Sức viết đáng kinh ngạc
Nhà văn Nguyễn Hiếu ra đi đột ngột sáng 5/3, hưởng thọ 76 tuổi. Theo chia sẻ của NSƯT Lê Chức, nhà văn Nguyễn Hiếu thời gian gần đây phải ra vào viện vài lần để đặt stent động mạch vành. Tuy vậy, đầu năm 2023, sức khỏe tốt dần lên. Tháng 2, nhà văn Nguyễn Hiếu tham dự Ngày thơ Việt Nam, rồi hội thảo của Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội hôm 27/2.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bất ngờ khi nghe tin nhà văn Nguyễn Hiếu rời cõi tạm. Cách đó hơn một tuần, hai người vẫn gọi điện trao đổi về một tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ông vẫn nhớ giọng của Nguyễn Hiếu đầy cảm hứng và mạnh mẽ.
Nhắc tới nhà văn Nguyễn Hiếu, nhiều đồng nghiệp nghĩ ngay tới sức viết của ông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định nhà văn Nguyễn Hiếu có sức làm việc "khủng khiếp".
"Nhà văn Nguyễn Hiếu viết văn, làm thơ, viết kịch bản sân khấu. Hình như lúc nào ông cũng viết. Tôi có cảm giác ông không rời bàn viết trừ khi ăn, khi ngủ. Số lượng đầu sách ông đã xuất bản thật khổng lồ với hàng chục tiểu thuyết, hàng chục tập truyện ngắn, khoảng 80 kịch bản sân khấu, hơn 20 kịch bản phim, hơn 400 bài thơ đã in và hàng trăm bài báo về các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật... Nhà văn Nguyễn Hiếu ra đi khi ông đang tràn ngập ý tưởng và cảm hứng sáng tạo như ông đang ở tuổi đôi mươi", ông Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Hiếu và nhà thơ NSND Lê Huy Quang vừa hoàn thành một tiểu thuyết viết chung. Chia sẻ với Tiền Phong, nhà thơ Lê Huy Quang cho biết Nguyễn Hiếu là cây viết cần mẫn.
"Nhà văn Nguyễn Hiếu ngoài 70 tuổi vẫn viết tiểu thuyết, làm thơ và viết báo. Từ năm 2008, anh trở lại với sân khấu, viết khoảng 20 vở, trong đó nhiều vở giành giải tại các liên hoan sân khấu. Trong văn chương, Nguyễn Hiếu rất có ý thức cách tân. Anh muốn thần thoại hóa những câu chuyện hiện thực đời sống. Anh cố gắng khẳng định thi pháp mới trong quan niệm về văn xuôi", NSND Lê Huy Quang nhận định.
Hai người trở thành bạn bè thân thiết trong gần 50 năm qua. NSND Lê Huy Quang khẳng định nhà văn Nguyễn Hiếu lao động nghệ thuật lặng lẽ, chịu khó, sống chết với văn chương và sân khấu.
Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc - là bạn đồng môn khoá 11 khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp cùng nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu. Ông kể rằng nhà văn Nguyễn Hiếu thường nói sở trường của mình là văn xuôi, tiểu thuyết. Tuy nhiên, với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, số lượng tác phẩm văn xuôi, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hiếu phải “chào thua” các tác phẩm kịch.
“Thật kỳ lạ, khối lượng khổng lồ ở thể loại mà Nguyễn Hiếu tự hào là sở trường, thế mạnh của mình vẫn phải chào thua nếu so với những gì anh đã làm được với thể loại kịch. Trong hơn 40 năm cầm bút, Nguyễn Hiếu viết đến hơn 70 kịch bản dài và gần 300 kịch bản ngắn - loại kịch truyền thanh”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa chia sẻ.
Ông nhận định một trong những thế mạnh của kịch bản Nguyễn Hiếu là đề tài hiện đại và đó cũng là điểm yếu của sân khấu Việt Nam những năm gần đây.
Trước sức viết của Nguyễn Hiếu, nhà văn Ma Văn Kháng đã phong cho Nguyễn Hiếu là "lực sĩ của văn xuôi Việt Nam".
Cần mẫn và nhã nhặn
NSND Lê Huy Quang đều đặn gặp nhà văn Nguyễn Hiếu vào thứ năm hàng tuần. Vài ngày trước khi nhà văn Nguyễn Hiếu qua đời, hai người còn gặp gỡ, uống trà đàm đạo. Với nhà thơ Lê Huy Quang, nhà văn Nguyễn Hiếu là người tử tế, hiền lành và nhã nhặn.
"Anh ấy không mê bia rượu, thích uống trà nhẹ nhàng, không khoe khoang về bản thân. Sức khỏe yếu nhưng anh vẫn đi xe máy. Vài ngày trước khi mất, anh chỉ than mệt một chút", nhà thơ Lê Huy Quang kể.
Nhà văn Nguyễn Hiếu tên khai sinh là Nguyễn Văn Hiếu, có bút danh khác là Thụy Phương, Bách Thành, Hoàng Bách Thành Ngân. Ông sinh ngày 15/10/1948, quê quán Phùng Khoang, Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Hiếu tốt nghiệp lớp 10 trường THPT Xuân Đỉnh, là thành viên Đoàn học sinh Hà Nội dự thi Học sinh giỏi văn miền Bắc năm 1966. Ông tốt nghiệp khóa 11, khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 1970.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư - có nhiều kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Hiếu.
"Hai anh em hay nhắn tin, gửi ảnh cho nhau, động viên, khích lệ nhau, nhiều lúc còn đùa vui, tếu táo. Anh là nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch tài năng. Bức ảnh cuối cùng tôi chụp anh vào ngày 5/2/2023, đúng dịp Ngày Thơ Việt Nam tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết.
Nhà văn Nguyễn Hiếu từng tâm sự với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Anh vốn là dân văn chương vì học Tổng hợp Văn và có đôi chút năng khiếu. Nhờ văn chương mà anh sống tạm ổn trong thời vất vả. Anh mê kịch từ bé và lao vào viết kịch bản từ năm 16 tuổi. Nhưng là nhà văn nên lận đận trong việc đưa kịch bản cho các đoàn...".
Lễ viếng nhà văn Nguyễn Hiếu diễn ra vào 16h05 ngày 5/3. Lễ truy điệu tổ chức vào 14h05 ngày 6/3. Đông đảo bạn văn, nhiều nghệ sĩ tới nhà riêng thắp hương viếng và nói lời từ biệt nhà văn Nguyễn Hiếu.
Ông được an táng tại nghĩa trang thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).