Những ẩn số trong bầu cử Tổng thống Mỹ

TP - Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra khi nước Mỹ đang ở trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Cuộc khủng hoảng đa chiều bắt nguồn từ dịch bệnh COVID-19 khiến kỳ vọng của cử tri thay đổi, từ đó thay đổi cơ và vận của hai đối thủ Donald Trump và Joe Biden. 
Ông Joe Biden (trái) và ông Donald Trump, ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11? Ảnh: Bloomberg

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đánh giá như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Tiền Phong ngày 1/11.

Ông nhận thấy những đặc điểm gì trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020?

Ông Phạm Quang Vinh: Cuộc bầu cử cử 2020 diễn ra khi nước Mỹ đang ở trong hoàn cảnh rất đặc biệt, có lẽ chưa từng có. Đó là một cuộc khủng hoảng đa chiều, bắt nguồn từ dịch bệnh COVID-19. Đại dịch và đại phong tỏa gây ra khủng hoảng về y tế, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xã hội. Ngoài ra, còn có những khủng hoảng vốn có trong lòng nước Mỹ, bao gồm vấn đề phân hóa chính trị và phân biệt chủng tộc.

Hoàn cảnh đặc biệt đó khiến người dân Mỹ có kỳ vọng khác nhau. Cử tri Mỹ trước bầu cử thường coi trọng vấn đề kinh tế. Ứng viên nào có thể mang lại lợi ích kinh tế, phúc lợi xã hội và công ăn việc làm sẽ có cơ hội lớn hơn. Nhưng đại dịch đã làm đảo lộn tất cả, khi Mỹ đã có hơn 7 triệu người mắc và hơn 230.000 người chết vì COVID-19.

Câu chuyện dịch bệnh gây ra những luồng ý kiến khác nhau, đặt ra yêu cầu về phòng chống dịch và phục hồi cuộc sống như thế nào. Mỹ không ngăn chặn được dịch bệnh sớm. Mỹ lần đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trên cả 50 bang từ ngày 11/3. Từ lúc đó đến nay, Mỹ vẫn chưa thấy hồi kết cho dịch bệnh, điều đó càng gây chia rẽ chính trị và ảnh hưởng đến kỳ vọng của người dân.

Tình hình đó làm đảo lộn cơ và vận của hai ứng viên đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden. Nhìn lại những thăm dò dư luận từ khi quá trình tranh cử bắt đầu từ nửa sau của 2019, rõ ràng các kết quả kinh tế cộng thêm những câu chuyện dân túy như nhập cư, làm cho Mỹ vĩ đại trở lại, chính sách đối ngoại..., dường như ông Trump chiếm ưu thế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền PhongẢnh: Thu Loan

Từ khi có đại dịch, nhất là từ tháng 3, mọi thứ đảo chiều, dần nghiêng về Biden. Các thăm dò dư luận sau đó cho thấy ông Biden dẫn liên tục, khoảng cách dẫn khoảng 10 điểm (52% - 42%, 53% - 43%). Kể cả ở những bang mà cử tri Mỹ còn do dự, ông Biden cũng đang dẫn trước. Tất cả thăm dò cho thấy ông Biden sẽ thắng nhưng không ai khẳng định sẽ thắng 100% và không ai dám loại bỏ khả năng đảo ngược, dù là hẹp.

Mỗi bên đều có lực lượng nòng cốt của mình. Ông Trump có lợi thế trong những vấn đề về kinh tế, phúc lợi xã hội, công ăn việc làm, nhưng đại dịch làm đảo lộn những kỳ vọng của cử tri, khiến họ bớt hướng đến tương lai mà nghĩ ngay đến điều trước mắt, đó là muốn thoát khỏi dịch bệnh.

Có những người chưa tin tưởng vào đường ra của cả hai ông. Với ông Biden, người ta thấy một người nhìn chung là tôn trọng giá trị, muốn đoàn kết nước Mỹ, có lịch sử hoạt động chính trị tương đối ổn định, hướng tới giai đoạn ít bất ổn như ông Trump. Nhưng người ta cũng thấy dù ông Trump gây sốc nhiều, nhưng nếu không kể dịch bệnh thì 3 năm rưỡi qua cũng tạo ra kỳ vọng về kinh tế.

Ông Biden đang ở cửa trên, nhưng…

Người ta nói đến bài học của 2016 về những dự đoán bị trật chìa. Nhưng trong 4 năm qua, các hãng thăm dò chắc chắn phải thay đổi. Năm nay có thể có khác biệt gì so với năm 2016?

Năm 2016, các hãng thăm dò đã phán đoán trượt một số bộ phận cử tri, trong đó có những bộ phận ở các bang chiến trường không được tính đến. Năm 2016 có những nhân tố bất ngờ. Ông Trump hồi đó là nhân tố bất ngờ, nhưng nay không còn là nhân tố bất ngờ nữa. Cử tri Mỹ nói chung không thích bà Hillary Clinton bằng ông Biden, vì bà Clinton thuộc chính trị dòng chính, áp đặt nhiều hơn, còn ông Biden ôn hòa hơn.

Theo các thăm dò dư luận, kể cả ở bang chiến trường, khoảng cách chênh giữa bà Clinton với ông Trump hồi đó nhỏ hơn so với mức chênh Biden - Trump hiện nay. Ông Biden tạo hy vọng mang lại tình trạng bình thường mới, nhưng người ta chưa biết giai đoạn bình thường mới sau dịch sẽ là những gì. Ở Mỹ có người thích, người không thích ông Trump nhưng lại thích chính sách kinh tế của ông ấy.

Cách đây hơn chục hôm, hãng Gallup công bố kết quả một thăm dò với câu hỏi: Bạn đánh giá cuộc sống hiện tại của mình so với 4 năm trước có tốt hơn không? Kết quả là 56% số người được hỏi nói rằng tốt hơn. Cái âm ỉ này cho thấy, có thể có những người không thích con người ông Trump, nhưng có khi vì cơm ăn áo mặc sẽ vẫn bỏ phiếu cho ông ấy.

Một yếu tố rất quan trọng là cơ sở ủng hộ cử tri của mỗi bên. Với ông Trump, số lượng ủng hộ ở quanh tỷ lệ 43%. Trải qua cả chuyện luận tội, dịch bệnh, kinh tế khó khăn, tỷ lệ này vẫn giữ nguyên, chứng tỏ rằng với những người này, bất kỳ tác động theo chiều hướng gì, họ vẫn ủng hộ ông Trump. Năm 2016 cho thấy những người này tương đối kiên trì, nhiệt huyết và họ sẽ đi bỏ phiếu.

Trong khi đó, 52-54% bày tỏ ủng hộ ông Biden. Nếu chỉ tính về cơ sở ủng hộ thì con số này có đa thành phần: gồm lực lượng nòng cốt của đảng Dân chủ, lực lượng cấp tiến của ông Bernie Sanders, lực lượng không thích ông Biden nhưng ghét ông Trump. Làm sao những chủ trương, chính sách của ông Biden dung hòa được những người này, để họ không chỉ ghét ông Trump mà sẽ đi bỏ phiếu? Chuyện này không phải dễ. Một ví dụ là vừa rồi ông Biden nói sẽ tăng thuế để tăng phúc lợi xã hội, ngay lập tức có bộ phận thu nhập trung bình sẽ không ủng hộ. Chưa rõ ông Biden có thể dung hòa quan tâm của các nhóm và khiến họ đi bỏ phiếu chọn ông hay không. Trong những ngày cuối cùng, nhóm của ông Biden sẽ phải đi gõ cửa từng nhà.

Báo chí Mỹ đưa tin chỉ trích ông Trump rất nhiều. Từng công tác tại Mỹ, ông nhận xét như thế nào về niềm tin của dân Mỹ với báo chí?

Năm qua, báo chí Mỹ chuyển sang xu hướng tự do, nghĩa là ủng hộ các giá trị. Dường như đảng Dân chủ và ông Biden đang gần điều đó, còn ông Trump lại khác biệt với chính trị dòng chính. Báo chí quá chú ý đến ông Biden, tạo nên xu hướng ông Biden sẽ thắng, vì thế, có khi không phát hiện ra những dòng chảy ngầm. Với ông Trump thì bao nhiêu thứ xấu, sai đã rõ, nên chắc không có dòng chảy ngầm chống ông Trump. Nhưng nếu có những dòng chảy ngược đối với ông Biden, có lẽ không được báo chí phản ảnh. Ví dụ, tin của Gallup về 56% cảm thấy cuộc sống của họ tốt hơn, báo chí Mỹ đưa tin rất ít.

Bầu cử có yếu tố khoa học, nhưng cũng có cả yếu tố con người, tình cảm. Không phải số liệu khoa học đã phản ánh hết tâm tư của người dân. Có những người trong bụng muốn ủng hộ ông Trump nhưng sợ bị kỳ thị mà không muốn nói ra. Có những người ghét ông Trump về con người và tính cách, nhưng gia đình họ phải sống dựa vào những chính sách mà ông ấy mang lại. Khái quát hóa các nhóm cử tri cũng không đồng bộ hết được.

Hiện nay, ông Biden đang nắm cửa trên, khả năng sẽ được nhiều phiếu phổ thông hơn ông Trump. Nhưng khoảng cách 10 điểm chưa chắc phản ánh đúng sự thật, ngoài ra còn có sai số 3-5 điểm thông thường trong các cuộc thăm dò, chứng tỏ hai người đang cạnh tranh rất gay gắt. Đến phút cuối cùng vẫn phải là người đi bỏ phiếu thực sự.

Cảm ơn ông.

“Ông Biden tạo hy vọng mang lại tình trạng bình thường mới, nhưng người ta chưa biết giai đoạn bình thường mới sau dịch sẽ là những gì. Ở Mỹ có người thích, người không thích ông Trump nhưng lại thích chính sách kinh tế của ông ấy”
 Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh