Nhân viên bán lẻ tiếp xúc rủi ro cao cần được ưu tiên tiêm Vaccine sớm

Người lao động tại các hệ thống phân phối, bán lẻ đóng vai trò quan trọng đối với việc cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân trong mùa dịch. Thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, lực lượng này cần được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, ổn định an sinh xã hội.

Đề xuất tiêm vaccine sớm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân viên hệ thống bán lẻ

Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số siêu thị, hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm dẫn đến phải đóng cửa, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu.

Do đó, việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.

Mới đây nhất, sáng 7/6, Bệnh viện Bắc Thăng Long ghi nhận một tiểu thương 45 tuổi (địa chỉ tại tổ 17 thị trấn Đông Anh, Hà Nội) hành nghề bán rau tại chợ Cửa hàng mới dương tính với virus SARS-CoV-2. Do người này tiếp xúc với nhiều người, bởi vậy việc truy vết nguồn lây gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, Trung tâm thương mại Big C Thăng Long (Hà Nội) cũng phải đóng cửa tạm thời để thực hiện công việc khử khuẩn ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Trao đổi với báo chí, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các hệ thống bán lẻ đều chủ động tăng cường công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn cho khách hàng tới mua sắm. Tuy nhiên, với tính chất công việc đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm Covid-19 là rất cao.”

Do đó, AVR khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ được nhanh chóng tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.

Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chính thức bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, các địa phương đang có dịch khẩn trương sắp xếp, ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các cơ sở phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu...

Theo lý giải của Bộ Công Thương, “việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh”.

Xã hội hóa vaccine từ nguồn tài chính của doanh nghiệp

Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine phòng Covid-19, hướng dẫn thủ tục hành chính nhập khẩu vaccine và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm vaccine cho người lao động bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp.

Để đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hàng hóa thiết yếu đến tay người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mới đây Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce đã gửi văn bản đề xuất được Bộ Y tế và Bộ Công Thương tạo điều kiện, phối hợp với các cơ quan chức năng để hơn 22.000 cán bộ nhân viên của VinCommerce được nhanh chóng tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Kinh phí tiêm vaccine của nhân viên do Masan chi trả.

Bà Nguyễn Thị Phương – Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce chia sẻ: “Bán lẻ là ngành hàng phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, doanh nghiệp bán lẻ nói chung và VinCommerce nói riêng luôn phải mở cửa phục vụ, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chống găm hàng, chống tăng giá, giữ ổn định tâm lý người dân, đảm bảo an sinh xã hội.”.

Cũng theo bà Phương, dù hệ thống bán lẻ VinCommerce đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch, tuân thủ quy định 5K, đây vẫn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro bị lây nhiễm dịch bệnh. Nhân viên bán hàng được tiêm vaccine sớm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ, đồng thời tạo một môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.

Công ty VinCommerce với hệ thống 122 Siêu thị VinMart, 2.500 cửa hàng VinMart+ tại 59 tỉnh thành trên cả nước với hơn 22.000 cán bộ nhân viên phục vụ hàng triệu lượt khách hàng mỗi ngày.