Nguyễn Việt Thanh: Nhiếp ảnh gia không có… kẻ thù

TP - Vẫn là phóng viên ảnh của tờ Vietnam News mấy chục năm nay, cái tên Nguyễn Việt Thanh không xa lạ gì đối với giới nhiếp ảnh trong nước. Tiêu chí Việt Thanh đặt ra cho mình là dù chụp gì đi chăng nữa cũng phải làm cho người xem xúc động. Những bức ảnh của anh dù ít, dù nhiều đều chạm tới “sự xúc động” ấy.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Người nhẹ tính nhất Hà Nội

Những người bạn chơi chung đều bảo Thanh đẹp trai quá mức cần thiết, và nổi tiếng nhẹ tính, ai cũng thân được. Có lần ngồi trà đá, nhắc đến người ấy người nọ, anh đều gật gù: à, thằng ấy là bạn! Chiến hữu của anh bảo: thằng này nó làm bạn với cả Hà Nội!

Tính Thanh lào phào. Nói nhiều và nhanh, thuộc tuýp người hoạt ngôn và dễ cướp diễn đàn của người khác. Đàn em nhỏ hơn, thô bạo yêu cầu anh nhường mic, thì cũng không sao cả, lại tự tìm nguồn vui khác cho mình, rất ngoan ngồi gẩy guitar hoặc là lướt web. Bạn bè vừa thích vừa ngại anh. Cuộc vui nào vắng Thanh thì không khí tẻ hẳn. Nhưng có Thanh, cũng đồng thời phải kèm một tên rắn mặt để cầm kéo đòi quyền phát ngôn khi cần thiết.

Bề ngoài của Thanh lãng tử. Biết chơi piano, guitar, saxophone cũng thổi được tí chút. Trông Thanh đeo kính Ray Ban, cổ đeo máy ảnh Leica mà chất ngất đi ngoài đường, người ta sẽ có cảm giác nói với anh về giá xăng tăng, hoa quả nhiễm độc hay bọn rửa xe chém đẹp ngày lễ Tết là làm ố hình ảnh ấy. Thực tế, bên trong vẻ ngoài bay bay, Thanh rất tỉnh. Ngồi trên xe đường trường, đang chém hăng say về nhiếp ảnh đương đại với những chuyện đao to búa lớn khác, Thanh vẫn đủ tinh mắt nhắc lái xe “tránh bãi cứt trâu”.

Người ta bảo, Thanh là người làm nghệ thuật hiếm hoi ở Hà Nội mà gần như không có… kẻ thù. Anh tốt tính với bạn. Đến mức có thể nhường cơm sẻ áo. Và những thứ anh chụp, nó vững chắc chiếm chỗ ở khu vực ảnh báo chí đương đại ở Việt Nam. Thói chung, người ta thường ít đố kỵ với những gì nằm bên ngoài tầng bay của mình. 

Trên facebook, Thanh là một nhân vật hot, thứ nhất bởi nhiều ảnh đẹp, thứ hai bởi nhiều status thú vị. Ví dụ, anh tự biên tự diễn: “Một vài anh chị thắc mắc với tôi... Tại sao các nhân vật nơi thôn dã trong ảnh của anh đều có thái độ tự nhiên đến khó tin như vậy?

Tôi bèn giả nhời như sau: Tôi sinh ra và lớn lên nơi thành thị nhưng tâm hồn tôi được bện bằng rơm, rạ nên may mắn đồng cảm với họ”... Về bức ảnh chụp một cậu bé nhảy qua vũng nước ở khu giải tỏa Quận 8, Sài Gòn, anh chú thích: “Trong cuộc đời có những thử thách lớn mà bạn bắt buộc phải nhảy qua... Không để đi bộ được”.

Bám theo sự kiện cho đến… ra ngô ra khoai

Thanh bắt đầu cầm máy từ năm 1997, vì lý do “lãng xẹt” là trong nhà cần có một chiếc máy ảnh. Chụp mãi thành quen, Việt Thanh đâm mê “trò chơi tốn kém” này. Tự nhận mình không phải là người nệ cổ nên khi lên đời được máy kỹ thuật số anh suýt… mở tiệc ăn mừng. Trong giới nhiếp ảnh Hà Nội, Thanh cũng có tiếng là chịu chơi. Mẫu máy ảnh nào mới nhất, kiểu ống kính nào ngầu nhất, anh đều sở hữu đầu tiên. Tôi nhớ có đàn em của anh, từ cách đây hơn mười năm đã kể đầy hâm mộ: ông Thanh tậu máy mới, lia một phát ra chín ảnh, như quay phim chị ạ!

Thế nhưng, cú hích quan trọng để Việt Thanh quyết tâm gắn bó đời mình với nhiếp ảnh mới đến năm 2001 mới xuất hiện bằng việc Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương mở một lớp học dành cho các nhà nhiếp ảnh báo chí Việt Nam. Lần đầu tiên được tiếp xúc với các bậc thầy về nhiếp ảnh trên thế giới, được họ “khai hoá” và dẫn dắt Việt Thanh biết con đường đi của mình từ nay phải là thế nào: anh ngoặt sang hẳn thể loại ảnh báo chí. Được sự khích lệ, động viên của các ông thầy lớn như Time Page, như Jonh Stamayer, như James Nachway… Việt Thanh mày mò đi tìm cái đẹp “ngay xung quanh mình”. Cần mẫn như một người thợ, không phải chỉ là vài chục cái ảnh trong triển lãm, sau lưng Việt Thanh là một núi ảnh cả tốt lẫn tốt “vừa”… Ảnh của Việt Thanh được các chuyên gia về nhiếp ảnh đánh giá cao ở tính nhân bản. Một cách đầy bản năng, khi chụp những bệnh nhân AIDS ở Thái Lan anh cắt hoàn toàn phần mặt chỉ đặc tả vào những chi tiết trên thân thể. Cách thể hiện ấy sau này Việt Thanh mới biết chính là xu hướng của nhiếp ảnh hiện đại.

Những người già khiêu vũ ở Hồ Gươm. Ảnh: Nguyễn Việt Thanh.

Có một phương pháp làm việc Việt Thanh đeo đuổi đến giờ là bám theo sự kiện, nhân vật cả một thời gian dài có hệ thống và kỹ lưỡng. Khi đó mỗi bức ảnh không chỉ đơn thuần là bức ảnh, đằng sau nó là biết bao thông tin khác nữa. Bậc thầy của Việt Thanh trong trường hợp này là một biên tập ảnh của Đức. Tác giả ấy trong suốt 8 năm, từ 1982-1990 chỉ chụp hai đứa trẻ nông thôn một ở Việt Nam, một ở Kênya sinh cùng ngày, giờ. Từ việc chúng được sinh ra thế nào, bố mẹ là ai, sinh hoạt ra sao… cho đến lúc chúng đi học trong những lớp học bằng rơm rạ ở Việt Nam, bằng đất ở Kênya đều được thể hiện tỉ mỉ, cụ thể như chính những câu chuyện sống. Hầu như tất cả những ai đã từng xem qua bộ ảnh ấy đều phải thốt lên hai tiếng: tuyệt vời. Cũng chẳng cần nhiều lời, mọi vấn đề từ màu da, sắc tộc, lòng trắc ẩn… đều lồ lộ qua từng bức ảnh biết kể chuyện… Sau này bộ ảnh về nhạc Jazz của Việt Thanh chính là những thử nghiệm cụ thể đối với lối làm việc “chuyên nghiệp đến từng chi tiết” ấy. Đó cũng là mục đích mà Việt Thanh tự đặt ra cho mình: làm sao mỗi bức ảnh phải là một bức tranh thực chất và trung thực về mọi vấn đề xã hội qua cái nhìn của người chụp. Bức tranh ấy dù tối đến đâu vẫn phải ánh lên khoảng sáng, dù nhem nhếch vẫn phải sạch sẽ, vẫn phải làm cho người xem xúc động và chia sẻ.

Không có lãng tử trong nghề báo chí

Nhiều nhà nhiếp ảnh ở Việt Nam đồng nhất với kiểu làm việc lãng tử, Việt Thanh chỉ có bề ngoài lãng tử, thực chất là một nhà báo tất bật.

Anh bảo: tôi không giống nhiều người trông chờ vào những khoảnh khắc trong cuộc sống. Tôi nghĩ một bức ảnh hay phải là kết quả của một quá trình suy nghĩ, tư duy cực kỳ logic, thậm chí phải lựa, phải rình rập để đạt được ý tưởng. Bất cứ thành công nào cũng có cái giá của nó. Nếu ai nói khơi khơi tôi chỉ chụp mấy cái ảnh triển lãm mà thành một tên tuổi thì tôi không tin. Thời gian tôi sang Chiềng Mai học, cả lớp phải đi chụp một bãi rác trong điều kiện nắng 40o C đứng xa hàng cây số đã lao đao. Thế mà các ông thầy của chúng tôi không khẩu trang, không bảo hộ… cứ thế lăn vào chụp. Đầu tiên tôi còn nôn oẹ nhưng đến lúc chụp vào rồi thì quên hết, về khách sạn bị một trận đau đầu chí tử.

Ảnh: Nguyễn Việt Thanh.

Robert Capa có câu là: “Nếu bức ảnh của bạn chưa đủ tốt bởi vì bạn chưa đủ gần đối tượng”. Tôi cũng đã quen với việc bỏ ống kính têlê dùng ống kính góc rộng. Tôi muốn mỗi bức ảnh của tôi sẽ mang đến cho người xem cảm giác có thể sờ vào được, nhìn thấy được và đấy nhất định không phải là “những chân dung bị đánh cắp”.

Nguyễn Việt Thanh sinh năm 1970, là sinh viên Việt Nam duy nhất tốt nghiệp xuất sắc Khoa nhiếp ảnh, Học viện Báo chí Quốc tế Berlin. Anh được nhiều người biết đến với tư cách gương mặt tiêu biểu của ảnh báo chí Việt Nam đương đại. Giải Nhất ảnh báo chí - Giải báo chí Quốc gia (2005). Giải Nhất ảnh báo chí Châu Á (2006). 2 giải Nhất, 2 giải Nhì ảnh báo chí Đông Nam Á (2007-2008). Từng 4 lần tổ chức triển lãm ảnh cá nhân và nhóm tại Mỹ, 2 lần tại Australia, 2 lần tại Trung Quốc.

Thích chụp những người thăng hoa

Thanh không phải là một nhiếp ảnh gia gắn liền với studio. Nhưng nghịch lý là rất nhiều nghệ sĩ Việt thích Thanh chụp ảnh cho họ. Mỹ Linh, Khánh Linh, Trần Mạnh Tuấn… là những ví dụ. Anh cũng từng có cả một triển lãm cá nhân về những nghệ sĩ jazz tại L’espace.

Nói về sự vênh nhau giữa chụp trong studio với đủ thứ hỗ trợ và chụp tự nhiên ngoài trời, Việt Thanh cho rằng: Vấn đề không phải là anh chụp ở ngoài trời thì sẽ xấu hơn trong phòng chụp. Quan trọng là mình tìm được góc độ để thấy người ta đẹp. Ông Time Pages có dạy tôi: “khi đối mặt với đối tượng chụp thì đừng chụp những gì mày thấy, hãy đi xung quanh họ chụp các góc khác nhau, sau đó thử chụp từ trên xuống và từ dưới lên, sẽ có hiệu quả khác nhau, sau đó chỉ cần chọn ra hiệu quả mạnh nhất”. Có người nhìn thẳng thì phô nhưng nhìn nghiêng lại đẹp… Vấn đề là anh thể hiện thế nào thôi.

Thanh cũng đặc biệt thích chụp các nghệ sĩ trên sân khấu. Anh bị cuốn hút bởi những thăng hoa của họ. Ví dụ với những nghệ sĩ nhạc jazz. Anh kể: “Đặc thù của nhạc jazz là tính ngẫu hứng rất cao. Lúc người nghệ sĩ bị “đồng nhập”, điên lên thì không cần biết xung quanh có ai, họ cảm thấy sân khấu là của mình và kệ hết tất cả. Những lúc như thế tôi chụp cũng điên loạn”.

Trong cuộc đời có những thử thách lớn mà bạn bắt buộc phải nhảy qua... Không để đi bộ được.