Mẹ đau đớn nhìn con bị nước lũ nhấn chìm
Căn nhà cấp 4 đơn sơ ở thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, chật ních người đến lo hậu sự cho Lê Ngọc Hơn. Họ là cán bộ xã, thôn và bà con làng xóm tự nguyện đến với gia đình Hơn thăm hỏi, động viên, rồi mỗi người mỗi việc chung tay lo hậu sự cho Hơn. Nhắc đến Hơn ai cũng rơm rớm nước mắt, thương tiếc cho một thanh niên năng nổ, hoạt bát và luôn lễ phép với mọi người.
Bà Trần Thị Chát (SN 1975) mắt thâm quầng, giọng khản đặc đau đớn nhớ lại khoảnh khắc con trai cả Lê Ngọc Hơn bị nước lũ nhấn chìm.
Hơn sinh năm 2001, là con trai cả; sau Hơn còn một em trai và một em gái. Học hết lớp 9, gia đình khó khăn, Hơn phải nghỉ học để phụ giúp gia đình nuôi 2 em ăn học. “Hơn sống rất tình cảm và rất hiếu thuận. Trong nhà có bà nội đau ốm liệt giường lâu năm, lúc nào tôi bận việc, Hơn lại thay tôi chăm sóc bà, từ ăn uống, cho đến tắm rửa…, Hơn đều làm rất tốt”, bà Chát kể.
Bước sang tuổi 18, Hơn nhiều lần nói với mẹ là mong muốn đi bộ đội. Sau 3 lần viết đơn tình nguyện, năm 2021, Hơn chính thức trở thành quân nhân. Mặc dù mới tốt nghiệp THCS nhưng Hơn được cấp trên và đồng đội yêu quý, có ý định đào tạo để Hơn phục vụ lâu dài trong quân đội. Nhưng vì điều kiện gia đình, Hơn xin xuất ngũ và trở về địa phương năm 2023.
Về với gia đình, Hơn làm đủ nghề từ cày ruộng, phụ hồ đến bóc vỏ bạch đàn… để phụ giúp gia đình. Hơn còn rất hăng hái trong các phong trào của địa phương, đặc biệt là các phong trào của Đoàn thanh niên. Để tạo dựng cho mình một nghề nghiệp ổn định lâu dài, Hơn đăng ký học lái xe, vừa mới nhận bằng và đang đi lái phụ cho một xe đưa thư báo.
Bà Chát kể: “Bão chuẩn bị đổ bộ vào Quảng Bình thì Hơn về nhà. Hơn nói với tui là xin phép công ty về để chống bão. Hôm đó là trưa 27/10, ở xóm Cầu, bên kia cánh đồng, nước lũ lên nhanh, tiếng kêu cứu khắp nơi. Xã điện về nói Hơn tham gia cứu hộ. Tui thấy con vội vã ra đi mà không có áo phao, trong bụng tui lo lắm nên nói con đừng đi, chờ mẹ đi mượn trong xóm xem ai có chiếc ao phao không. Nhưng Hơn nói, tình hình cấp bách chờ có ao phao nữa thì dân chìm hết. Nó bước ra khỏi hiên nhà còn quay đầu nhoẻn miệng cười, nói “mẹ yên tâm, con bơi giỏi mà”.
Để đi qua xóm Cầu, nhóm cứu hộ phải đi trên con đường ngập nước chảy xiết. Nhóm 3 thanh niên thôn Thanh Sơn gồm: Lê Ngọc Hơn, Lê Văn Sáng và Lê Văn Hai nắm tay nhau di chuyển qua đoạn đường nước chảy xiết. Không yên tâm về sự an toàn của con trai, bà Chát đội mưa chạy theo. Khi ra đến đầu đường thì thấy Hơn đi trước, nước ngập ngang ngực, được một lúc thì loạng choạng và bị nước cuốn trôi. Hai thanh niên đi cùng cũng bị nước cuốn theo Hơn sau đó.
Bà Chát thất thần kêu gào làng xóm ứng cứu. Ông Lê Văn Hế (SN 1973), bố của Hơn, vội vã ôm một cuộn dây thừng chạy theo định tung ra để cứu con nhưng không kịp. Ông tiếp tục thu dây thừng lại và chạy tiếp về phía hạ nguồn để đón đầu. Do quá vội vàng, chân ông vấp vào cây cối, tường gạch, 2 ống chân máu chảy lênh láng. Đau đớn là vậy nhưng cũng không cứu được con trai mình. “Nước chảy xiết lắm, làng xóm ra đông lắm nhưng không có thuyền nên chỉ biết chạy trên bờ để đón. Tui cũng chạy theo, khi thấy 3 đứa dìu nhau dạt vào gần một bức tường rào, tui mừng lắm. Nhưng rồi vì kiệt sức, Hơn đã buông tay và trong tích tắc bị nước lũ nhấn chìm. Tui đã hét khản cổ nhưng không thấy con đâu nữa”, bà Chát kể lại.
Anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình, nói rằng, sự hi sinh của Hơn thật trân trọng và đáng được ghi nhận. Tỉnh Đoàn Quảng Bình đang đề xuất Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Hơn và cũng đề nghị địa phương xem xét làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ cho Hơn.
Nhân tố tích cực của các phong trào
Anh Lê Văn Sơn, Bí thư Đoàn xã Thái Thủy, gần như không ngủ kể từ hôm Hơn bị lũ cuốn mất tích cho đến nay (27-29/10). Anh đã trắng đêm cùng với lực lượng cứu hộ của xã, của huyện tìm kiếm Hơn; rồi tất tả cùng gia đình lo hậu sự cho Hơn.
Anh Sơn kể, hôm đó chính anh là người gọi điện cho Hơn đi cứu dân ở xóm Cầu. Trước đó, Hơn đã xông xáo giúp kê đồ đạc lên cao cho nhiều hộ dân, vừa về đến nhà thì nước lên quá nhanh ngoài dự liệu, nên dân xóm Cầu kêu cứu loạn xạ. Anh Sơn vừa gọi điện cho Hơn xong, đang cùng anh em ở xã ôm áo phao chạy xuống thì Hơn cùng 2 người bạn trong xóm đã hăng hái đi trước.
Anh Sơn cho biết, Hơn là người sống hoà nhã, lễ phép với mọi người, còn trong các phong trào của địa phương thì tham gia nhiệt tình và luôn đi đầu. Mới đây nhất, Hơn đứng đầu một nhóm kêu gọi quyên góp để cứu trợ đồng bào miền Bắc bị lũ lụt. “Không chỉ Đoàn xã mà lãnh đạo xã cũng đã nhắm thấy Hơn và đang đào tạo Hơn để trở thành một cán bộ của địa phương, nhưng Hơn đã không may ra đi quá sớm”, anh Sơn nói.
Ông Lê Văn Viếng, hàng xóm của Hơn, nói: “Cả làng này ai cũng nhớ gương mặt hiền từ, nụ cười tươi luôn nở trên môi Hơn. Cả làng này ai cũng yêu quý Hơn, thật sự thương tiếc”.