“Chuyện ngõ nghèo” từng rất khó xuất bản, đúng không, thưa ông?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Mất rất nhiều năm mới xuất bản được, 20 năm gì đó. Nguyễn Xuân Khánh đã đưa bản thảo đi khắp các nhà xuất bản nhưng không nơi đâu in.
Tác phẩm ban đầu có tên “Trư cuồng”. Đến khi đưa về Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, hồi đó tôi còn làm giám đốc, thì chúng tôi nhận lời “đỡ đầu” cho tác phẩm song phải thay đổi một chút so với bản gốc.
Tôi nói với Nguyễn Xuân Khánh: Thôi, hay không cần đổi tên. Nhưng chính Xuân Khánh đáp: Tao gửi bao nhiêu nhà xuất bản, người ta không in. Phải thay đổi thôi. Chính nhà văn Tạ Duy Anh biên tập cuốn này. Nhà văn, nhà biên tập thông minh và sắc sảo ấy đã đổi “Trư cuồng” thành “Chuyện ngõ nghèo”.
Vì sao sách của Nguyễn Xuân Khánh khó in?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Sách không có vấn đề gì lệch lạc. Song “Chuyện ngõ nghèo” nói về thời bao cấp kinh khủng lắm, khó khăn, khổ sở vô cùng. Các nhân vật trí thức phải vượt qua để sống. Những ai thực sự yêu quí văn học Việt không nên bỏ qua “Chuyện ngõ nghèo”. Tôi nói rất chân thành.
Ngoài việc “đỡ đầu” cho “Chuyện ngõ nghèo” ngoài đời ông có thân với Nguyễn Xuân Khánh?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tôi chơi với Xuân Khánh, Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, mấy ông này cùng tuổi với nhau. Mấy anh em chúng tôi thân với nhau từ lâu. Thời bao cấp khó khăn, mỗi lần mấy ông tụ tập tôi và Phạm Xuân Nguyên hay dẫn mấy ông đi ăn.
Ngoài đời, Xuân Khánh là người tuyệt vời. Tính ông rất hào sảng, vui vẻ và ông là nhà văn có văn hóa cao, vào loại tinh hoa đấy. Ông giỏi ngoại ngữ, đọc nhiều, hiểu biết nhiều.
Ông đánh giá thế nào về văn nghiệp Nguyễn Xuân Khánh?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Quá giá trị. Ông là một nhà văn “hoành tráng”. Nguyễn Xuân Khánh viết tiểu thuyết lịch sử thuộc hàng đầu trong thời kỳ đương đại. Mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử của ông đều rất hay, nhất là “Hồ Quí Li”. Tôi đã từng có bài viết về cuốn tiểu thuyết này.