3 bị cáo cuối cùng của vụ án là Trần Văn Sửu (Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng – Bộ Thương mại); Phan Nghĩa Hiệp và Trịnh Thị Hồng Điệp.
8 giờ, Hội đồng xét xử (HĐXX) gọi bị cáo Trần Văn Sửu.
Theo cáo trạng, bị cáo Sửu bị truy xét bởi các hành vi cấp visa trái qui định cho nhóm doanh nghiệp của Tăng Phát Bảo (8 doanh nghiệp, quốc tịch Hoa Kỳ) và đồng thời nhận tiền từ nhóm bị cáo này 7.000 USD và từ Trần Trung – Phó Tổng Giám đốc Cty May và phụ liệu may Tân Hải 300 USD và các khoản khác hàng năm…
Từ tháng 3/2002 đến tháng 5/2003, 3 doanh nghiệp của Tăng Phát Bảo là Cty Bảo Phát, Hoàng Phát và Thắng Phong đã đề nghị ông Nguyễn Đình Quản – Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hải Phòng xác nhận năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp này không đúng thực tế.
Từ đây Bộ Thương mại đã cấp quota cho các doanh nghiệp này 6.393 tá sán phẩm, chiếm 0,27% tổng nguồn quota dành cho các doanh nghiệp chưa có thành tích xuất khẩu năm 2003.
Từ trái qua phải: Mai Văn Dâu-Bùi Văn Tuấn-Lai Wai Hung-Lê Văn Thắng. Ảnh: Hữu Vinh.
Mặt khác, ông Dương Ngọc Tuấn – Phó giám đốc Sở kế hoạch đầu tư Hải Phòng cũng ký xác nhận vượt mức năng lực không đúng thực tế với 3 cty khác của Tăng Phát Bảo là Bảo Tín, Ngọc Sơn, Kwong Hai. Nhưng rất may việc làm trái nguyên tắc của ông Tuấn chưa gây hậu quả gì.
Trước áp lực về xuất khẩu hàng, Tăng Phát Bảo đã tìm mọi cách “chạy” quota thông qua một số quan chức Bộ Thương mại nhưng không thành công, đành quay sang nhờ ông Sửu ký visa sai qui định (khi chưa có hạn ngạch). Và mức bồi dưỡng được Bảo đưa ra cho ông Sửu là 0,5USD/ tá sản phẩm.
Kết quả từ tháng 7/2003 đến 8/2004, các Cty của Tăng Phát Bảo là Thắng Phong, 1-5, Bảo Tín, Ngọc Sơn, Bảo Phát, Hoằng Phát, Việt Phong, Kwong Hai được Trần Văn Sửu ký sai qui định tất cả 176.301 tá sản phẩm và được Tăng Phát Bảo “lại quả” 9.000USD. Ngoài ra nhân dịp Tết nguyên đán Tăng Phát Bảo cũng có “quà” cho Sửu thêm 2.000 USD.
Vị Hội thẩm hỏi tiếp, trong quá trình giữ chức vụ nói trên trong 5 năm, Trần Văn Sửu có được các doanh nghiệp cho quà? Ông Sửu nói không nhớ.
Vị Hội thẩm liền trích đọc một bút lục lời khai của bị cáo này: Trong 5 năm đương nhiệm vị trí Trưởng phòng quản lý XNK khu vực Hải Phòng, tôi có được các doanh nghiệp biếu tổng cộng 350 triệu đồng, tương đương mỗi năm nhận 75 triệu đồng.
Nghe xong, Trần Văn Sửu lắc đầu, cho đó là lời ước lượng, không nhớ chính xác.
Tuy nhiên, trong lời khai của bị cáo đã phát sinh mâu thuẫn. Bởi lẽ, Trần Văn Sửu thừa nhận trước toà rằng trong thời điểm đảm nhiệm chức vụ do Bộ Thương mại giao cho nói trên, bộ phận quản lý của ông ta đã phát sinh 3 vấn đề lớn và 3 bất cập khác, trong đó có việc để phát sinh nạn “cò” chạy chọt, chưa xác minh kỹ năng lực thực sự của các doanh nghiệp nhưng đã ký xác nhận… Song, với những việc ấy, Trần Văn Sửu cho rằng làm sai chỉ vì muốn giúp đỡ doanh nghiệp chứ không vụ lợi bản thân.
Nhằm chứng minh việc bị cáo này có làm lợi cho bản thân hay không, HĐXX truy vấn bị cáo Sửu xung quanh thu nhập và tài sản.
Trần Văn Sửu khai mức lương được hưởng khoảng 3 triệu tháng (vượt cả lương của một Vụ phó Vụ XNK như Lê Văn Thắng) + cộng với khoản thu nhập của vợ bị cáo này - vốn là nhân viên kế toán của một doanh nghiệp… Chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng bị cáo này còn có cả căn nhà trên đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM).
Và vị Hội thẩm thốt lên: “Tiền này ở đâu mà có, bị cáo nói của anh chị em góp. Vậy ai nói cho rõ”. Trần Văn Sửu không thể trả lời...
Phan Nghĩa Hiệp: Lạy ông tôi ở bụi này!
8 giờ 30, Toà gọi ông Phan Nghĩa Hiệp.
Từ trái sang: Phan Nghĩa Hiệp, Lưu Thị Minh Hiền, Mai Thanh Hải.
Ảnh: Hữu Vinh.
Trước toà, ông Hiệp khai, từ sự giới thiệu của “cháu dâu” Trần Thu Lan, ông Hiệp đã lần lượt giúp đỡ 3 doanh nghiệp chạy quota là Thắng Hoành của Lý Huệ Mẫn, Phú Hoa của Hậu Thiên Hoa, và doanh nghiệp Mc Call của con của ông Chu Văn Đàm (Giám đốc Cty Hoàng Việt).
“Lạy ông tôi ở bụi này!”
Trong lúc truy xét hành vi phạm tội của bị cáo Phan Nghĩa Hiệp, bị cáo này đã có lời khai …chân tình.
Liên quan đến hai lần giúp Cty Phú Hoa của bà Hậu Thiên Hoa lấy được 6.200 tá sản phẩm và được bà Hoa đưa lại 15.000 USD, ông Hiệp nói: “Tôi nói thành thật, trong mấy phiên toà ngày qua tôi biết tôi đã thành khẩn với cơ quan điều tra. Bà Hoa đã đưa tiền cho tôi tại lầu 9 khách sạn Quê Hương và trong phòng riêng, chẳng ai nhìn thấy và không có giấy tờ gì chứng minh. Tôi đã khai thật với cơ quan điều tra…” (!).
“Lúc này bị cáo nghỉ hưu, tại sao phải “chạy” giúp được quota? Trong khi việc làm ấy là chỉ có những người đương nhiệm?”. Chủ toạ đặt vấn đề.
Ông Hiệp thành thật: “Vì nghỉ hưu, tôi mới có thời gian giúp và thông qua sự quen biết một số người đang làm việc ở Bộ Thương mại”. Trong số những người ông Hiệp khai là quen có ông Mai Văn Dâu.
Khi đám cưới Mai Thanh Hải, ông Dâu có mang thiệp trực tiếp vào TPHCM mời ông Hiệp và nói rằng: “Trong TPHCM tôi chỉ mời có 10 người trong đó có ông, nên ông phải cố gắng dự”.
Khi đến nhờ ông Hiệp những doanh nghiệp này đều nói, họ đã gửi hồ sơ đến Bộ Thương mại lâu rồi nhưng không thấy hồi âm nên phải nhờ giúp. Và họ có đưa bản sao hồ sơ để chứng minh họ đã gửi.
Và họ có nói với ông Hiệp rằng, doanh nghiệp của họ trong tình trạng rất khó khăn và sắp phá sản như Mc Call của con ông Đàm (hiện tại đã phá sản) vì không xin được quota xuất hàng.
“Bị cáo có hứa hẹn, thù lao gì không?” – Toà hỏi. Ông Hiệp thừa nhận: “Họ nói, sau khi trừ chi phí ăn ở đi lại, sẽ thanh toán trên số lượng quota , 8 USD hoặc 5 USD/tá. Khi tôi hỏi ngoài thị trường giá này chỉ bằng 40 - 50%”.
Rồi ông Hiệp tiếp tục khai: Lần đầu tiên tôi làm của Cty Thắng Hoành và của Phú Hoa. Phú Hoa được 2 lần cấp hạn ngạch tổng cộng 6.200 tá sản phẩm. Còn Thắng Hoành được 2.000 tá. Tổng cộng với những hành vi giúp đỡ này, ông Hiệp nhận được tổng cộng số tiền 28.850 USD và ông Hiệp thừa nhận hành vi cáo buộc của cơ quan công tố, song ông không đồng tình với tội danh bị truy tố.
9 giờ 5', HĐXX gọi bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp
Bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp. Ảnh: Hữu Vinh
Toà hỏi: “Cáo trạng truy tố tội danh bị cáo có đúng?”.
Vừa khóc vừa trả lời, bị cáo Điệp xác nhận là có. Bị cáo này khai đã nhận các hồ sơ chạy giúp quota cho Cty Hiệp Tường và Phú Hoa từ bị cáo Phạm Văn Tuấn (bị cáo này cũng bị truy tố tội danh Lợi dụng quyền hạn của người có chức vụ để trục lợi và đã được thẩm vấn xong ngày hôm qua, 15/3).
Bà Điệp khai: “Tuấn đưa 2 bộ hồ sơ này cho bị cáo và nhờ giúp, nếu không các cty này sẽ bị phá sản. Hồ sơ của Phú Hoa, bị cáo nhận giá 4 USD/tá; Hiệp Tường là 1,2 USD/tá”.
Lê Văn Thắng thừa nhận, do có quen biết với bà Điệp (bà Điệp là bạn của bạn Thắng), nên khi bà mang hồ sơ ra Hà Nội đã gặp trực tiếp ông ta. Sau đó các hồ sơ này được duyệt và bà Điệp được Cty Hiệp Tường đưa 2.900 USD (Tuấn cũng được 1.100 USD), Phú Hoa đưa 9.400 USD.
Nhiều bút lục mà HĐXX công bố cho thấy, Trịnh Thị Hồng Điệp đã gửi gắm Lê Văn Thắng về những hồ sơ đã nộp xin quota cho các doanh nghiệp và ông Thắng đã hứa khi nào xét xong sẽ báo cho bà Điệp biết.
Cuối giờ, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn các đương sự bị triệu tập với tư cách là người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.
Hai ông Nguyễn Việt Phú và Bùi Hồng Minh (tức Minh C), chuyên viên của Vụ XNK - Bộ Thương mại được HĐXX gọi để trả lời việc liên quan đến việc bị cáo Trần Thu Lan (Phó giám đốc Cty TNHH May và Thương mại Á châu) khai đã chi cho họ tiền.
Cũng như lời khai trước cơ quan điều tra, ông Phú phủ nhận trước toà về lời khai của Trần Thu Lan. Còn ông Bùi Hồng Minh thì xác nhận với Toà có nhận tiền của Lan đưa là 2.000 USD!
Phiên toà tạm nghỉ vào lúc 11 giờ 30'.
Đại diện Bộ Thương mại "không nắm được gì cả" (?)
Ông Phan Thế Hào - Chánh VP Bộ Thương mại đang trình bày với HĐXX. Ảnh: Hữu Vinh.
Đầu giờ chiều, HĐXX gọi ông Phan Thế Hào, Vụ Trưởng, Trưởng đại diện Bộ thương mại tại phía nam.
Trả lời Toà về qui trình xét cấp hạn ngạch, ông Hào, đại diện Bộ Thương mại cho biết, qui trình được thực hiện rất chặt chẽ. Khi doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp quota, gửi hồ sơ bằng đường công văn, sau đó bộ phận văn thư sẽ tiếp nhận và trình lên lãnh đạo Bộ. Từ đây hồ sơ được chuyển qua Vụ XNK và phân cho các chuyên viên phụ trách địa bàn. Nếu có những trường hợp đặc biệt, các chuyên viên sẽ trình cho lãnh đạo Bộ và Hội đồng liên ngành...
“Thời điểm xét cấp hạn ngạch, Bộ Thương mại có nhận đơn thư kêu cứu của doanh nghiệp? Những than phiền của doanh nghiệp về thủ tục cấp quota quá phiền hà… Rồi thời gian đợi xét cấp hạn ngạch quá lâu dẫn đến doanh nghiệp vi phạm hợp đồng với đối tác. Những thông tin này Bộ có nắm được?” – Chủ tọa hỏi.
Ông Hào xác nhận là có và cho biết thêm, điều này đã làm Bộ có những cải tiến trong qui trình xét cấp quota, tháo gỡ vướng mắc.
“Trong mấy ngày hôm nay ông có dự toà?” – Chủ toạ hỏi. Ông Hào cho biết, cũng có dự tuy không đều vì phải giải quyết công việc của cơ quan, nhưng có cử đại diện dự.
“Ông có nghe các bị cáo vốn thuộc doanh nghiệp đang hầu toà nói về những bức xúc trong việc xin cấp quota. Vậy Bộ đã có biện pháp uốn nắn gì?”.
“Bộ đã cử Đoàn thanh tra kiểm tra phát hiện những hiện tượng tiêu cực sẽ xử lý. Nhưng khi Đoàn kiểm tra đang làm thì cơ quan điều tra vào cuộc.”
Các bị cáo nghe đại diện Bộ Thương mại trình bày chiều ngày 16/3.
Ảnh: Hữu Vinh.
Nghe xong, Chủ toạ nhận định, thế là chưa kịp thời. Rồi ông đặt vấn đề tiếp: “Vậy lãnh đạo Bộ tự phát hiện vụ việc này (vụ án đang xét xử) hay Bộ nhận thông tin từ các ngành khác?”. Nhưng ông Hào đã không trả lời thẳng vào câu hỏi.
“Về lời khai của bị cáo nếu không có sự quen biết hoặc tiền thì hồ sơ xin cấp quota khó có thể duyệt. Ông thấy như thế nào?” – Chủ toạ hỏi.
Ông Hào cho hay, theo cá nhân ông, ý kiến đó chưa chuẩn xác. Chỉ là ý kiến một vài cá nhân, chưa phải là phổ biến, mà chỉ là hiện tượng đi ngầm trong vài trường hợp.
“Bản thân ông và lãnh đạo Bộ có thấy được nguy cơ tiềm ẩn trong việc xét cấp quota độc quyền?”. “Thật ra, có thể cho thấy chỉ có tiềm tàng một vài cá nhân nào đó, chứ quan điểm chung Bộ phải đối xử công bằng các doanh nghiệp” – ông Hào trả lời chung chung.
Chủ toạ hỏi tiếp: “Có thấy lãnh đạo Bộ sơ hở trong tổ chức việc xét phân bổ quota?”. Ông Hào thừa nhận: Đúng là xét phân bổ hạn ngạch quota rất phức tạp. Thật khó khăn để biết hết năng lực của hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may. Có thể có sự sơ xuất nào đó!
“Trong vụ án này, ngoài số bị cáo thuộc Bộ Thương mại bị truy tố, còn một số bị đình chỉ, như: Nguyễn Việt Phú, Bùi Hồng Minh… Lãnh đạo Bộ có thấy được trách nhiệm?” – Chủ toạ hỏi.
Ông Hào xác nhận: “Xảy ra tiêu cực như hiện nay Lãnh đạo Bộ rất đau lòng và đáng tiếc cho sự việc này. Vì một số cá nhân “con sâu làm rầu nồi canh”.
Sau cùng, ông Hào cũng đại diện Lãnh đạo Bộ Thương mại kiến nghị HĐXX xem xét những công lao cống hiến của các ông Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng đối với ngành Thương mại khi định tội các bị cáo này.
Song, trước cách trả lời chung chung, nếu không nói là bao biện về trách nhiệm của Bộ Thương mại, mà ông Phan Thế Hào là đại diện, một vị Hội thẩm đã nói cho ông Hào biết: “Thông tư liên ngành đã qui định hồ sơ xin cấp hạn ngạch cần phải thực hiện đúng qui trình… thì cần gì có bút phê của ông Mai Văn Dâu lên gốc văn bản của một số hồ sơ là “K/c Vụ XNK…Rất tiếc những ngày qua ông tham dự phiên toà không đầy đủ, nên không nghe lời khai của các bị cáo trước phiên toà".
Vị Hội thẩm hỏi ông Hào tiếp: “Ông có nghe lời khai của Võ Thị Thanh Hằng?” Ông Hào thừa nhận: Không!
Vị Hội thẩm công bố lại bút lục mà bị cáo Hằng đã trần tình trước cơ quan điều tra về sự o ép đến cùng cực của một số cá nhân biến chất ở Bộ Thương mại khi doanh nghiệp luỵ vào việc xin quota.
Vị Hội thẩm cũng nhắc đến bút lục lời khai của bị cáo Phan Nghĩa Hiệp: “Tôi trích lại những lời khai này để ông ghi nhận và về báo cáo lại Lãnh đạo Bộ Thương mại. Qui trình xin quota là như vậy, nhưng việc gì mà các bị cáo thuộc Bộ đang ngồi tại toà lại làm trái ngược qui trình? Chứng tỏ ông không nắm được gì cả!” – Vị Hội thẩm nói lời kết luận với ông Hào.
HĐXX cho kết thúc buổi làm việc lúc 15 giờ 13 phút.
Theo Chủ toạ, sáng Thứ Hai, ngày 19/3, HĐXX sẽ làm việc trở lại. HĐXX yêu cầu các đương sự có nghĩa vụ quyền lợi liên quan phải có mặt đầy đủ trong phiên toà này.