Nhân xem hai phóng sự bóng đá hay

TP - Dịp Tết vừa rồi được xem hai phóng sự hay của nước ngoài  liên quan bóng đá Việt Nam…
Vũ Văn Thanh khóc nức nở trong trận thắng U23 Qatar, ngay sau giây phút  ăn mừng “tay khoanh mặt vênh” gây bão năm ngoái. Ảnh: Nguyên Khôi

1/Trong phóng sự đặc biệt, có thể coi như bộ phim tài liệu tên là Về hiện tượng U23 Việt Nam của đài NHK Nhật Bản mà tôi xem trên mạng, 50 phút đồng hồ mà giải quyết được rất nhiều việc: Cắt nghĩa tình yêu bóng đá của người Việt, cắt nghĩa hiện tượng U23 Việt Nam, khắc họa chân dung một số cầu thủ, cả đi sâu vào từng trận đấu…

Đoàn phim đã theo sát đội tuyển U23 từ lúc họ tập trung tại giải U23 châu Á cho đến khi đá chung kết. Về tận nhà một số cầu thủ chủ chốt để hiểu được chặng phấn đấu trưởng thành của họ. Đến nhà Công Phượng ở Đô Lương, người cha dáng vẻ nông dân của Công Phượng kể hồi bé Phượng làm quen với quả bóng thế nào: Do nhà nghèo không thể mua bóng, người cha cuộn rơm làm bóng, dùng bẹ chuối khô buộc tròn lại, cứ thế đá. Bóng đi lệt bệt, đương nhiên.

Sau đó hình ảnh Công Phượng thi đấu những trận quốc tế nổi tiếng có lúc được lồng ghép với hình ảnh quả bóng rơm nọ, để khán giả xâu chuỗi lại. Rất cảm động. Phim thể thao phải thế chứ. Mô tả cậu bé Phượng từ giã quê nhà khăn gói vào Tây Nguyên gia nhập học viện của Hoàng Anh Gia Lai không chỉ bằng một câu văn, mà có cả cảnh đoàn tàu xình xịch, chuyên chở niềm hy vọng cùng lo âu. Rồi cánh đồng  xanh mướt nhưng nghèo ở quê hương tiền đạo nổi tiếng nhất Việt Nam  hiện giờ…

Giải M150 tổ chức tại Thái Lan năm 2017, trận Việt Nam gặp Myanmar, Quang Hải ghi hai bàn ở hiệp 1 nhưng rồi bị đau lưng. Gánh nặng dồn lên vai Công Phượng. Giờ giải lao, HLV Park Hang Seo và trợ lý Lee Young Jil chỉ đạo chiến thuật cho Phượng sau đó ông Lee ôm vai anh nói “Hãy ra sân thi đấu và tận hưởng niềm vui đá bóng. Chỉ cần vui vẻ ra sân và tung cú sút!”.

Tôi tự hỏi các HLV bóng đá khác của Việt Nam qua các thời kỳ có từng nói với cầu thủ của mình kiểu như vậy không. Ông Lee còn ôm vai đi bên Phượng suốt quãng đường hầm, tiễn ra tận sân cỏ bằng cái vỗ vai để anh đấu hiệp 2. Và Phượng bùng nổ, ghi 2 bàn liền, kết thúc trận đấu với tỉ số 4-0.

Hình ảnh trong bộ phim của đài NHK:
 Bố Công Phượng đang làm quả bóng rơm, như từng làm cho con trai chơi hồi nhỏ.
 Hẳn là các phóng viên của đài yêu cầu ông như vậy(Ảnh chụp qua màn hình)

2/ Hấp dẫn thứ hai là phóng sự của một đài Hàn Quốc làm về HLV Park Hang Seo. Hai nam MC xứ Hàn tiếp đãi ngài Park trong một bữa ăn thịnh soạn diễn ra rất tự nhiên nơi ông Park có thể thoải mái ăn bốc các món hải sản ưa thích. Và món quà bất ngờ của họ khiến HLV đang làm việc tại Việt Nam này phải rơi lệ, đó là một video họ ghi lại tất cả những gì thân thuộc với ông: con đường vào nhà ông, ngôi nhà của người anh trai, rồi chú chó nhỏ thân quen… Họ còn lặn lội tìm về ngôi trường tiểu học của Park, khui được bảng điểm của ông hồi bé, nói chung vô cùng kỳ công. Xem (video) đến đâu ngài Park ngỡ ngàng, “vỡ òa” đến đấy, nhìn mặt thì biết.

Đặc biệt, sự xuất hiện của 7 người đàn ông nọ khiến chàng Park bất ngờ và xúc động đỉnh điểm. Những người này vốn là bạn hoặc đàn em của Park, mặt mũi giản dị, ăn vận cũng vậy, ngồi cùng một nơi, và gửi đến Park những lời ấm áp, quan tâm, tự hào: Hãy trụ lại lâu nhé, hãy tiếp tục chiến thắng, hãy mang thành công và kết quả tốt về nhà nhé, gửi cho tôi một ít phở nhé…

Một trong số họ khen Park hiếu thảo với mẹ, ông cãi “tôi không phải đứa con hiếu thảo đâu”, liên tục lấy khăn lau mắt. Hai MC nam cũng vậy, quay mặt giấu những giọt nước mắt. Trước đó, ở đầu phóng sự, họ nhìn thẳng ông và nói “Tôi kính trọng thầy, thầy ạ”.

Người Hàn nổi tiếng là rất tự hào thậm chí thái quá về “làn sóng Hàn Quốc”, nhất là trong phim ảnh, âm nhạc. Gần đây khi HLV Park Hang Seo trở thành người Hàn Quốc nổi tiếng nhất Việt Nam, có khán giả Việt tỏ ra khó chịu khi báo chí Hàn nhiều lần dùng từ “pháp thuật Park Hang Seo”, “ma thuật của phù thủy Park Hang Seo”. Các khán giả này nêu quan điểm: nếu không có lứa cầu thủ xuất sắc của Việt Nam hiện nay thì cũng chả phép thuật nào làm nên chuyện.

Một nhà báo, chuyên gia thể thao tên tuổi cũng nói với tôi: không tin Park Hang Seo là Khổng Minh Gia Cát gì cả, mà chỉ là Giả Hủ mà thôi. Và rằng ông có vẻ khôn lỏi hơn là có tầm, có thể chỉ ăn may trong ngắn hạn.

Người khác thì đoán Park Hang Seo sẽ nhanh chóng ra đi ngay trong năm 2019 này, đồng nghĩa triết lý bóng đá của ông cũng đi theo. Tuy nhiên xem phóng sự của hai MC Hàn Quốc đáng yêu kia, tôi một lần nữa bảo lưu quan điểm ông Park sẽ còn ở lại lâu. Bởi một lẽ, những thứ ông nhận được hơn năm qua không chỉ là tiền, không chỉ ở Việt Nam. Và ông cũng tỏ ra xứng đáng với chúng.

Quang Hải tươi tắn trong cuộc họp báo Siêu Cúp ở báo Tiền Phong hôm 14/2. Bên cạnh là phóng viên ban Văn Nghệ, Toan Toan. Ảnh: Như Ý

3/Tại Gala Cúp Chiến thắng phát dịp Tết vừa rồi, một số tuyển thủ quốc gia (không chỉ bóng đá) lên nhận phần thưởng, đăng đàn cảm ơn các tổ chức, cá nhân và người hâm mộ. Đa số xưng em dù có gia đình hay chưa. Bất ngờ là có một danh thủ bóng đá xưng “con” với cả khán phòng mấy trăm người. Con cảm ơn, con xin hứa… Trên sân cỏ thì mạnh mẽ quyết liệt là thế, phải chăng anh nghĩ trở về đời thường thì nên tỏ ra ngoan ngoãn hạ mình nhất có thể, sẽ chứng tỏ mình có giáo dục.

Tôi ao ước HLV Park và trợ lý Lee sẽ dạy cho cầu thủ nhiều hơn nữa, dạy từ những việc nhỏ như: Khi họp báo trước và sau trận đấu hoặc trả lời phỏng vấn của bất cứ ai, họ đều ngẩng cao đầu, lựa chọn từ ngữ cẩn thận, nói có nội dung, ngôn ngữ càng đậm chuyên môn càng tốt. Khiêm tốn không có nghĩa là phải cụp mắt xuống và tỏ ra bé mọn, nói qua quít như thể mình chỉ là nhân vật phụ. Chỉ biết cảm ơn là chính còn thì bí từ.

Tôi mong các cầu thủ mà tôi yêu mến, nhận thức được rằng: Lên mạng xã hội tuyệt đối không nên nói tục chửi bậy bởi mất điểm lắm, là vấn đề văn hóa đấy và cũng nên rèn dần, bỏ hẳn thói tật này đi chứ không chỉ nhịn khi trình diễn trên mạng xã hội. Hai mươi tuổi nên xưng “tôi” với cả thế giới và “không ngán bố con thằng nào”. Nhiều người có quan điểm kỳ cục rằng xưng “tôi” nghe có vẻ kiêu ngạo, nhưng theo EM thì “em” nghe mới buồn cười, không phù hợp, nhất là trong không khí trang trọng của các kỳ cuộc.

Tôi ao ước HLV Park và trợ lý Lee sẽ dạy cho cầu thủ nhiều hơn nữa, dạy từ những việc nhỏ như: Khi họp báo trước và sau trận đấu hoặc trả lời phỏng vấn của bất cứ ai, họ đều ngẩng cao đầu, lựa chọn từ ngữ cẩn thận, nói có nội dung, ngôn ngữ càng đậm chuyên môn càng tốt. Khiêm tốn không có nghĩa là phải cụp mắt xuống và tỏ ra bé mọn, nói qua quít như thể mình chỉ là nhân vật phụ. Chỉ biết cảm ơn là chính còn thì bí từ.