Ngày 13/1, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu “Hiệp định Paris 1973 – Ôn lại quá khứ, hướng đến tương lai”.
Bà Nguyễn Thị Bình là Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà Miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Nhân dịp này, bà gửi thông điệp bằng video gửi đến các đại biểu, đại diện của phong trào hòa bình và đoàn kết quốc tế, ủng hộ Việt Nam.
Bà khẳng định, Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của thế giới to lớn chưa từng có đã buộc chính quyền Mỹ đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.
“Chúng tôi còn ghi nhớ những người bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn Hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt”, bà nói.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình một lần nữa rất cám ơn những người bạn, những người chiến sĩ hòa bình đòi công lý trên thế giới đã tham gia vào cuộc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước.
“Tôi mong rằng các đồng chí vẫn duy trì tình cảm đó đối với chúng tôi, ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển. Chúng tôi rất mong sự tiếp tục ủng hộ của các bạn”, bà nói.
Trong thời gian khoảng 5 năm (từ 1968-1973), Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Đúng 12h30 (giờ Paris) ngày 22/1/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ký tắt.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.