Theo Tổ chức Y thế Thế giới, từ 20 - 50% người Việt Nam tại các vùng khác nhau có thể bị nhiễm giun, trong đó đa phần là trẻ em.
Theo TS Dương, nghiên cứu từ Viện này cho thấy, tỷ lệ trẻ em nhiễm giun ở khu vực phía Nam là 10 - 50%, trong khi ở Miền Bắc có nơi đến hơn 80%.
“Với khoảng 20 - 40 triệu người dân nhiễm giun, Việt Nam hiện là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở Châu Á. Ước tính hằng năm, người dân Việt nam tiêu tốn 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun”, TS Dương cho hay.
Người đứng đầu Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương lý giải nguyên nhân khiến người dân Việt Nam mắc giun cao, là do tình trạng môi trường sống ô nhiễm cùng với vốn kiến thức thực hành vệ sinh cá nhân không đúng cách, đặc biệt là trẻ em dễ trở thành đối tượng của các bệnh lý nguy hiểm do nhiễm giun lâu dài.
“Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh nhiễm giun truyền qua đất ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ.Tuy nhiên, bệnh giun cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm những bệnh ít được quan tâm, dễ “bị lãng quên”, TS Dương nói.
Theo ông Dương, đối với một quốc gia đang phát triển và nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa như dịch tả, dịch tiêu chảy cấp, các bệnh ký sinh trùng đường ruột là khá cao.
Đặc biệt nhu cầu trong bữa ăn của người Việt thường tiêu thụ nhiều chất xơ có trong rau, củ quả rất lớn, vì vậy nếu các loại rau quả này không đảm bảo vệ sinh, không loại trừ được các mầm bệnh sẽ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khả năng nhiễm các bệnh về giun tại cộng đồng.
Nghiêm trọng hơn là các triệu chứng, biến chứng do các bệnh giun đường ruột, các bệnh sán lá gan, sán lá phổi, bệnh ấu trùng sán lợn gây lên như viêm đường mật, viêm tụy cấp, tắc ruột, tổn thương gan, xơ gan, tổn thương hệ thần kinh…
Cũng theo công bố của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, rất ít người dân có thói quen tẩy giun định kỳ tối thiểu hai lần trong năm hoặc chỉ quan tâm tẩy giun cho trẻ trong khi bất kỳ ai cũngcó khả năng bị lây nhiễm qua môi trường sinh hoạt chung, lây nhiễmqua da nếu đối tượng đi chân đất, làm việc và tiếp xúc với đất.
Vì thế, tẩy giun trên diện rộng là vô cùng quan trọng, không nên tẩy giun đơn lẻ mà cần phải tẩy giun cho bé, những cá nhân tiếp xúc với bé và người thân trong gia đình định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm.