Hiện nay, mỗi ngày người nuôi vớt được hàng chục ký
cá chết hoặc bơi lờ đờ, sau đó ngửa bụng nổi trên mặt nước.
"Cứ lấy nước từ sông Rạch Chiếu vào là cá lại chết nổi trắng ao. Tình trạng này xảy ra khoảng 10 ngày rồi, cá chết nên mùi hôi thối không thể chịu được. Nước sông ở đây bẩn nhiều năm nay rồi, để nuôi cá, tôi phải bơm nước lên hồ dự phòng, xử lý xong rồi mới đưa vào hồ nuôi. Nhưng mấy ngày gần đây có thể nguồn nước bị ô nhiễm nặng hơn, hồ dự phòng cũng không thể xử lý hết nên cá mới chết", anh V. kể với phóng viên khi vừa xử lý hơn trăm ký cá chết.
Mấy hôm nay anh V. cũng không mở cống để nước ra vào, chấp nhận biến ao của mình thành ao tù vì sợ cá sẽ chết nhiều thêm. Gia đình anh V. nuôi cá đã nhiều năm nhưng chưa khi nào xảy ra tình trạng này. Khu vực nuôi cá của anh V. nằm bên cạnh sông Rạch Chiếu, đối diện Khu liên hợp Xử lý chất thải
Đa Phước. Hiện, anh V. đang đầu tư ao nuôi rộng 2 ha với khoảng 40 tấn cá.
Phía dưới ao vẫn còn khá nhiều xác cá chưa được vớt, mỗi con có trọng lượng hơn một ký.
Những xô thức ăn phủ bạt phơi nắng mưa. Có những ngày, các hộ nuôi cá ở đây phải chia nhau đồ ăn thừa xin từ các quán để giảm tiền thức ăn cho cá.
Bà N.H.H, một hộ nuôi cá khác cho biết: "Cá bữa giờ chết rất nhiều, vớt lên rồi bỏ chứ đâu có bán được. Cá chết như vậy có thể là do ô nhiễm nước, vì nước vào thì cá mới chết. Mỗi ngày, nhà tôi vớt được vài thùng, có con nặng cả ký".
Hình ảnh người dân chụp được khi nước thải đen ngòm bị xả ra con rạch phân giới giữa Khu xử lý chất thải Sài Gòn Xanh và Hoà Bình với Khu nghĩa trang Đa Phước.
Còn đây là hình ảnh phóng viên ghi nhận hiện trạng nước trên con rạch. Nước có hai màu khác nhau ở hai bên cống vào ngày 6/12.
Hình ảnh ghi nhận máy xúc thi công đưa bùn đen ra thẳng con rạch nhỏ cạnh khu nghĩa trang Đa Phước.
"Hàng ngày, nhiều xe chở chất thải ra vào hai công ty Sài Gòn Xanh và Hoà Bình. Có xe bốc mùi kinh khủng lắm, đang ăn phải bỏ luôn", một công nhân chia sẻ.
Một người làm mộ trong nghĩa trang Đa Phước kể: "Ngày xưa cái đồi đất ấy đâu có, nguyên một cánh đồng hoang. Mấy công ty này về giờ đống đất đó cao vậy đó. Bên đó cứ chiều muộn là bắt đầu rải chất gì đó, mùi rất kinh khủng".
"Ở đây chúng tôi có bơm nước lên rồi lọc, khử theo tiêu chuẩn để sử dụng. Nhưng tôi ớn lắm, không dám dùng nước ấy để ăn uống mà phải mua bình nước lọc để dùng", ông T., công nhân nghĩa trang Đa Phước kể.
Một số người dân tại đây cũng cho biết, họ phát hiện một công ty xử lý bùn trên địa bàn xả nước thải ra sông vào mấy ngày trước. Sự việc ngay sau đó đã được báo với chính quyền địa phương.
Xác nhận vấn đề trên, lãnh đạo UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết đã cử cán bộ chuyên môn vào cuộc sau phản ánh của người dân về một công ty nằm trong Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước xả nước thải ra môi trường. Hiện, vụ việc đang được xác minh và tìm hiểu nguyên nhân.
Theo ghi nhận của phóng viên, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có diện tích 614 ha, bao gồm các công ty: Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS, nhà máy xử lý chất thải hầm cầu của Công ty TNHH xử lý chất thải Hòa Bình (1,8 ha) và trạm tiếp nhận, xử lý và chế biến bùn của Công ty Sài Gòn Xanh (47 ha), Công ty xử lý chất thải Mộc An Châu và nghĩa trang rộng 67ha.
Phạm Nguyễn