Bất ngờ… Hữu Thông
Đêm 27/3, trên trang web chính thức của mình, Tạp chí Smithsonian của Mỹ (https://www.smithsonianmag.com), đã chính thức công bố giải thưởng thường niên lần thứ 15 của mình dành cho các tác phẩm nhiếp ảnh. Giải đặc biệt lần này đã xướng tên Hữu Thông (Việt Nam) với tác phẩm “Bữa sáng ở chợ phiên”. Theo kết quả được công bố, Thông vượt qua hơn 48 nghìn tác phẩm nhiếp ảnh để đoạt giải đặc biệt của cuộc thi. Với giải thưởng này, Thông sẽ được phần thưởng bằng tiền trị giá 2.500 USD.
Tuy nhiên, Thông chưa bao giờ “mơ” tới việc mình được giải này. Anh tâm sự: “Vấn đề với tôi không phải được tiền mà chính là sau những giải thưởng này, tôi có thêm được tình yêu thương của bạn bè, người thân, gia đình và tiếp thêm cho tôi niềm đam mê với nhiếp ảnh”.
Sinh năm 1987 dưới chân núi Phượng Hoàng, nơi có ngôi chùa Bổ Đà cổ kính thuộc đất Việt Yên (Bắc Giang), Nguyễn Hữu Thông thừa nhận, mình bị ảnh hưởng nặng bởi những hình ảnh của quê hương nên khó có thể “hợp” với các thể loại ảnh đường phố nhộn nhịp, hào nhoáng… Cũng chính vì thế mà trong các tác phẩm của anh, những con người, cảnh vật hiện lên đều lam lũ, bình dị và gần gũi. Điều đặc biệt ở chàng trai này là việc bén duyên với nhiếp ảnh hết sức bất ngờ.
Tốt nghiệp cấp 3, Thông đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội rồi ra trường làm cho một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Việt Nam. Không hề theo học bất kỳ khóa học nhiếp ảnh chính quy nào nhưng Nguyễn Hữu Thông lại là chủ nhân của hàng chục giải thưởng mà bất cứ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nào cũng đều mong muốn. Giải thích về sự “bất thường” này, Thông “suy đoán” nhiều khả năng là do bố mẹ, các anh chị em trong gia đình đều là những người thích nghệ thuật. Bản thân Thông cũng là người thích vẽ và vẽ khá ổn, đặc biệt là sơn dầu.
Hoang tưởng?
Hữu Thông kể lại cuộc tình khá đẹp với nhiếp ảnh và anh khẳng định: Chính xác là nhiếp ảnh đến với mình chứ không phải mình đến với nhiếp ảnh. Nhưng đã là cái duyên thì không thể không đến với nhau được. Tự nhiên như thế.
Học Y khoa nhưng khi ra trường, Thông lại trở thành cán bộ quản lý dự án nước sạch và vệ sinh môi trường của tổ chức PLAN. Cơ quan thường giao cho anh việc chụp ảnh làm báo cáo. Được cầm máy ảnh lên đường đi chụp, Thông thích lắm và đặc biệt là rất thích “khoe” trên Facebook và mạng xã hội. “Nhiều bạn bè comment, động viên: Ơ, mày chụp đẹp thế? Mình hoang tưởng, nghĩ là họ khen thật nên lại càng chụp nhiều, càng khoe nhiều. Năm 2012, PLAN tổ chức một cuộc thi ảnh cho toàn bộ nhân viên của 12 nước.
Mình dự thi, được giải Nhất luôn, vậy là càng trở nên hoang tưởng. Đến năm 2013, một người chị người Indonesia nói có một cuộc thi ảnh ở Bắc Hoa Kỳ, tổ chức thi về thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu chuyên về nước sạch và vệ sinh môi trường. Mình lại hăm hở gửi tiếp, lại “ăn” ngay một giải Nhất và hai giải Khuyến khích thế là lại càng hoang tưởng, nghĩ mình giỏi thật” - Thông “tán”. Vậy là chàng trai trẻ quyết định đầu tư mua một máy ảnh Canon 50D. Với những tư duy sẵn có về màu sắc, hình khối, bố cục… Thông tập trung vào các kỹ năng, tư duy về ánh sáng. Mất hơn 1 năm tự mày mò thông qua sự truyền đạt của “giáo sư Google” và “học mót” các thủ thuật chụp ảnh của những người chia sẻ trên mạng, Thông bắt đầu chinh phục các giải thưởng trong nước.
Dấu ấn đầu tiên của chàng trai Bắc Giang trong làng ảnh Việt là tham gia Festival Nhiếp ảnh trẻ Việt Nam năm 2015 và rinh luôn giải Nhì. Cùng bức ảnh đó, tham gia Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc, Thông đạt tiếp Huy chương Bạc. Ngoài ra cũng trong năm này, Thông còn đạt giải Nhất cuộc thi ảnh Những gia đình bình đẳng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức. Năm 2016, Thông lần đầu tiên có ảnh tham dự Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia.
Năm 2017, Thông đoạt hàng loạt các giải thưởng lớn, nhỏ: Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc, giải Khuyến khích Festival nhiếp ảnh trẻ toàn quốc và giải Ba cuộc thi ảnh Canon photo Marathon khu vực miền Bắc. Đặc biệt, với tác phẩm “Bữa sáng ở chợ phiên” đã giúp Nguyễn Hữu Thông vượt qua hàng chục nghìn đối thủ để đứng ở vị trí dẫn đầu trong cuộc thi ảnh của tạp chí Smithsonian đồng thời khẳng định vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới.
Chia sẻ thêm về bức ảnh này, Nguyễn Hữu Thông tâm sự: Từ nhiều năm nay, mỗi năm anh vẫn thường lên Hà Giang một lần vào dịp Tết. Không phải đi phượt, không phải du lịch mà ý định trong đầu duy nhất là để sáng tác bởi anh đặc biệt ấn tượng vùng đất này. Bức ảnh “Bữa sáng ở chợ phiên” được chụp khá tình cờ trong một phiên chợ vùng cao Hà Giang vào Tết năm 2017. Anh rất ưng ý và không hề thấy hối tiếc điều gì ở bức ảnh này. Đặc biệt, Thông rất thích ánh sáng và khoảnh khắc của bức ảnh, đó là ánh sáng của buổi sáng sớm, ánh sáng từ khói của nồi phở, từ các mì lên, ánh sáng lên ven tóc của người rồi chi tiết cái mũ, vẻ mặt, ánh sáng vẽ lên đường ven của khuôn mặt của những con người miền núi, cảm giác ấm áp mà nếu có bất cứ sự sắp đặt nào cũng không thể mang lại những xúc cảm như thế.
Chụp ảnh quên cả ăn
Đầu năm 2018, Nguyễn Hữu Thông được kết nạp vào Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và trở thành một trong những hội viên trẻ nhất khi mới hơn 30 tuổi. Có khá nhiều thành tích trong làng ảnh nhưng Thông luôn tâm niệm, nhiếp ảnh là một chặng đường và đừng ai nghĩ rằng mình đã đạt đến cảnh giới cao nhất. Nhiếp ảnh như cuộc sống mà cuộc sống thì luôn thay đổi, vận động nên không bao giờ có điểm cao nhất. “Thước đo quan trọng nhất là khi mình chia sẻ ảnh là được bạn bè yêu quý ảnh của mình, yêu quý mình và yêu quý những vùng đất, con người trong ảnh của mình”, Thông tâm sự. Cũng vì thế, dù nhiều người khuyên Thông đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nhiệp nhưng với Thông, anh chỉ coi đây là niềm đam mê, là nơi tận hưởng: “Đó là cuộc rong chơi đầy may mắn. Và mình nghĩ, khi để cho con người được thực sự tự do, thoải mái sáng tác không phải gò bó về cơm áo gạo tiền sẽ tốt hơn”, Hữu Thông chia sẻ.
Nói là đam mê, nhưng cái sự đam mê của Thông cũng thật đặc biệt. Không ít lần Thông mải đi chụp ảnh quên cả ăn, đến lúc đói quá phải mò vào bản xin cơm nguội của người dân ăn. Hay có những lần, chàng trai này một mình dậy từ 4 giờ sáng, nổ xe máy đi dọc biên giới Trùng Khánh, Cao Bằng (giáp Trung Quốc) khoảng gần 20km mới đến được vị trí để chụp ảnh trong khi chỉ có một thông tin duy nhất là tọa độ trên bản đồ do một người bạn gửi cho. Hay khi chụp ảnh thác Bản Dốc, để đi được góc đẹp nhất, Thông phải lội qua thác, đến mỏm đá ở bờ vực để chụp thì ảnh mới đẹp. Theo người dân ở đây, năm nào cũng có người tử vong ở đây, nhưng sự quyết tâm, muốn đạt cho bằng được điều mình muốn luôn thôi thúc Thông. “Nói về độ “lì” để chụp được ảnh thì em cũng phải đứng top đầu đấy”, Thông hóm hỉnh.
Nhiều người khuyên Thông đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nhiệp nhưng với Thông, anh chỉ coi đây là niềm đam mê, là nơi tận hưởng: “Đó là cuộc rong chơi đầy may mắn. Và mình nghĩ, khi để cho con người được thực sự tự do, thoải mái sáng tác không phải gò bó về cơm áo gạo tiền sẽ tốt hơn” - Hữu Thông chia sẻ.