“Mỗi khi tổ chức sự kiện, Đoàn TN, Hội sinh viên ĐH Bách khoa không còn phải lo khâu thiết kế thiệp mời, pa nô, phông nền, lô gô vì đã có CLB những bạn trẻ make up của trường lo trọn gói; đảm bảo đẹp, sáng tạo”, Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa, anh Lê Hiếu Học, cho biết.
Sinh năm 1989, khi đang là sinh viên năm thứ nhất ĐH Bách khoa, Ngọc Cường được tín nhiệm làm cán bộ Hội sinh viên và còn được giao nhiệm vụ viết nội dung tuyên truyền cho các hoạt động của Hội. Bắt tay thực hiện cùng nhóm bạn, Cường nhận thấy giấy mời, pa nô, áp phích được in ấn trên giấy đơn điệu không thu hút được bạn trẻ. Từ đó, Cường tự mày mò thiết kế trên máy. Những mẫu sản phẩm đầu tiên của Cường được đánh giá cao và cho in thử. Có động lực, Cường bắt tay vào học thiết kế trên máy.
CLB vừa tạo điều kiện cho các hội viên phát huy, rèn luyện khả năng; đồng thời tổ chức Đoàn, Hội cũng tận dụng được nguồn lực sinh viên trong trườn”, Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa Lê Hiếu Học nói.
“Có lẽ có một chút năng khiếu cộng với niềm đam mê giúp mình học rất nhanh”, Cường chia sẻ.
CLB thiết kế được Đoàn, Hội của trường tin tưởng giao đảm trách toàn bộ nội dung về tuyên truyền, in ấn. Từ đó, khi nhận được một chương trình, Cường lại trăn trở thiết kế để sao cho vừa phù hợp mới mục tiêu và phải hấp dẫn được đông đảo bạn trẻ.
Tiếng lành đồn xa, qua nhiều lần Đoàn trường phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội tổ chức các chương trình, Đoàn cấp trên phát hiện tài năng của những chàng trai trong CLB và bắt đầu đặt vấn đề phối hợp.
Đến năm 2010, những sự kiện lớn như Tuyên dương thủ khoa, Gặp gỡ 1.000 Đảng viên trẻ tiêu biểu, Lễ hội đường phố, Đại hội Hội sinh viên Việt Nam, Hội thi bí thư chi Đoàn giỏi Thủ đô… do Thành Đoàn, T.Ư Đoàn tổ chức đều có dấu ấn của CLB thiết kế trẻ ĐH Bách khoa. Ngoài ra, nhiều đơn vị, Cty biết tiếng đã liên hệ thiết kế lịch, lô gô, giấy mời... giúp các bạn trẻ trong CLB có thêm nguồn thu.
CLB thiết kế trẻ chính thức thành lập tháng 5 - 2010 do Cường làm Chủ nhiệm. Sau 7 tháng thành lập, từ 3 thành viên nay CLB đã có hơn 20 người.
Tinh thần tình nguyện
Vừa lên lớp, vừa mở quán tự kinh doanh cà phê, vừa tất bật với những chương trình, sự kiện của Thành Đoàn, T.Ư Đoàn, nhưng Chu Ngọc Cường vẫn mong muốn được làm nhiều, cống hiến nhiều hơn nữa. Sau nhiều vấp váp, Cường nói: “Càng làm nhiều, mới thấy mình trưởng thành hơn. Nếu ngày trước được giao một chương trình, có khi cả đêm về mất ngủ vì sợ làm không vừa ý các anh chị; sợ đến phút chót, nội dung chương trình sẽ thay đổi, phải thiết kế lại. Qua nhiều lần như thế, mình tự tin hơn nhiều”.
Ôm đồm nhiều việc, lại mắc bệnh chỉn chu, Cường được bạn bè gọi là ông cụ non. Hì hụi cả đêm để cho ra đời được mẫu vẽ, nhưng sáng ra không thích, Cường lại xóa để làm lại.
Với CLB, khi nhận chương trình trong vai trò là người lãnh đạo nhóm, Cường thể hiện rõ tố chất lãnh đạo khi luôn phân công việc cụ thể, phù hợp cho từng người như người lo thiết kế pa nô, người làm băng rôn, người làm giấy mời, phông nền, thẻ đại biểu, logo áo, mũ, hộp quà tặng… Công việc không nặng nhọc, nhưng tốn nhiều thời gian của Cường và các thành viên trong nhóm.
CLB thiết kết sản phẩm cho cho Đoàn, Hội chủ yếu bằng lòng nhiệt tình và tinh thần tình nguyện. Hiện là sinh viên năm thứ 4, khoa Điện tử - Viễn thông, Cường đang ấp ủ dự định sẽ mở lớp đào tạo ngắn hạn về thiết kế cho sinh viên Bách khoa. Cường cho hay, nhiều bạn có khả năng thiết kế chỉ cần được hướng dẫn một chút sẽ thành nghề. Mỗi khóa học thiết kế ở các Cty ngoài mất ít nhất 6 tháng và tốn kém không dưới 1.000 USD.
“Nhiều sinh viên của trường có khả năng thiết kế nhưng không có cơ hội để thử tài và nâng cao khả năng”, Cường nói. CLB cũng phối hợp với trường Hà Nội Arena để hướng dẫn, tư vấn thiết kế cũng như cho CLB mượn địa điểm học tập.
Cường cùng nhóm bạn mở quán cà phê mang tên Eco với ý nghĩa thân thiện với môi trường nằm gọn trong ngõ 59, phố Chùa Bộc cũng là nơi CLB sinh hoạt hàng tuần. Quán có riêng một tủ sách chuyên về thiết kế, kinh doanh, nghệ thuật nhằm hút những bạn trẻ mê kinh doanh, nghệ thuật và muốn học thiết kế tới vừa uống cà phê vừa đọc sách.