Ngày 20/11, TAND tỉnh Phú Thọ xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) liên quan đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên mạng.
Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa được xác định ký văn bản cùng bị cáo Nguyễn Văn Dương thành lập CNC - Cty bình phong của C50. Sau đó, bị cáo Hóa cũng bao che cho hoạt động đánh bạc của liên doanh CNC và VTC trực tuyến nên bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tại tòa, ông Hóa khai quen Dương tại lễ hội đền Trần ở Nam Định và biết Dương có quan hệ rộng với ngành công an. Về việc lập Cty bình phong, Nguyễn Thanh Hóa khai sau khi được phê duyệt của cấp trên, bị cáo được phòng tham mưu cho biết C50 không có vốn ngay nên chỉ ký bản ghi nhớ.
“Anh Võ Tuấn Dũng (cán bộ tham mưu) đưa ra ví dụ là mình đi dạm ngõ, đặt chỗ thôi chứ không phải dạm ngõ xong là coi cô gái ấy đã lấy chồng. Anh nói bản ghi nhớ này có thể thực hiện hoặc không nên tôi ký vì nghĩ có điều kiện mới thực hiện” - nguyên Thiếu tướng nói.
Trước việc này, chủ tọa yêu cầu Nguyễn Văn Dương lên xác nhận lời khai của bị cáo Hóa đúng hay sai. Tuy nhiên, bị cáo Dương đề nghị tòa nghiên cứu hồ sơ, bản thân không muốn trả lời đúng hay sai.
HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo Hóa về lý do tháng 4/2017, bị cáo làm văn bản đề nghị bị cáo Vĩnh ký, lùi ngày về năm 2011 nhằm hợp thức việc liên quan CNC?
Nguyễn Thanh Hóa cho rằng, sau khi ký ghi nhớ đã không thực hiện thành lập Cty bình phong do không có người, không có tiền nên chỉ coi họ là cơ sở bình thường. Việc này được bị cáo Vĩnh đồng ý nhưng năm 2015, ông Vĩnh lại ra văn bản 158 công nhận CNC là Cty bình phong nên năm 2017, bị cáo phải hợp thức các hồ sơ. “Về hành chính tôi làm sai, làm ngược, tôi chấp nhận điều đó” - ông Hóa nói.
Chủ tọa đặt câu hỏi tại sao CNC không là Cty bình phong nhưng vẫn gửi báo cáo lên C50? CNC được sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám? Nguyễn Thanh Hóa đáp: “Họ nghĩ là cơ sở bình phong của chúng tôi nên họ gửi và ai cũng có quyền gửi báo cáo như các doanh nghiệp tố giác tội phạm.”
Về số 10 Hồ Giám, bị cáo này cho rằng Cục Chính trị hậu cần (C43) từng thông báo sẽ cho C50 dùng 1 tầng tại đây và Nguyễn Văn Dương đề nghị được thuê. “Nhà này 4 - 5 tầng không ai dùng hết, tôi nghĩ dùng 1 tầng để làm nơi giao lưu công nghệ... Tôi giao cục phó xử lý nhưng sau đó C43 yêu cầu tôi phải trực tiếp ký xin tầng 5 nên tôi ký văn bản xin 1 tầng làm nơi gặp gỡ các hacker, phục vụ công tác” - bị cáo Hóa nói.
Bị cáo Dương nói: “CQĐT đã xác minh nội dung đó từ cán bộ công nhân viên của Cty, hỏi lại tôi thì tôi có xác nhận. Sau khi treo biển, anh Hóa có ý kiến: Cty cần đảm bảo bí mật, phải tháo xuống”.
Chủ tọa yêu cầu bị cáo Hóa nêu suy nghĩ về lời khai của Dương và nhắc lại các bị cáo đều thừa nhận Nguyễn Văn Dương không có mâu thuẫn với bị cáo.
Nguyên cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa đáp dứt khóa: “Biển này chỉ để giải quyết khâu oai, tôi không việc gì phải treo ở chỗ chật chội như thế, tôi không biết việc treo. Lời khai của tôi ở CQĐT đến nay không thay đổi”.