Nhỏ bị béo phì, lớn dễ mắc bệnh tim

TPO - Các nhà nghiên cứu Anh cho biết trẻ béo phì thường dễ mắc bệnh tim khi trưởng thành.

Các yếu tố nguy cơ – bao gồm tăng huyết áp, nồng độ cholesterol cao, đường máu cao và dày cơ tim – có thể làm tăng 40% nguy cơ mắc bệnh tim.

Nhà nghiên cứu chính Claire Friedemann thuộc phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu của Trường đại học Oxford cho rằng “Thực sự chúng ta cần phải hành động đối với béo phì ở tuổi càng nhỏ càng tốt. Chúng ta đều biết rằng béo phì không chỉ ảnh hưởng đến diện mạo mà còn có những tác động lâu dài đối với sức khỏe đứa trẻ”.

Béo phì liên quan với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch, và ở người lớn, nó góp phần gây bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch sớm và tử vong.

Trong nghiên cứu, nhóm của Friedemann đã phân tích 63 nghiên cứu đánh giá cân nặng và các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi. Tổng cộng có hơn 49.000 trẻ trong các nghiên cứu này – được thực hiện ở “các nước phát triển cao” và được công bố trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2011.

Trong phân tích, các tác giả thấy rằng so với trẻ có cân nặng bình thường, trẻ béo phì có huyết áp, nồng độ cholesterol và đường máu cao hơn, cũng như cơ tim dày hơn. Những yếu tố nguy cơ này có thể làm tăng 30-40% nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ ở trẻ khi chúng trưởng thành.

Trẻ bị thừa cân cũng có huyết áp cao hơn, nhưng không cao bằng ở trẻ béo phì.

Friedemann nói “Mặc dù sự tác động của béo phì lên sức khỏe tim của trẻ là rất đáng lo ngại, nhưng tin tốt đó là chúng có thể cải thiện được nhờ chế độ ăn lành mạnh và tập luyện. Những thói quen này nên bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ cho tới khi đã trưởng thành”.

Báo cáo này được đăng trên số ra ngày 25 tháng 9 của tạp chí BMJ.

Hoàng Thái
Theo HD

Theo Dịch