Ngày 8/10, cơ quan chức năng TP.Đà Lạt cho biết, Đoàn liên ngành của thành phố vừa kiểm tra thực tế tại lô 2, khoảnh 502, tiểu khu 159A (Phường 5, Đà Lạt). Qua kiểm tra ghi nhận trên diện tích 1.500m2 đất công sản có 9 hộ xây dựng nhà trái phép để ở, mở quán cà phê, tạp hóa…
Đặc biệt, biên bản làm việc của Đoàn liên ngành ghi nhận: Trong số 9 hộ nói trên có 4 hộ gồm ông Trần Văn Ninh, Trịnh Quốc Lăng, Lê Viết Cường, Trịnh Ngọc Quỳnh là cán bộ đang làm việc tại Ban Quản lý rừng (QLR) phòng hộ Tà Nung, đơn vị đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao quản lý 1.500m2 đất nói trên.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền phong, 1.500m2 đất trên vốn là đất rừng. Năm 2005, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định chuyển thành đất chuyên dùng để xây dựng nhà làm việc của Ban QLR Tà Nung.
Tuy nhiên, đến năm 2006, UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng xây dựng trụ sở vì đây là khu vực nằm trong dự án du lịch Cam Ly - Măng Lin. Cùng năm, tỉnh cấp thửa đất khác tại lô a2, khoảng 04, Tiểu khu 159A để xây dựng trụ sở Ban QLR phòng hộ Tà Nung.
Lẽ ra sau khi được cấp đất ở địa điểm mới để xây trụ sở, Ban QLR phòng hộ Tà Nung phải trả lại 1.500m2 đất ở lô 2, khoảnh 502, tiểu khu 159A. Thế nhưng đơn vị này lại để cho 4 cán bộ của Ban xây nhà ở trái phép.
Năm 2013, quá trình giải quyết đơn tố cáo của công dân, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt ra thông báo nêu rõ Ban QLR phòng hộ Tà Nung đã sử dụng đất công sản sai mục đích, trái với nội dung Quyết định 2794 ngày 7/10/2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay đã gần 7 năm trôi qua mà vụ việc vẫn chưa được ban ngành chức năng giải quyết, thậm chí tình trạng vi phạm còn trầm trọng hơn. Hiện có tới 9 hộ dựng nhà trái phép để ở, mở quán kinh doanh tạp hóa, cà phê; ngang nhiên mua bán sang nhượng đất công.
Điều đáng nói nữa là, năm 2005, khi xác minh thực địa để chuyển mục đích sử dụng đất, Sở TN&MT cùng các ban ngành chức năng ghi nhận trên diện tích 1.500m2 đất này có 18 cây thông với đường kính bình quân 33 cm, chiều cao bình quân 14 m.
Thế nhưng hôm nay (ngày 8/10), khi phóng viên Tiền phong đến khu đất này thì không còn cây thông nào. Vết tích còn lại là 2 gốc thông đã mục, bao gồm 1 gốc (đường kính 53 cm) gãy ngang thân tại căn nhà cũ của Ban QLR phòng hộ Tà Nung và 1 gốc bị cưa cắt (đường kính mặt cắt 45 cm) ở phía sau nhà ông Nguyễn Văn Tình.