Ngày 23/9, bà Nguyễn Thị Giang (40 tuổi, trú xã Cương Gián, Nghi Xuân) nhập viện trong tình trạng bị đau nhức, đỏ và nhìn không rõ các vật. Được biết, trước đó một ngày, bệnh nhân bị chim mổ trúng mắt gây rách giác mạc khi đi bẫy chim cò.
“Đối với bệnh nhân này có thể không bị mù vĩnh viễn nhưng thị lực sẽ giảm đi. Bệnh nhân bị chim mổ trúng mắt trước một ngày sau đó mới đến bệnh viện để điều trị. Hiện bệnh nhân được sơ cứu chuyển lên ra Hà Nội điều trị”, bác sĩ Đức cho biết.
Theo bác sĩ Đức, chim cò, cói rất hay mổ mắt vì sự chuyển động của mắt làm chúng nghĩ đó là thức ăn. Nếu bị cò, cói mổ vào mắt sẽ bị tổn thương, dù được khâu lại thì vẫn để lại sẹo và giảm thị lực.
Trường hợp nặng có thể gây vỡ nhãn cầu; vỡ, đục thủy tinh thể; tổn thương mạch máu thần kinh mắt… dẫn đến mù mắt. Nếu nhập viện muộn, mắt nhiễm trùng mủ lan rộng trong nội nhãn, gây đau nhức buộc phải khoét bỏ mắt.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn thận với chim cò, cói. Tránh tiếp xúc gần mắt, khi bị cò cói mổ hay các tác động khác gây tổn thương mắt, mọi người cần đến bệnh viện chuyên khoa để khám, xử lý và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân đến muộn có thể có nhiễm trùng, mũ nội nhãn thì có thể phải khoét bỏ mắt.
Được biết, trong những năm gần đây có rất nhiều ca nhập viện điều trị vì bị tổn thương mắt do cò, cói mổ, trong đó nhiều nhất là vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11, đây là thời điểm vào mùa cò, cói.
Để tránh tai nạn cò, cói mổ vào mắt, người dân tốt nhất là không tiếp xúc với chim trời, những người đi săn bắt cò, cói cần đeo kính bảo hộ, không để trẻ em chơi gần cò, cói.