Học sinh giỏi cũng “sốc”
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, có con học lớp 6, một trường THCS tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, sau 2 tuần nhận được thông báo kết quả bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên của con, chị vẫn chưa hết “sốc” vì Toán 1 điểm, Ngữ văn 3 điểm, Tiếng Anh 5 điểm. Tuy chỉ là bài kiểm tra thường xuyên trên lớp nhưng giáo viên đã thông báo kết quả trong nhóm phụ huynh của lớp và đề nghị phụ huynh sát sao hơn trong việc học của con. “Điều đáng nói, lớp có 45 học sinh thì chỉ có khoảng chục em đạt điểm 7 trở lên, khoảng nửa lớp có mức điểm dưới trung bình. Tôi băn khoăn và đặt câu hỏi liệu giáo viên có ra đề khó quá so với năng lực học sinh hay không?”, chị Hương chia sẻ. Theo chị, suốt 5 năm tiểu học, bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm của con đạt điểm 8 là thấp nhất. Riêng môn Toán, con luôn đạt điểm 9, thậm chí có năm điểm 10.
Một số phụ huynh khác có con năm nay lên lớp 6 cũng cho biết con khá bất ngờ khi cầm kết quả bài kiểm tra các môn. Có con 4 năm liền là học sinh xuất sắc, chưa từng có bài kiểm tra bị điểm 8 nhưng khi lên lớp 6 chỉ được 5-6 điểm. Nhiều phụ huynh đề nghị được xin lại đề kiểm tra để xem lại.
Trực tiếp đứng lớp dạy môn Ngữ văn, bà Trần Thị Lệ Hà nhận định: “Khi dạy học chương trình mới cho thấy năng lực làm Văn của học sinh rất đáng báo động. Nếu không thay đổi cách dạy học của giáo viên từ bậc tiểu học để học sinh dần làm quen, lên THCS học sinh sẽ “vấp” và loay hoay”.
Bà Lê Thị Thúy Nga, người vừa rời vị trí hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cách đây ít ngày, chia sẻ thực tế, năm học 2022-2023, nhiều học sinh đầu cấp có điểm kiểm tra rất thấp. Phụ huynh nếu không theo sát con, vẫn quen với cách đánh giá ở bậc tiểu học sẽ không sát với năng lực của con. “Ngoài ra, học sinh lên lớp 6 năm nay “non” hơn những năm trước là vì các con học trực tuyến kéo dài, hổng nhiều kiến thức. Cung cấp kết quả bài kiểm tra, đánh giá của giáo viên cho phụ huynh cũng để phụ huynh nắm bắt tình hình học tập và có phương án đồng hành với con”, bà Nga nói.
Bà Trần Thị Lệ Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội), cho hay, theo quy định đầu năm học, các trường không được tổ chức khảo sát chung, tuy nhiên qua các bài kiểm tra thường xuyên, giáo viên phản ánh kết quả thấp. Theo bà, nội dung kiểm tra đều thuộc kiến thức trong chương trình đã học, riêng các đề kiểm tra cuối kỳ, cuối năm học được các tổ trưởng và ban giám hiệu phê duyệt dựa trên ma trận đề mô tả kiến thức chung, không được vượt quá năng lực học sinh.
Bà Hà cho rằng, cha mẹ cần đồng hành, hỗ trợ con vì năm nay là năm thứ 2 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, trong đó có 8 môn chấm điểm, 4 môn và hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét với nhiều điểm mới, như có thêm môn tích hợp. Phương thức học với mỗi giáo viên đứng lớp 1 môn cũng khác hoàn toàn với 1 giáo viên dạy nhiều môn như ở tiểu học.
Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, bà Đinh Thị Vân Hồng, cũng đánh giá chất lượng học sinh lớp 6 năm nay không được như mong muốn. Do đó, giáo viên các bộ môn sẽ vất vả hơn trong việc dạy kiến thức mới song song ôn tập, củng cố kiến thức cũ.
Không dùng ngữ liệu SGK ra đề
Theo nhiều hiệu trưởng, một trong những môn học khiến học sinh lớp 6 năm nay gặp khó là chương trình giáo dục phổ thông bậc THCS ở môn Ngữ văn thay đổi hoàn toàn cách dạy học và đánh giá. Nếu như trước đây học tiểu học, học sinh quen với cách thức “đọc - chép” thụ động, truyền thụ kiến thức một chiều hay giáo viên dạy kỹ một tác phẩm sau đó kiểm tra, đánh giá thì SGK mới yêu cầu mở, không dùng ngữ liệu trong sách để kiểm tra. Ví dụ, giáo viên chỉ phân tích một tác phẩm để học sinh hiểu nội dung, phương thức diễn đạt nhưng khi ra đề kiểm tra lại cho các em triển khai một đoạn trích, tác phẩm hoàn toàn xa lạ. Nhiều em bị động, viết sai cả nội dung, thậm chí có em nộp giấy trắng.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội), nói rằng, học sinh lớp 5 đang học chương trình hiện hành, lên lớp 6 bắt đầu học chương trình mới nên cha mẹ, thầy cô cần trao đổi, hướng dẫn con cụ thể để con có tâm thế sẵn sàng.