tại u thái dương đã nhỏ dần, các y bác sĩ dự kiến điều trị khoảng 10 tháng, nhưng có thể kéo dài hơn vì trong quá trình điều trị, Thùy Linh không may còn bị nhiễm trùng máu và mắc COVID-19.
Gia đình chị Lĩnh đều làm nông và có hoàn cảnh rất khó khăn, Thùy Linh là con thứ hai trong gia đình, trên bé là anh trai đang đi nghĩa vụ, dưới Linh là một em nhỏ chỉ kém em một tuổi. Giờ đi viện, nguồn kinh tế chính trong gia đình không có ai lo vì chồng chị phải đi cải tạo, chị phải bỏ việc làm thuê, làm mướn ở quê để lên chăm con. “Hiện các suất ăn hằng ngày đều được phòng Công tác xã hội của bệnh viện hỗ trợ chứ nhà mình cũng chẳng có tiền ăn, viện phí của con thì cũng được bảo hiểm hỗ trợ chứ tiền đâu mà trả”, chị Lĩnh tâm sự.
Cô gái nhỏ Nguyễn Đỗ Thùy Linh phải chiến đấu với nhiều căn bệnh cùng lúc.
Kiên cường vượt qua
Suốt gần một năm rưỡi, chỉ có mình chị Thuận chăm Hưng vì chồng là lao động chính phải lo cho cả nhà, “Đi lại nhiều quá tài xế quen mặt còn hỏi anh nhà đâu mà chị lại đi chăm bé một mình, nhiều lúc tôi cũng buồn, cũng thấy chạnh lòng nhưng chỉ biết cố gắng chứ không thể để cả hai vợ chồng chăm con, như thế thì không có tiền để chăm lo cho con và bố mẹ già ở quê”, chị Thuận nghẹn ngào.
Ở tuổi ăn, tuổi chơi các bé không may phải mang trong mình những căn bệnh ung thư quái ác, đôi lúc những câu nói, những câu hỏi ngây thơ của con trẻ khiến cho người nghe đau xé lòng. Nhiều lần xem điện thoại thấy có quảng cáo thuốc chữa ung thư, Hưng hỏi mẹ “Ở nước ngoài người ta bán thuốc chữa ung thư, sao mẹ không mua cho con?”. Thương con, chị cũng giải thích cho Hưng hiểu, chị cũng nói nếu có thuốc chữa khỏi dứt bệnh, bao nhiêu mẹ cũng mua cho con.
Không có bố ở bên, Thùy Linh chỉ biết dựa vào mẹ, thế nhưng cô bé rất ngoan, biết nghe lời và dường như em hiểu được nỗi vất vả của người làm mẹ. Chị Lĩnh tâm sự: “Giờ đây tôi chỉ biết lấy các con làm động lực, cố gắng để vượt qua mọi khó khăn, mong con khỏi bệnh để về nhà, khi ấy thì tôi mới có thể tiếp tục đi làm, kiếm tiền nuôi con, nuôi bố mẹ già.” Ngày mới biết tin con bị bệnh, chị Lĩnh cũng suy sụp, nghe thấy căn bệnh ung thư là chỉ sợ con chết, thế nhưng nhờ có sự động viên của các y bác sĩ, của những người làm bố làm mẹ khác, chị mới vững vàng để vượt qua.
Phải dừng việc học từ kỳ 1 năm lớp 7, Thái Bảo Hưng luôn mong ước mình nhanh chóng khỏi bệnh để được về nhà đi học tiếp, để vui chơi với bạn bè. Còn Thùy Linh, cô bé 8 tuổi luôn hồn nhiên vui đùa lại mong ước được trở thành bác sĩ “vì bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo”.