>> Nhà đất bị đẩy giá
>> Mua nhà thu nhập thấp: Vẫn vướng thủ tục hành chính
“Việc tạo lập chỗ ở đang dần vượt khỏi tầm với của người nghèo và thu nhập thấp ở đô thị, đó là một thực trạng không thể phủ nhận, tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của việc này chính lại là do chính sách phát triển và quản lý chưa thật hợp lý...”.
Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu trong buổi góp ý cho dự thảo chiến lược phát triển ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được tổ chức tại TPHCM.
Khó đủ bề
Theo dự thảo chiến lược phát triển nhà ở do Bộ Xây dựng soạn thảo, trong thời gian tới sẽ xóa bỏ hình thức phân lô bán nền vì hàng loạt dự án ở các TP được xây dựng nhưng không hình thành được đô thị. Tại Hà Nội, các biệt thự hàng tỉ đồng để hoang, xây thô xong rồi để phơi nắng khiến căn nhà trở nên… lem luốc.
“Nếu để chia lô tiếp thì doanh nghiệp (DN) có lợi nhưng phát triển đô thị không thành” - ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nhấn mạnh. Trong khi đó, việc triển khai các chương trình nhà ở cho người nghèo và người thu nhập thấp tại đô thị còn chậm, do chưa tạo ra được các ưu đãi đủ để khuyến khích, hỗ trợ các DN, các cá nhân tham gia.
“Chưa hết, với lãi suất như hiện nay thì làm hòa vốn cũng đã khó cho các DN, nói gì đến phát triển” - ông Hà khẳng định.
Theo ông Hà, khó khăn lớn nhất của thị trường nhà đất hiện nay là nguồn vốn thường phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng nên khi ngân hàng siết tín dụng lập tức thị trường bị ảnh hưởng. Do vậy, trong thời gian tới để tạo điều kiện về nguồn vốn và giúp người dân thuận lợi hơn trong tạo lập chỗ ở, Bộ Xây dựng sẽ đứng ra thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, trước mắt mô hình này dự kiến sẽ làm thí điểm tại TPHCM…
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, cho rằng chiến lược phát triển nhà của Bộ Xây dựng đưa ra trong dự thảo chưa đủ mạnh nên cần có cơ quan chuyên trách để tập trung lo việc phát triển nhà ở.
Bà Lê Thị Liễn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà An Nhân, cho biết công ty tham gia vào chương trình nhà thu nhập thấp phải mất 3 năm mới xong thủ tục bồi thường. Nay có đất sạch thì kẹt vốn nhưng không được hỗ trợ nên DN đang tính xin rút khỏi chương trình.
Loay hoay
Tại hội thảo, các DN đều cho rằng hiện nay Bộ Xây dựng chưa có chiến lược phát triển nhà ở đủ mạnh để giải quyết nhà ở cho người dân, đặc biệt là tại các TP lớn. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của Bộ Xây dựng nhưng hình như đang đổ dồn lên vai DN.
Chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, mục tiêu đến năm 2020 sẽ không còn nhà tạm và đến năm 2030, người dân sẽ không còn bức xúc về vấn đề nhà ở như hiện nay.
Để có được kết quả này, bộ dự kiến đưa ra những giải pháp như: Quy hoạch đủ quỹ đất để phục vụ nhu cầu phát triển nhà ở, rà soát tình hình sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở, kiên quyết thu hồi các diện tích đất đã giao nhưng sử dụng không đúng quy định hoặc quá thời hạn mà không triển khai thực hiện; rà soát pháp luật về đất đai để đơn giản và minh bạch trong trình tự, thủ tục tạo sự cạnh tranh lành mạnh, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường.
Trong khi đó, DN không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền, chưa kể thêm là các loại thủ tục hành chính nhiêu khê càng khiến DN thêm khổ…
Ngoài ra, giá nhà ở xã hội hiện nay cũng quá đắt, vượt tầm với của những người đủ điều kiện mua nhà. Hiện nay muốn mua nhà xã hội trả góp thì mức thu nhập phải trên 7 triệu đồng/tháng nên số người đủ điều kiện càng ít đi.
Bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng dân số ngày càng tăng nhưng diện tích đất tự nhiên không tăng, dẫn đến giá nhà đất leo thang.
Tuy nhiên, điều bất cập là thu nhập của người dân không theo kịp mức tăng giá này. Với giá nhà đất tại Hà Nội hiện nay, để mua được nhà, nếu tiết kiệm khoảng 20% thu nhập/tháng thì phải mất 100 năm, còn TPHCM cũng phải mất 20 năm…
Trước hàng loạt khó khăn đưa ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết bộ đang có phương án thành lập ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản để từ đó xem xét và có hướng chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Theo Hoàng Anh
Người lao động