Nhiều cái ‘lợi’ khi thị trường BĐS trầm lắng?

TPO - Năm 2012 tiếp tục được dự báo là thời kỳ sóng gió đối với thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ở một góc độ nào đó, diễn biến ít người mong muốn này lại có những cái “lợi” riêng.

Theo nhận định của Công ty CBRE, trong tình hình thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến sự sụt giảm lớn về nguồn cung nhà ở trong quý cuối năm 2011, có ít giao dịch thành công, nhà đầu tư đều rơi vào tình trạng thiếu vốn… bức tranh chung của thị trường sẽ khiến giới đầu cơ từ từ rút dần hoặc giảm hoạt động. Điều này tạo điều kiện cho thị trường chuyển hướng sang “ưu tiên” đến khách hàng có nhu cầu thực với số tiền phải chăng.

Quý 4 được xem là thời điểm “thảm hại’ nhất của thị trường BĐS năm 2011 khi hàng loạt các dự án chào hàng đều có mức giá tương đối thấp, trong đó 45% số căn hộ được chủ đầu tư chào bán tại mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Các hình thức khuyến mại được triển khai rộng rãi, từ bốc thăm may mắn, ưu đãi với khách hàng thanh toán sớm, đến giảm giá cho một số khách hàng cụ thể. Thậm chí, cuối năm 2011 đã xuất hiện trường hợp chiết khấu rộng rãi lên tới 20% toàn dự án, có dự án còn khuyến mại kèm ô tô khi trả đủ 60% giá trị căn hộ.

Tiếp nối diễn biến cuối năm 2011, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Công ty Savills Việt Nam, cho rằng năm 2012, làn sóng giảm giá sẽ tiếp tục diễn ra. “Tốc độ và mức độ giảm giá sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của người mua, tình hình tài chính của mỗi cá nhân có nhu cầu và khả năng huy động vốn của chủ đầu tư. Đối với bối cảnh thị trường đang thuộc về người mua như hiện nay thì khách hàng với nhu cầu nhà ở thực đang có rất nhiều cơ hội lựa chọn”, ông Khương nói.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thị trường BĐS trầm lắng lại trở thành cơ hội cho những người có nhu cầu thực khi giá căn hộ không bị các nhà đầu cơ đẩy lên cao và để thu hồi vốn, các nhà đầu tư bằng các cách gián tiếp và trực tiếp đã tích cực thực hiện các chính sách giảm giá.

Cơ hội “vàng” của các “đại gia” BĐS?

Đầu tư vào bất động sản trong thời điểm trầm lắng được cho là mạo hiểm nhưng thực tế thì quá trình đi xuống của thị trường lại chính là sự thanh lọc cần thiết, và đây chính là cơ hội để khẳng định vị thế của những “ông lớn” trong ngành bất động sản.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết: “Thị trường BĐS trầm lắng, giá BĐS “lao dốc” chính là cơ hội cho các nhà đầu tư không chỉ có tiễn sẵn trong tay mà còn sẵn những kế hoạch, chiến lược cho dài hạn”.

Trong khi hầu hết các nhà đầu tư đều “nản” khi thị trường rớt giá thì một số khác lại có hướng đi riêng để chứng minh rằng thị trường trầm lắng không phải “thảm họa” cho tất cả mà vẫn có cơ hội nếu biết tính toán. “Giá nhà đất giảm, ngưởi mua hẻo nên giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công cũng giảm theo Thị trường trầm lắng không phải là thảm họa cho tất cả mà vẫn có cơ hội nếu đầu tư đúng hướng, chọn đúng phân khúc thị trường và có chiến lược dài hạn”, ông Nguyễn Mạnh Huy, Thư ký Tổng Giám đốc, Tập đoàn Nam Cường cho hay.

Trước đó, năm 2007 – 2008, thị trường BĐS từng rơi vào trạng thái trầm lắng không thua kém gì tình hình hiện nay. Tuy nhiên, “tận dụng” giai đoạn này, vẫn có những doanh nghiệp BĐS lớn mạnh hơn.

Ông Huy cho biết, khi BĐS Hà Nội sôi động, hút nhà đầu tư thì nhiều nhà đầu tư tập trung đi đầu tư ở những địa phương Hải Dương, Nam Định, hay Hải Phòng bởi giá đất tại các địa phương này rẻ hơn rất nhiều so với khu vực nội đô.

Đến giai đoạn ảm đạm 2007 – 2008, khi các nhà đầu tư không đủ tiềm lực, dần “nhả” thị trường Hà Nội những nhà đầu tư tận dụng nguồn vốn đã thu được từ những địa phương kia để quay ngược trở lại đầu tư vào thị trường Hà Nội, hướng tới đối tượng khách hàng có nhu cầu thực.

Vũ Như

Theo Viết