Một số địa phương khác tỷ lệ thi đậu cũng khá thấp. Tỷ lệ trượt cao có đáng lo và vì sao lại như vậy?
Người kêu khó, người bảo không
Là một trong những thí sinh đỗ kỳ sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) hồi tháng 11, anh Lê Văn Trọng (28 tuổi, sống tại TP.HCM) thừa nhận phần thi mô phỏng rất khó. Điều khiến nhiều học viên bị đánh rớt vì các tình huống của bộ đề đưa ra chưa sát thực tế. Mỗi điểm trong đề cách nhau chỉ khoảng 5 giây, nếu xử lý chậm sẽ mất điểm.
"Ví dụ với một chiếc xe đang chạy trên đường, gặp người đi bộ chuẩn bị băng qua. Tôi sẽ chọn điểm đó dừng lại để tránh người đi bộ. Tuy nhiên trong đề yêu cầu người lái phải xuống đường mới được tính 5 điểm. Và nếu tôi bấm sớm hơn sẽ không có điểm nào", anh Trọng nói.
Để vượt qua được phần sát hạch này, anh Trọng cho biết học viên bắt buộc phải học thuộc toàn bộ 120 tình huống. Mỗi ngày, anh phải dành ít nhất hai giờ để học các tình huống mới có thể đậu.
Trong khi đó, anh Trần Văn Thắng (45 tuổi, ở TP Thủ Đức) thi lý thuyết đậu nhưng mô phỏng lại rớt nên phải chờ đến tháng sau thi lại. Tuy đã được tập huấn cả tháng và thi thử nhiều lần nhưng anh vẫn gặp khó khăn do thời gian thi khá ít, câu hỏi nhiều và hiển thị rất nhanh.
"Tôi nghĩ nên giảm bớt câu hỏi, thậm chí bỏ luôn phần thi mô phỏng này để thêm thời gian cho chạy xe thực hành", anh Thắng góp ý.
Cũng tham gia kỳ thi sát hạch gần đây, chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên (ngụ TP Thủ Đức) nhận xét phần thi mô phỏng khá hay, giúp học viên có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Tuy nhiên có nhiều tình huống còn mới, học viên cần thời gian làm quen.
Anh Đặng Nguyễn Tất Đạt, giáo viên dạy lái ô tô thuộc Phân hiệu Quang Hanh, Trường Cao đẳng Vinacomin cho biết, nhìn chung việc ứng dụng thi mô phỏng là cần thiết. Yếu tố quyết định vẫn là do người dạy và người học: "Tại trung tâm chúng tôi, có thời điểm tỷ lệ đỗ phần thi mô phỏng chỉ đạt khoảng trên 40%, gần đây tăng khoảng 60 - 65% mỗi khóa".
Được biết, từ đầu năm đến ngày 10/11/2023, Sở GTVT Quảng Ninh đã tổ chức 144 kỳ sát hạch ô tô với số lượng người tham gia là 20.638 lượt, tỷ lệ đỗ là 57%.
Cũng ủng hộ việc giữ nguyên phần thi mô phỏng, đại diện Sở GTVT Hải Phòng cho rằng, đây là phần thi góp phần nâng cao kỹ năng phán đoán tình huống của lái xe, phù hợp với thông lệ quốc tế vì rất nhiều nước đã và đang áp dụng.
"Mong rằng phần mềm thi mô phỏng sẽ khắc phục được những hạn chế đã được chỉ ra, quan trọng là học thật, thi thật", vị này nói và thông tin, năm 2023, địa phương đã tổ chức sát hạch hơn 300.000 học viên. Trước khi áp dụng thi mô phỏng, tỷ lệ thi đỗ là trên 60%, còn sau này giảm xuống còn 56%.
Tại Hà Nội, năm 2023, tổng số thí sinh dự sát hạch cấp GPLX là 207.844 lượt, số trượt là 113.080, tỷ lệ 54,4%. Trong đó nội dung sát hạch mô phỏng có 112.889 lượt dự thi, số trượt là 18.572, tỷ lệ 16.4%.
Tình huống chưa sát thực tế?
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, hiện TP có 56 cơ sở đào tạo lái ô tô, 18 cơ sở đào tạo mô tô và 19 trung tâm sát hạch lái xe đang hoạt động. Kết quả sát hạch lái xe năm 2023 có 274.813 thí sinh đậu và được cấp giấy phép. Trong đó có 194.925 thí sinh đạt sát hạch mô tô, tỷ lệ đạt 78,72%, giảm 36% so với năm 2022.
Phân tích nguyên nhân tỷ lệ học viên đậu bằng thấp, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP cho rằng, phần thi mô phỏng còn bất cập, nhiều tình huống chưa sát thực tế.
Theo phần mềm lái xe mô phỏng, các tình huống nguy hiểm lập trình sẵn sẽ xuất hiện, người lái xe phải bấm nút space trên bàn phím để phản xạ. Thang điểm đạt được khi bấm đúng thời điểm như lập trình (tạm gọi điểm chuẩn) là 5 điểm. Nếu bấm chậm thang điểm sẽ giảm dần từ 4 về 3, 2, 1 và 0 điểm. Trường hợp thí sinh bấm quá sớm sẽ bị 0 điểm.
Hầu hết người học ghi nhớ như học thuộc bài, chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế. Dù quan sát tốt, phản xạ nhanh vẫn không thể có điểm cao, thậm chí bị 0 điểm. Như vậy mục đích "đo" phản xạ của người học khó đạt được.
Theo đại diện một trung tâm đào tạo và sát hạch GPLX ở TP.HCM, thi mô phỏng giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt ra đưa nhiều tình huống khác nhau giúp học viên được trải nghiệm thực tế tốt hơn. "Tuy nhiên, hiện học viên bấm chọn sớm một giây bị chấm 0 điểm thì hơi vô lý, cần xem xét lại", vị này góp ý.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng cho rằng, nội dung mô phỏng lái xe cần có tính thực tiễn, không thể bắt buộc người lái phản ứng máy móc.
Quá trình góp ý gửi Cục Đường bộ Việt Nam, một số sở GTVT các địa phương cũng cho biết quá trình tổ chức thi sát hạch bằng phần mềm mô phỏng, xuất hiện nhiều bất cập và cách tính điểm chưa phù hợp. Có địa phương kiến nghị chỉ nên đưa vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng, không bắt buộc.
Bổ sung nhiều tính năng
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, qua các ý kiến phản ánh từ các sở GTVT và người học, Cục đã tiếp thu và điều chỉnh nâng cấp phần mềm thi mô phỏng. Phiên bản mới sẽ chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 1/2 tới đây.
Qua 5 tháng sửa đổi, cục đã tập trung vào các tình huống rõ ràng hơn, giúp học viên dễ nhận biết hơn. Thời gian chấm điểm cũng được kéo dài hơn. Những người quá hạn GPLX phải thi lại lý thuyết sẽ không phải sát hạch bằng phần mềm mô phỏng.
Theo đó, các nội dung đã điều chỉnh trong phần mềm mô phỏng 52 tình huống cho phù hợp gồm: Điều chỉnh, đồ họa lại 22 tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để giúp người học dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn, nhất là học viên học qua điện thoại.
Với phần mềm ôn tập, bổ sung ba tính năng gồm hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết; bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau, hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.
Phần mềm sát hạch cũng được điều chỉnh theo hướng tăng thời gian đếm ngược giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây; không cho nhấn đúp vào phần video, dẫn đến mất lệnh; kéo dài mốc thời gian chấm điểm từ khi xuất hiện tình huống nguy hiểm đến khi kết thúc (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác.
Đã tham khảo kinh nghiệm nhiều nước
Về ý kiến cho rằng nên bỏ phần mềm mô phỏng sát hạch GPLX, ông Thống khẳng định, để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe thì việc trang bị kiến thức, nhận biết các tình huống mất ATGT là cần thiết.
Đây là nội dung bắt buộc phải thực hiện vì đã được quy định tại Nghị định 138/2018 và Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT. Hơn nữa, trong quá trình xin ý kiến sửa đổi Nghị định 65 về đào tạo lái xe, Cục Đường bộ VN không nhận được ý kiến đề xuất bỏ phần mềm mô phỏng.
"Phần mềm này cũng không phải là mới, khi xây dựng Cục Đường bộ VN đã tham khảo các nước đã thực hiện là Anh, Nhật, Australia và các tình huống tai nạn giao thông đã xảy ra ở Việt Nam", ông Thống khẳng định.
Trước phản ánh các tình huống trong phần mềm chưa sát thực tế, ông Thống cho hay, nhiều người đang nhầm lẫn rằng phần mềm mô phỏng là phục vụ kiểm tra phản xạ và xử lý tình huống của học viên. Cách hiểu này không đúng với mục đích của phần mềm mô phỏng. Việc sử dụng chỉ là giúp học viên nhận biết các tình huống nguy hiểm đang phát triển có thể dẫn đến tai nạn giao thông.
Đối với cabin điện tử, ông Thống cho hay, việc phản ứng với thiết bị này đến từ các thầy giáo dạy lái xe đã lâu năm vì họ khó khăn trong tiếp cận dạy nội dung này. Lý do mà các thầy giáo phản ứng vì cho rằng việc dạy trên cabin đang bị ngược.
Thực tế là xe chuyển động và gặp tình huống, trong khi đó cabin đứng yên tại chỗ và tình huống đến. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo không nhờ các thầy dạy trên cabin mô phỏng mà thay vào đó là người hiểu về công nghệ để dạy.
"Nhiều ý kiến cũng phản ánh bị chóng mặt, buồn nôn khi học trên cabin điện tử. Đi xe ô tô bị say vẫn gặp ở nhiều người. Chóng mặt hay buồn nôn khi học trên cabin cũng là điều tốt vì đó là cảm giác thật.
Cabin điện tử bổ trợ rất tốt cho phần mềm mô phỏng, trong đó có đầy đủ các tình huống mà người lái xe phải mất 10 - 20 năm đi trên đường mới gặp hết được. Những học viên mới học họ rất thích và hứng thú, nhiều người học xong 3 giờ vẫn muốn học tiếp", ông Thống nói.
Giúp nâng cao chất lượng đào tạo
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN, bất kỳ ứng dụng công nghệ thông tin nào mới đưa vào sử dụng sẽ phải có quá trình điều chỉnh, sửa đổi mới hoàn thiện. Đơn cử như phần mềm giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe cũng phải qua nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa.
"Phần mềm mô phỏng tình huống giao thông, học trên cabin điện tử kết hợp với việc kiểm soát số kilomet dạy thực hành sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo lái xe", bà Hiền khẳng định.
Thi bằng lái xe trên thế giới khó cỡ nào?
Tại các nước như Mỹ, Anh, Ấn Độ… mức độ thi bằng lái xe được đánh giá là khó và luôn được cập nhật thay đổi theo tình hình đường sá, sự đổi mới của công nghệ.
Theo Bộ GTVT Anh, năm 2022, cả Vương quốc Anh có hơn 1,6 triệu lượt thi bằng lái xe trong đó hơn một nửa số lượt thi là bị trượt.
Để thực hiện tốt bài thi lấy bằng lái xe, tài xế Anh cần học thành thạo 27 kỹ năng lái. Có 10 lý do khiến các tài xế bị trượt chủ yếu liên quan tới quá trình thi thực hành.
Tại Mỹ, mỗi bang quy định việc thi lấy bằng lái xe khác nhau nên độ khó cũng đa dạng. Trong đó, Washington là bang khó lấy bằng lái nhất. Tại bang này, đa phần người thi trượt do bài kiểm tra lý thuyết. Một nguyên nhân được cho là do ngành chức năng đã bổ sung 15 câu hỏi vào bài thi kiến thức năm 2016.
Tại Nhật, để có GPLX, tài xế phải vượt qua một bài kiểm tra nghiêm khắc. Thực tế, chỉ có 35% vượt qua kì thi sát hạch. Tài xế phải vượt qua các bài kiểm tra thực hành như lái xe theo đường chữ S, khởi hành ngang dốc, tất cả đều được mô phỏng theo điều kiện đường sá thực tế.
Trang Trần