Bốn thập kỷ kiên cường với nghề
Tiệm đóng sách của ông nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng (quận 3). Tiệm không lớn chỉ vừa đủ cho một số vật dụng trong nhà, cái bàn làm việc và chiếc máy cắt sách đã nhuốm màu thời gian.
Lúc 18 tuổi, khi ông Rạng học phổ thông, ông đặt câu hỏi dành cho chính mình "Ai là người đóng sách cho mình học?" Trong một lần qua nhà người bạn trong lớp chơi, ông mới biết được nhà người bạn này có xưởng đóng sách. Sau năm 1975, ông chính thức vào phụ làm việc ở xưởng và học nghề. Trong khoảng thời gian đó, ông có cơ hội làm việc tại tất cả các cơ sở đóng sách ở Sài Gòn.
Ông Rạng vẫn nhớ rõ vào trước những năm 1975, Văn hóa đọc sách giấy phổ biến, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng đọc sách. Nhà sách ở Sài Gòn thời đó xuất hiện nhiều, ông hay ra chợ Trương Minh Giảng (nay là chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3) hoặc chợ Tân Định (quận 1) gần nhà để xem sách.
Ông nhớ rất rõ, thanh niên thì thích tìm đọc truyện Kim Dung, phụ nữ thích chuyện tình cảm của tác giả Quỳnh Dao. "Khi đó, thích thì mình mua, hoặc trao đổi với bạn bè, không có tiền thì mình lại mướn", ông nhớ lại.
Sang giữa những năm 90 đến năm 2000, công nghệ thông tin phát triển, thay vì phải ra tiệm tìm mua sách về đọc, độc giả dần chuyển sang đọc sách qua mạng. Ngành xuất bản cũng phát triển mạnh mẽ hơn, đầu sách mới ra nhiều hơn.
Người đọc thay đổi thói quen, không còn đọc sách giấy như trước. Thị trường sách cũ cũng cạn kiệt dần. "Tôi cũng hơi buồn vì mọi người không còn mặn mòi với sách giấy nữa", ông Rạng trầm ngâm.
Năm ông Rạng 30 tuổi, các cơ sở đóng sách dần hẹp lại do thị trường sách bắt đầu luân chuyển nhanh qua internet và các đầu sách được tái bản liên tục.
Một ông chủ tiệm đóng sách thời bấy giờ tặng chiếc máy cắt sách cho ông và bảo: "Mày cứ cầm máy về mà làm. Nghề sửa sách có thể tà tà sống qua ngày, không lo chết đói", ông Rạng nhớ lại.
Với niềm đam mê với sách và nghề, ông quyết kiên trì theo đuổi. Ông mở tiệm đóng sách tại căn nhà của mình. Ông tìm đến các hiệu sách cũ ở Thành phố để hỏi xin sửa sách cũ.
Trải qua hơn 40 năm, tuy khách không đông như trước, nhưng ông vẫn kiên cường, trụ vững với nghề. Hiện tại, khách hàng của ông đa số là người cao niên quý sách cũ hoặc những người có những cuốn sách kỉ niệm của ông bà hoặc thầy cô của họ để lại.
"Những cuốn sách được mang đến đây đa phần là sách kỉ niệm của khách nên họ quý lắm. Vì lẽ đó, tôi rất trân trọng những cuốn sách đó. Vì nó là thứ mà có tiền cũng chưa chắc mua được", ông chia sẻ.
Có một số khách hàng đòi hỏi sửa sách lấy liền, ông từ chối khéo. Ông Rạng giải thích, phần là do tất cả công đoạn đều làm bằng thủ công, nên đòi hỏi thời gian hoàn thiện lâu và vì khách nào đến trước thì làm trước, đến sau thì làm sau.
Ông Chu Đức Thịnh (78 tuổi) - hàng xóm của ông Rạng cho biết, suốt mấy chục năm qua, ông Rạng cần cù với công việc của mình. Ở Sài Gòn có một số người làm nghề này nhưng không bằng ông Rạng. Sách hư hỏng cỡ nào, ông Rạng cũng xử lý được.
Theo nghề đóng sách vì… không tiền mua sách
"Điều gì khiến ông gắn bó với nghề này lâu như vậy? - Phóng viên hỏi.
"Tôi không có tiền mua sách, cũng đâu có ai cho mượn đọc, cái nghề này giúp mình đọc sách mỗi ngày mà không tốn tiền" ông cười và nói.
Ông từng mê tập san Sử Địa, tập san Văn, và cuốn Thi Nhân Việt Nam. Những cuốn sách này giờ đây được "săn" mỏi mắt trong làng sách cũ, giá cả có khi đội lên hàng triệu đồng. Nhờ làm nghề đóng sách cũ ông thỉnh thoảng được chạm vào những đầu sách hiếm đó, đọc lại những tri thức về địa lý, lịch sử và văn học được viết chỉn chu ngày xưa.
Ông Rạng thích nhất chủ đề về lịch sử và địa lí. "Vài ngày trước, tôi nhận đóng cuốn Chín chúa Nguyễn 13 Vua, hay lắm", ông thích thú khoe.
Từ 8 giờ sáng ông Rạng có mặt tại bàn làm việc đến 16 giờ ông đóng cửa tiệm. Cả ngày phải ngồi yên một chỗ, sau giờ làm, ông Rạng thường lấy chiếc xe đạp của mình, đạp vòng quanh các con phố ở quận 3. "Cứ đến chiều tôi lại thích đi vòng vòng chơi, thỉnh thoảng đi vào những con hẻm chưa biết để khám phá và ngắm cảnh".
Ông thường ghé vào những quán ăn ruột của mình, sau đó ngồi uống vài lon bia, rồi về nhà ngủ. "Một ngày trôi qua thế thôi, cuộc sống độc thân cho mình nhiều thời gian, muốn làm gì thì làm. Nhưng đổi lại thì mình lại không có bạn bè, đi đâu cũng một mình".
Ông Rạng thỉnh thoảng gặp các bạn trẻ yêu thích công việc sửa sách cũ để truyền đạt những thao tác cơ bản của công việc này. "Mong mỏi lớn nhất của tôi là người trong nhà sẽ nối nghiệp, nhưng con cháu trong nhà không ai thích", ông chia sẻ.
Nghề phục hồi sách cũ đòi hỏi người đóng sách yêu sách và quý sách. Do máy móc đã không còn nữa, các công đoạn gồm tháo, dán, may, cắt và làm bìa sách ông Rạng đều phải làm thủ công. Công đoạn quan trọng nhất trong phục hồi sách là tháo sách. Giấy sách lâu năm rất dễ bị tổn thương, nếu người thợ không cẩn thận sẽ làm giấy bị nát, sách bung ra, từng trang gãy nát.
Ngoài ra, mỗi cuốn sách cũ đều có những "căn bệnh" khác nhau, có quyển bị mối ăn sâu vào tận nội dung, có quyển bị ẩm mốc đổi màu, quyển thì bị xiết chặt bằng đinh đóng cũ loang gỉ sét ra. Do đó, người sửa phải có kinh nghiệm và linh hoạt trong cách xử lý tình trạng từng cuốn sách, để được kết quả tốt nhất.
"Tôi không cần phải hấp tấp, tà tà rồi cũng sẽ tới nơi. Cái quan trọng là mình thấy đủ với cuộc sống của bản thân. Một cuộc sống bình thản, vui vẻ, ngày qua ngày", ông vừa nói vừa thưởng thức nốt ly bia trên bàn.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/nguoi-sua-sach-cu-cuoi-cung-o-sai-gon-20230409183056671.htm