Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông sẽ tới Washington để “đàm phán với Tổng thống Biden nhằm tăng cường khả năng phục hồi và phòng thủ của Ukraine”, đồng thời phát biểu trước Quốc hội Mỹ.
Trong chuyến thăm của ông Zelensky, Tổng thống Mỹ Biden dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá gần 2 tỷ đô la, bao gồm dàn tên lửa Patriot để giúp nước này tự vệ trước tên lửa Nga, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Chuyến đi của ông Zelensky được lên kế hoạch trong bí mật trước khi các chi tiết bắt đầu hé lộ vào tối 20/12. Theo Reuters, chuyến thăm dự kiến sẽ chỉ kéo dài vài giờ. Ông Zelensky sẽ hội đàm với Tổng thống Biden và các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu tại Nhà Trắng, sau đó tham gia một cuộc họp báo chung với ông Biden và đến Đồi Capitol để phát biểu trong phiên họp chung của Thượng viện – Hạ viện Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thống Biden mời ông Zelensky tới Washington "để nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với Ukraine".
"Chuyến thăm sẽ nhấn mạnh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể, bao gồm thông qua việc cung cấp hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và quân sự," bà Jean-Pierre nói.
Thông điệp mà Tổng thống Biden gửi tới ông Zelensky sẽ là thông điệp về niềm tin và sự quyết tâm, quan chức Mỹ cho biết. Ngoài ra, ông Biden sẽ không tận dụng cuộc gặp này để thúc đẩy ông Zelensky ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây sẽ là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Biden với người đồng cấp mà ông đã điện đàm thường xuyên trong suốt 10 tháng qua kể từ khi xung đột nổ ra. Với sự dẫn dắt của ông Biden, phương Tây đã ủng hộ Ukraine và tìm cách cô lập Nga mà không tham gia vào cuộc xung đột trực tiếp với nước này.
Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp khoảng 20 tỷ đô la hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm đạn dược và nhiều hệ thống phòng không tiên tiến.
Ông Zelensky mới đây đã tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí sau khi Nga mở cuộc tấn công mới bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở năng lượng của Ukraine hồi đầu tuần.
Ngày 20/12, ông Zelensky có chuyến thăm bất ngờ tới thành phố tiền tuyến phía Đông Bakhmut. Trong bài phát biểu qua video hằng đêm, ông Zelensky gọi đây là chuyến đi tới “Pháo đài Bakhmut” ở Donetsk.
Mặc bộ trang phục màu rêu quen thuộc, ông Zelensky đã trò chuyện và trao huân chương cho các binh sĩ. Ngược lại, các binh sĩ trao cho ông Zelensky lá quốc kỳ Ukraine có chữ ký của họ trên đó. "Chúng tôi sẽ chuyển nó cho Quốc hội và Tổng thống Mỹ”, ông Zelensky nói. “Chúng tôi rất biết ơn vì sự hỗ trợ. Nhưng điều đó là chưa đủ.”
Các thành viên đảng Dân chủ Mỹ (hiện kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện) đang cố gắng thông qua dự luật chi tiêu khổng lồ trước khi Hạ viện mới do Đảng Cộng hòa chiếm đa số tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2023. Dự luật bao gồm 45 tỷ đô la viện trợ cho Ukraine.
Một số thành viên đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối việc này. Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene cho biết: “Tất nhiên nhà lãnh đạo trong bóng tối sẽ phải đến trước Quốc hội Mỹ và giải thích lý do vì sao ông cần hàng tỷ đô la tiền đóng thuế của người Mỹ cho ‘bang thứ 51’ – Ukraine. Việc đó thật vô lý. Hãy đặt nước Mỹ lên hàng đầu.”
Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy cũng cảnh báo rằng Ukraine không nên mong đợi “một tấm séc trắng” từ Hạ viện mới do phe Cộng hòa nắm quyền.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phe Cộng hòa tại Thượng viện. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện - ông Mitch McConnell hiện vẫn đứng về phía Nhà Trắng. “Cung cấp hỗ trợ cho người Ukraine để đánh bại người Nga là ưu tiên số một của Mỹ ngay bây giờ, theo hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa. Đó là cách chúng tôi nhìn nhận những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt vào lúc này”, ông McConnell nói hôm 20/12.
Theo CNN, việc công khai thông tin về chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky và gói viện trợ quân sự khổng lồ bao gồm hệ thống Patriot có thể sẽ bị Nga coi là động thái khiêu khích của Kiev và các đối tác phương Tây.
Nga từng nhiều lần cảnh báo về những “hậu quả khôn lường” nếu Mỹ cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine. Điện Kremlin coi đây là động thái can dự sâu hơn của Mỹ vào cuộc xung đột.
Không giống như các hệ thống phòng không nhỏ, Patriot cần kíp lái lớn hơn nhiều, lên đến hàng chục người. Quá trình huấn luyện cho các binh sĩ vận hành Patriot thường kéo dài nhiều tháng. Một quan chức Mỹ cho biết việc này sẽ được tiến hành ở nước thứ ba. CNN trước đây cho biết khóa đào tạo sẽ diễn ra tại một căn cứ của quân đội Mỹ ở Grafenwoehr (Đức).
Patriot được nhiều người coi là một trong những vũ khí tầm xa uy lực nhất để bảo vệ không phận trước các tên lửa hành trình và đạn đạo, cũng như một số máy bay.