Sầu riêng chứa nhiều đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin E hàm lượng cao, vitamin A, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B5, carotene, kali, canxi, sắt, acid amin tryptophan… rất tốt cho sức khỏe chúng ta.
Ở nhiều nước trên thế giới còn tận dụng các bộ phận khác của cây sầu riêng để chữa các bệnh thông dụng như:
Ở Malaysia, dịch sắc, dịch ép từ lá, rễ sầu riêng có tác dụng hạ sốt, giảm sưng, chữa bệnh ngoài da. Ngâm tắm với nước nấu từ lá sầu riêng để hỗ trợ điều trị bệnh ngoài da. Có thể tác dụng này là do sự hiện diện của hydroxy-tryptamin và chất dầu cay như mù tạt có trong lá. Tro đốt từ vỏ trái được dùng làn thuốc cho phụ nữ sau sinh con với mục đích trục huyết ứ, điều kinh.
Người Java thì cho rằng sầu riêng có khả năng kích thích tình dục. Cho nên nhiều người ăn loại quả này với mong muốn đời sống tình dục của mình tốt hơn.
Tài liệu y học cổ truyền của các nước Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc… cũng ghi nhận dược tính của sầu riêng trong việc điều trị giun sán do phần cơm của tráu sầu riêng có chứa các hợp chất indol có tác dụng kìm khuẩn.
Ở Việt Nam, theo DS Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên khoa Y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM, sầu riêng là thực phẩm khôi phục sức khoẻ cho người ốm yếu, suy nhược.
Rõ ràng, tác dụng của sầu riêng đối với sức khỏe con người đã được nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định. Tuy nhiên, không phải lúc nào và với ai sầu riêng cũng tốt.
Những đối tượng dưới đây, tốt nhất nên tránh xa sầu riêng:
Sau khi uống rượu, cà phê
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã cho rằng không nên dùng rượu, cà phê chung với sầu riêng.
Năm 1981, nhà khoa học J.R. Croft cũng trình bày trong một tài liệu thực vật học của ông ghi nhận sầu riêng làm cho con người ta có cảm giác “như sắp chết” nếu vừa ăn xong lại uống chất có cồn.
Theo báo cáo của đại học Tsukuba (Nhật), trong sầu riêng có chứa một lượng lớn dầu có sulfur gây ức chế hoạt động của men aldehyd dehydrogenase, nguyên nhân dẫn đến 70% chất oxy hoá trong tế bào không được chuyển hoá và từ đó gây độc cho cơ thể.
Đông y Việt Nam cũng cho rằng sầu riêng có tính nóng (có thể làm tăng huyết áp). Dân gian cho rằng khi dùng chung sầu riêng với cơm rượu (nếp lên men) có thể đưa tới cơn đột quỵ.
Có bầu, thể trạng yếu hoặc bệnh kinh niên không nên ăn
Phụ nữ có thai hoặc người có huyết áp cao không nên ăn sầu riêng vì nó nhiều đường và tính nóng, có thể gây tăng huyết áp và bốc hỏa, đầy hơi, khó tiêu ở bà bầu.
Những người có tình trạng âm hư, nội nhiệt, với các triệu chứng: người gầy ốm, da khô, nóng bứt rứt, lòng bàn tay bàn chân ấm, khát nước, khó ngủ, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, đi tiểu ít, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón, di mộng tinh… cần hạn chế ăn sầu riêng.
Do sầu riêng có nhiều đường nên dùng nhiều sẽ sinh nhiệt, nóng trong người gây nổi mụn, tiểu vàng; người bệnh đường trong máu cao cũng không nên ăn nhiều…
Người đang muốn giảm cân
Trong 100 gram trái sầu riêng này có chứa khoảng 21% nhu cầu carbohydrate hàng ngày của cơ thể. Nhờ nguồn carbohydrate phong phú như vậy mà nó rất hữu ích trong việc bổ sung thêm năng lượng của bạn. Tuy nhiên, với những người đang muốn giảm cân thì ăn sầu riêng là điều không nên vì theo các nhà khoa học ăn nhiều sầu riêng có thể làm bạn tăng cân.
Trong 100g sầu riêng sẽ cung cấp từ 129-181 calo, và 1 trái sầu riêng bình thường - nặng 1-1,5 kg sẽ cung cấp hơn 1.000 calo nếu bạn thích ăn và thường xuyên ăn sầu riêng thì việc cố gắng giảm cân của bạn sẽ trở thành vô nghĩa.