Nhân văn học bổng nâng bước sinh viên

TP - Với sự đồng hành, tài trợ của Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, sau gần 2 tháng, 160 suất học bổng “Nâng bước sinh viên - chắp cánh tương lai” trị giá 1,6 tỷ đồng đã được báo Tiền Phong, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam trao đến tận tay sinh viên nghèo, học giỏi.
Sinh viên nghèo được nhận học bổng tại Hải Dương. Ảnh : Nguyễn Hà.

Khoản tiền đúng lúc và đầy ý nghĩa trên đã giúp nhiều sinh viên vơi bớt cực nhọc, vững bước tới giảng đường. 

Những giọt nước mắt xúc động

Một buổi sáng giữa mùa đông lạnh, trong căn phòng hội trường nhỏ ở TP Hải Dương, 6 sinh viên năm thứ nhất các trường ĐH có mặt. Sinh viên được nhận học bổng là những em đỗ điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017-2018 nhưng có gia cảnh khó khăn.

Ngồi dưới khán phòng, hai bàn tay của Trà Thu Phương, sinh viên Trường ĐH Hải Dương cứ đan chặt vào nhau hồi hộp vì lần đầu tiên trong đời được nhận học bổng trị giá 10 triệu đồng. Khoản tiền sẽ giúp cô trang trải học phí, ăn ở trong giai đoạn khó khăn, bỡ ngỡ của đời sinh viên.

Phương là một trong 160 sinh viên nghèo được trao học bổng có gia cảnh đặc biệt khó khăn. Mồ côi bố từ lúc 5 tuổi, đến năm lên 7 mẹ cô cũng mất nốt. Được ông bà ngoại đùm bọc, nuôi nấng nhưng Phương vẫn phải sống tuổi thơ trong nghèo khó, côi cút và đẫm nước mắt vì tủi thân. Đến năm 2016, ông ngoại cũng mất, bỏ lại hai bà cháu. Bà đã già, cháu bước vào năm đầu tiên của ĐH. Không có tiền, mất nơi nương tựa, Phương chia sẻ, em từng rất buồn bã nhưng rồi ý chí phải thay đổi số phận, cuộc sống nên bằng mọi giá em phải đến trường. Để có tiền nộp học phí và trang trải cuộc sống, ngoài giờ học, em xin làm thêm ở một cửa hàng quần áo với giá 10.000 đồng/giờ. Mỗi ngày, tan học, Phương đi làm đến 10 giờ đêm mới rời cửa hàng về ngôi nhà nhỏ của hai bà cháu. Ngày nắng cũng như ngày mưa, Phương cần mẫn gom nhặt tháng 2 triệu đồng để đưa cho bà mua gạo, thức ăn và trả tiền điện nước.

Cầm 10 triệu học bổng trên tay, Phương rưng rưng dự định: “Số tiền bằng cả 5 tháng lương lao động, em sẽ mang hết cho bà giữ để đóng học phí và dành lúc ốm đau. Dù vất vả thế nào em cũng sẽ học tiếp để sau này có kiến thức thay đổi cuộc sống”.

Hay như, Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh viên Trường ĐH Tiền Giang cũng nghẹn ngào, rớt nước mắt trong lễ trao học bổng vì quá xúc động. Thảo sinh ra trong gia đình có 4 người con, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm thuê, làm mướn bấp bênh và mấy sào ruộng. Ngày có người gọi phụ hồ, bố Thảo kiếm vài trăm nghìn. Khi không có việc thì trong làng ai kêu gì ông làm đó. Song số phận thật trớ trêu khi gia cảnh đã nghèo, cả bố và mẹ của cô đều đổ bệnh. “Cha bị đau cột sống, mẹ đau khớp và cao huyết áp liên miên. Trong khi cuộc sống vẫn phải có cơm ăn, tiền sinh hoạt nên chị em Thảo phải làm thuê, làm mướn”, cô tâm sự.

Bĩ cực, một trong hai em của Thảo đã phải nghỉ học để đi bán hủ tiếu thuê cho nhà hàng. Riêng Thảo, vì muốn thoát cảnh nhà nghèo, cô quyết tâm phải học xong ĐH để làm việc bằng tri thức. Vì thế, sau mỗi giờ học, cô nhận kết hạt cườm để kiếm thêm thu nhập phụ bố mẹ.

Có sinh viên, vì quyết theo nghiệp con chữ mà sau mỗi giờ học, lập tức chạy đi giúp việc theo giờ, bưng bê ở quán cà phê, gia sư thu về mỗi giờ những đồng tiền ít ỏi như Nguyễn Thị Huyền Thương (ĐH Y Hà Nội), Phạm Thị Minh Phương (Học viện Tài chính)... Vậy nhưng, khi hỏi, không một ai trong số họ có ý nghĩ sẽ chùn bước, dừng lại. Vì vậy, họ ăn mì tôm, nấu cơm 3 bữa có giá 30.000 đồng/ngày để tiếp tục được cắp sách đến giảng đường. Một điều dễ nhận thấy, dù nghèo nhưng những sinh viên được tiếp sức hôm nay đều có ngùn ngụt ý chí, khát vọng thay đổi cuộc sống. Vì thế, trong số họ, người ước mơ sẽ trở thành bác sĩ giỏi, người dự định sẽ khởi nghiệp bằng kinh doanh, người dự định sẽ săn học bổng để ra nước ngoài học tập…

Sẽ tiếp sức, chắp cánh trong nhiều năm

Những năm trước, sau mỗi mùa tuyển sinh ĐH, qua các bài viết, báo Tiền Phong phát hiện ra những gương sinh viên học giỏi, thi đỗ thủ khoa, á khoa các trường ĐH. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ có gia cảnh đặc biệt khó khăn. Như Trần Văn Cường, Á khoa ĐH Y Hà Nội năm 2014 có gia cảnh nghèo khó khi bố bị bệnh tâm thần, mẹ là nông dân. Sau bài viết của báo Tiền Phong, một tổ chức đã nhận hỗ trợ Cường mỗi tháng 3 triệu đồng suốt 6 năm em theo học ĐH với điều kiện kết quả học tập của em luôn đạt loại khá giỏi. Nhờ đó, Cường vơi bớt nỗi lo cơm áo để tập trung học tập, nuôi ý chí trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai.

Như Nguyễn Đức Sang, Thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2009 với số điểm 29,5 nhưng bố bị bệnh ung thư, gia cảnh khó khăn. Sau bài viết “Ngôi nhà nghèo và ước mơ quá lớn” trên báo Tiền Phong, Sang đã được một đơn vị nhận hỗ trợ ăn học suốt 5 năm ở ĐH và giúp chi phí chữa bệnh cho bố…

Hay như chuyên mục Gập ghềnh đường đến giảng đường gom nhặt về những câu chuyện, cảnh đời khao khát học tập nhưng gia cảnh nghèo khó. Sau đó, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến báo để trao tặng học bổng cho những sinh viên này.

Trong buổi tọa đàm tại báo Tiền Phong hồi tháng 11/2017, ông Stephen James Clark - Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho rằng, ông đồng hành cùng báo Tiền Phong trong hành trình hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó vì báo đã có những chương trình hỗ trợ học bổng cho sinh viên rất thành công trong nhiều năm qua. Những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn rất cần được hỗ trợ trong thời điểm năm đầu ĐH. Vì vậy, sinh viên khó khăn là đối tượng ưu tiên trong các hoạt động cộng đồng của Prudential với mong muốn mang lại tương lai tốt đẹp và bền vững. 

Với ý nghĩa đó, số tiền 1,6 tỷ đồng đã được báo Tiền Phong phối hợp với các tổng đại lý của Cty bảo hiểm Nhân thọ Prudential trao cho 160 sinh viên nghèo ở 23 tỉnh/ thành trên toàn quốc.

Từ ngày 15/11 đến ngày 22/12, báo Tiền Phong, Quỹ Tài Năng trẻ Việt Nam cùng sự tài trợ, đồng hành của Công ty bảo hiểm Nhân thọ Prudential đã trao 160 suất học bổng cho sinh viên nghèo ở 23 tỉnh/ thành trên toàn quốc. Đại diện Cty bảo hiểm Prudential cho biết, với ý nghĩa to lớn của chương trình, trong những năm tới đơn vị tiếp tục đồng hành với báo Tiền Phong để hỗ trợ sinh viên khó khăn trong năm đầu bước vào giảng đường ĐH.