Nguồn lực và điểm tựa

TP - Sau bão là mưa, lũ quét, sạt lở đất, nước cuốn. Đi cùng với cơn “cuồng nộ” của thiên nhiên, luôn là thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, công trình quốc gia và địa phương.

Sự nổi giận của “bão, lũ” theo diễn tiến này từ lâu đã thành quy luật. Nhưng trận bão Yagi (bão số 3) vừa qua diễn ra ngoài sức tưởng tượng!

Sức tàn phá cơn bão Yagi chỉ có thể ngắn gọn: rất nặng nề! Đi thẳng vào càn quét Quảng Ninh, Hải Phòng, vào Hà Nội quần đảo rồi gây ra mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tê liệt, sinh hoạt của người dân bị gián đoạn, thậm chí nhiều nơi rơi vào cảnh “hoang tàn”. Ước tính bão Yagi gây thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kế hoạch trước đó.

Thông tin ban đầu, tỉnh Quảng Ninh cho biết, thống kê ước tổn thất vật chất của tỉnh lên tới hơn 23.700 tỷ đồng. Về du lịch, hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ khu vực thành phố Hạ Long, đặc biệt các khách sạn 4-5 sao, nhà nghỉ, khách sạn nhỏ đều bị thiệt hại, vỡ kính, sập mái. Nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thành phố Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô với dấu vết là khối nhà hàng sử dụng vật liệu khung thép, mái tôn, vật liệu đơn giản rơi vào tình cảnh sập, hư hỏng nặng. Nhiều cơ sở không còn khả năng sửa chữa lại do bị hỏng hoàn toàn.

Trong bão số 3, hình ảnh bão gây “thất kinh” tại Quảng Ninh chính là sức gió làm những con tàu du lịch từ từ lật ngược, những tòa nhà cao tầng với cả mảng kính bị gió thổi bay tứ tung, và đặc biệt những lồng bè hải sản mất trắng. Thống kê tại Quảng Ninh có 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm. Trong đó 23/27 là tàu du lịch tại cảng Tuần Châu, 2 tàu trên vịnh Hạ Long và 2 tàu du lịch bị đắm khác. Tại vịnh Hạ Long, tài sản của người dân và doanh nghiệp trên vịnh cũng bị thiệt hại nặng nề.

Còn tại thành phố Hải Phòng, thiệt hại do bão cũng rất khủng khiếp. Di tích biệt thự Bảo Đại hư hại nặng, nhiều cây cối gãy đổ, mất điện nước, vỡ cửa kính. Thiệt hại trên toàn thành phố ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Gần 1,9 triệu cây cảnh, cây hoa và hơn 82.000 cây xanh đô thị bị đổ gãy, hơn 3.300ha diện tích rừng bị ảnh hưởng; hơn 25.000ha diện tích lúa và 3.000ha diện tích hoa màu bị hư hại; hơn 4.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 1 triệu con gia cầm, 5.350 con gia súc chết, tổng thiệt hại ngành nông nghiệp là gần 6.000 tỷ đồng.

Sau bão lũ là hoang tàn. Sau hoang tàn là tái thiết! Cuộc sống sẽ phải trở lại như sự vận động muôn đời vốn có. Đó là xây mới, hồi sinh và vươn lên. Nhưng nhìn vào tổn thất hiện tại, ai cũng thấy: Muốn tái thiết phải có kế hoạch, có sự chuẩn bị và đặc biệt không thể thiếu sự hỗ trợ về nguồn lực con người và tiền bạc. Đến lúc này, vô số câu hỏi đang chờ lời giải: Ví như tiền vay ngân hàng, giờ đầu tư mất trắng làm thế nào trả nợ? Nguồn thu không có lấy gì để nộp thuế. Hay công trình xây dựng lại, “sức người, sức của” sẽ lấy từ đâu?

Gánh nặng không dễ một sớm một chiều đặt xuống.