>Người Mỹ quan tâm việc hợp pháp hoá cá cược thể thao ở VN
>Cú hích Quảng Ninh?
Các dự án tỷ đô có casino
Ngay sau khi thông tin Las Vegas Sands muốn đầu tư hai khu nghỉ dưỡng phức hợp tại Hà Nội và TPHCM (trong đó có hạng mục casino) với tổng vốn đầu tư có thể lên tới 6 tỷ USD, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, Tập đoàn Genting (Malaysia) đang nghiên cứu đầu tư một khu liên hợp vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn có casino ở Vân Đồn với số vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD. Nếu như dự án của Las Vegas Sands đang dừng lại ở những đề xuất từ phía nhà đầu tư thì với dự án của Genting, đang chờ các cơ quan có trách nhiệm xem xét. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, nếu được chấp thuận, dự án sẽ được xây dựng trên 1.800 ha, sẽ biến Vân Đồn thành thành phố du lịch tầm cỡ quốc tế.
Với những thông tin liên tiếp về các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực casino ở Việt Nam, có vẻ như Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh được cho là rất nhạy cảm này. Bởi trước Las Vegas Sand và Genting, có khá nhiều dự án tỷ đô được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà trong đó luôn có hạng mục khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài. Điển hình như: Dự án Hoàng Đồng (Lạng Sơn) có vốn đăng ký 2 tỷ USD; Hồ Tràm Strip (Bà Rịa-Vũng Tàu) 4,2 tỷ USD; Sài Gòn Atlantic (Bà Rịa-Vũng Tàu) 4,1 tỷ USD; New City (Phú Yên) 4 tỷ USD; Silver Shores Hoàng Đạt (Đà Nẵng) 160 triệu USD... Thậm chí, chính Genting cũng đã liên doanh với VinaCapital để triển khai Dự án Nam Hội An (Quảng Nam) với tổng mức đầu tư 4 tỷ USD.
Đó là chưa kể, một số dự án nghỉ dưỡng phức hợp, có dịch vụ casino, trò chơi có thưởng như: Dự án Bãi biển Rồng (Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư 4,15 tỷ USD bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hồi năm 2010; dự án Mũi Dinh (Ninh Thuận) của nhà đầu tư Hồng Kông có số vốn 4 tỷ USD bị ngừng xem xét chủ trương đầu tư năm 2011. Trước đó, vào tháng 8-2011, nhà đầu tư Macau cũng đề xuất Dự án Thành phố Hoàng Gia với số vốn 4 tỷ USD tại Yên Bái và Phú Thọ, không được chấp thuận và Kiên Giang từ chối Dự án Hòn Ngọc Việt với số vốn đầu tư 2 tỷ euro.
Casino hoạt động cầm chừng, vắng khách
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, casino tại Việt Nam hiện nay đều hoạt động trong tình trạng cầm chừng, có rất ít khách du lịch nước ngoài vào chơi. Vì vắng khách, có casino đã từng mở cửa cho người Việt vào chơi và đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang như vụ 28 người Việt Nam bị bắt giữ vì tham gia đánh bạc tại casino Hoàng Gia (thuộc Cty Cổ phần quốc tế Hoàng Gia) phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh năm 2007.
Ngày 23-3, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Đức Lâm - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, casino Hoàng Gia (ở Bãi Cháy) và Lợi Lai (ở Móng Cái) từ khi cấp phép đến nay vẫn hoạt động bình thường. Vì casino chỉ là một thành phần trong hoạt động của Hoàng Gia và Lợi Lai nên doanh thu từ casino được báo cáo chung vào doanh thu của hai doanh nghiệp này.
Theo Bộ KH&ĐT, đến thời điểm này, Kiên Giang là địa phương duy nhất được chấp thuận về chủ trương phát triển casino (không kể những dự án nhỏ đã cấp phép). Định hướng chung là phát triển dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, kết hợp trung tâm dịch vụ casino ở khu vực Bãi Đá Chồng (Phú Quốc), quy mô khoảng 30.000 m2, bố trí 200 - 400 bàn đánh bạc và 2.000 máy chơi bạc. Ngoài ra, khu này còn mở rộng xây dựng 5 - 6 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và các khu nghỉ dưỡng.
Lợi bất cập hại
Sau khi phân tích lợi và hại, nhiều chuyên gia đầu ngành về đầu tư nước ngoài đã lên tiếng phản đối, vì cho rằng với điều kiện hiện nay, nếu mở casino sẽ lợi bất cập hại. GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, nếu tính trong khu vực châu Á, Trung Quốc không làm casino, Hồng Kông không có casino. Người Hồng Kông chủ yếu đi đánh bạc ở Macao. Trung Quốc dù dân đông nhưng người ta không cho đánh bạc. Ai muốn đánh bạc phải sang Macao.
Ở Việt Nam, cách đây khoảng 18 năm, thành phố Hải Phòng được đồng ý cho thử nghiệm casino tại thị xã Đồ Sơn. Nhưng vì hạn chế không cho người Việt Nam vào đánh nên đến giờ, quy mô sòng bạc này vẫn giống như 18 năm về trước. Nguồn thu từ casino Đồ Sơn hầu như không được bao nhiêu. Một thực tế nữa là bên kia cửa khẩu Mộc Bài, có 7 - 8 trung tâm casino của Campuchia, hút người Việt Nam sang chơi. Báo chí đã từng phản ánh, có rất nhiều đại gia ở TPHCM sập tiệm vì đánh bạc, có gia đình vì con cái sang Campuchia đánh bạc, bố phải bán nhà trả nợ. Nhiều con bạc người Việt thậm chí bị giết tại Campuchia vì nợ nần... “Đó là một thực tế. Nhiều tệ nạn và tai hại. Vì nhiều người Việt Nam rất máu mê đánh bạc” - ông Mại nói.
Theo ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cần phải cân nhắc kỹ đối với các dự án casino. Ông Thắng cho rằng, thực ra, ở Việt Nam đã cho kinh doanh casino. Đó là các casino ở Móng Cái, Bãi Cháy (Quảng Ninh), ở thành phố Đà Nẵng, Đồ Sơn (Hải Phòng), Lào Cai. Đó là chưa kể một số điểm khác cấp rồi mà chưa hoạt động. Tuy nhiên, các dự án hiện đang hoạt động đều nhỏ lẻ, không mang lại hiệu quả lớn về kinh tế cho địa phương cũng như đất nước. “Việc cần làm là phải xem, sắp xếp lại những dự án casino nhỏ lẻ” - ông Thắng nói.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các đề xuất đầu tư casino luôn là một tổ hợp dịch vụ, giải trí hàng tỷ USD, tốn tới hàng trăm hécta đất. Trong khi đó, hiệu quả từ các casino đang thử nghiệm ở Hải Phòng, Quảng Ninh... và những dự án đầu tư mới tại Việt Nam cho đến thời điểm này đều chưa chứng minh được sự cần thiết.
Về vấn đề liệu Việt Nam có nhượng bộ điều kiện của một số chủ đầu tư (như Tập đoàn LasVegas Sands) và có cho người Việt vào chơi tại các casino, ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT mới đây cho biết, vì pháp luật cấm người Việt chơi casino nên nhà đầu tư vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.