Nguyễn Lê Tâm và bài hát “cứu người”

TP - Một bài hát giữ lại một mạng người. Đó có thể coi là thành tích đáng kể của họa sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, thành viên nhóm M6, gồm toàn nhạc sĩ “tài tử”.
Tác giả “Nhắn tuổi 20” trong chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung sau lũ cuối 2010 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Ảnh: N.M.Hà

> Đêm nhạc của những tấm lòng

Tác giả “Nhắn tuổi 20” trong chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung sau lũ cuối 2010 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Ảnh: N.M.Hà.

Họ tâm huyết với việc viết nhạc nhưng vẫn coi đó là thú chơi hơn là sự nghiệp. Nhóm vừa ra album thứ hai Những đường bay trong đó Lê Tâm đóng góp hai sáng tác khá ấn tượng: Tiếng Việt (lời: Lưu Quang Vũ) và Ô chữ Y-Ê và U.

Anh chưa từng gửi bài tham dự Bài hát Việt như các thành viên M6: Nguyễn Vĩnh Tiến hay Ngô Tự Lập... Vì sao?

Tôi bận đến mức cứ bảo để mai nhưng rồi việc nọ việc kia kéo mình đi. Đi thi cũng vui. Có thể trong năm nay sẽ gửi.

Trước đây anh đã có chút tên tuổi cùng ban nhạc riêng (Lê Tâm là thành viên trụ cột của nhóm Đồng Hồ Báo Thức từ giữa những năm 1990 cùng với ba ca sĩ nữa), giờ lại đứng chung trong nhóm gồm nhiều người khác. Đó có thể coi là một… bước lùi?

Không phải. Vì nhóm này là một mô hình đặc biệt, hiếm ở Việt Nam. Vốn dĩ ở Việt Nam, mọi người có thói quen làm việc độc lập. Khi lại có một nhóm làm việc với nhau rất thoải mái, rất dân chủ, thì giúp đỡ, học hỏi được nhau nhiều.

Mỗi người đều có thế mạnh, đều là những người viết có kinh nghiệm. Tôi viết ca khúc đầu tiên khoảng năm học cấp II, còn anh Lập viết ca khúc đầu tiên từ năm lớp 3.

Anh Lập (Ngô Tự Lập - nhà văn, nhà lý luận, dịch giả, giảng viên ĐH…- PV) là người uyên bác. Còn Nguyễn Vĩnh Tiến cũng nổi tiếng giật các loại giải thưởng từ âm nhạc đến thơ ca. Cho nên nếu nói giật lùi thì không chính xác.

Nhóm M6 có điểm chung là đều coi sáng tác nhạc như một thú chơi, nghề tay trái?

Thực ra thú nào cũng là chơi hết. Viết văn, làm thơ hay vẽ tranh, bản chất vẫn là cuộc chơi thôi. Đá được chân trái thì đá, đá được chân phải thì đá, miễn là đá hay. Chứ còn quan niệm cái nào là trái, cái nào là phải thì mệt quá.

Trong nhóm có hai người sống hoàn toàn bằng nghề nhạc là Nguyễn Thắng - chơi nhạc cho Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, còn Ngô Hồng Quang là giảng viên Nhạc viện Hà Nội, hiện du học ở Hà Lan. Tôi với Lập, Tiến kiếm củi bằng nghề khác. Cho nên điểm chung ở đây chỉ có thể là các nhân vật có khả năng tôn trọng nhau và làm việc theo nhóm.

Gần đây bài “Phép lạ hàng ngày” của anh trở nên phố biến trong giới học sinh. Hình như từ khi có con, anh sáng tác cho thiếu nhi mát tay hơn?

Cũng không hẳn. Từ khi có con, tôi hay giao du với các bạn ở các nhóm Mẹ yêu bé hay web trẻ thơ, tình cờ gặp những bạn tổ chức trại hè cho trẻ con, nhờ tôi sáng tác thì tôi lại viết. Còn đơn đặt hàng chính là của chị Hoài Phương (nguyên thành viên Đồng Hồ Báo Thức (PV) ở Nhà hát Tuổi trẻ. Cứ mỗi dịp 1-6, Trung thu, chị phải có bài mới. Nên năm nào tôi cũng cấp cho chị ấy ít nhất hai bài cho trẻ con.

Tất bật với công việc trình bày báo, sản xuất chương trình truyền hình, tổ chức sự kiện…, anh có khi nào trăn trở, tự vấn vì sao không dành nhiều thời gian cho âm nhạc?

Có những cái rất là khó. Có người nói với anh Ngô Tự Lập: Bi kịch của chúng mày là cái gì cũng làm được. Nếu chỉ biết làm một việc, thì dễ thành công. Còn cái gì cũng làm được thì ông anh nào cũng bảo mày làm cho anh cái này cái kia.

“Ông anh” nghĩa là giao nhiệm vụ. Một người gàn dở có thể từ chối, còn mình thì không. Mình lại yêu quý mọi người, muốn ứng xử sao cho hòa nhã. Cái đó rất khó đảm bảo cho việc viết lách.

Mục tiêu của anh khi sáng tác ca khúc?

Có người nghe, có người thích. Thí dụ trong 10 người nghe mình, có một người gặp mình để nói một điều gì đó về một chi tiết trong ca khúc thì mình vô cùng xúc động. Còn việc cứ phải nỗ lực để có một danh tiếng, không quan trọng.

Anh có thể cụ thể hóa một trường hợp đã khiến anh “vô cùng xúc động”?

Nhiều khi ca khúc của mình đem lại những giá trị mà mình không biết được. Trong rất nhiều bức thư gửi cho tôi, mọi người đều bày tỏ yêu thích bài Nhắn tuổi 20, trong đó có bức thư mà tôi rất nhớ. Đó là của một cô ở Quảng Trị, mắc bệnh hiểm nghèo.

Cô ấy viết cho tôi là chỉ muốn chết thôi, nhưng khi nghe bài hát đấy trên tivi, cô thay đổi ý định. Tức là nó chuyển hóa từ một giá trị hoàn toàn tinh thần thành một dạng vật chất, có thể giữ lại một sinh mệnh.

Theo Báo giấy