Trả lời HĐXX về công tác quản lý vốn, nhất là khâu so sánh, đối chiếu các chữ ký trong sổ tiết kiệm, đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Thành Công cho rằng, tất cả các thông số chi tiết đều được giám sát bằng máy móc. Trong quá trình kiểm kê, giám sát, lãnh đạo chi nhánh thường chỉ quan tâm đến số tiền được thể hiện trong tài khoản, các sổ sách chứng từ… chứ không để ý nhiều đến chữ ký, và thừa nhận đây là một thiếu sót.
Ông Nguyễn Danh Thắng - đại diện Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam cho rằng, lãnh đạo phía Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam phải có trách nhiệm liên đới trong việc giải quyết những hậu quả do nhân viên mình gây ra. Bởi theo quy chế của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cũng như quy định của Bộ luật Dân sự, khi nhân viên ngân hàng có lỗi, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức, việc đầu tiên, các ngân hàng này phải khắc phục hậu quả cho các bên thiệt hại; sau đó, căn cứ vào các lỗi vi phạm, sẽ thu lại từ những cá nhân trong đơn vị mình.
Cũng theo ông Thắng, về mặt chủ quan, mọi sự thay đổi trong sổ tiết kiệm, lãnh đạo ngân hàng phải biết, không thể nói đó là thiếu sót, là sơ sài.
Liên quan đến hành vi đứng tên thay Trần Lệ Thủy trong các sổ tiết kiệm, cùng Thủy thực hiện hành vi lừa đảo tại các ngân hàng, các bị cáo Thái Thị Yên, Ngô Thị Thanh Huyền đã một mực kêu oan khi cho rằng, thực chất, do quá tin tưởng Thủy nên đã đồng ý đứng tên trong các sổ tiết kiệm do Thủy nhờ vả.
Tuy vậy, trong quá trình điều tra, Yên không lý giải được 4 Giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn do Yên đứng tên có số tiền 40 triệu đồng, sau đó được sửa thành hơn 25 tỷ đồng. Ngoài ra, bản thân Yên cũng thừa nhận đã ký 2 hợp đồng vay với số tiền 9,4 tỷ đồng, 2 ủy nhiệm chi và 4 giấy rút tiền mặt số tiền 9,4 tỷ đồng.