Ở tuổi 75, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Hồ Thị Đơm vẫn còn minh mẫn. Ký ức về những trận chiến ác liệt nhưng đầy chiến công của quân và dân ta được bà kể rõ mồn một. Đặc biệt, trận đánh đồi A Bia (“đồi thịt băm”, “đồi xay thịt”, “núi bi ai”) thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân đội Mỹ.
Nữ anh hùng
Con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi từ TP. Huế quanh co qua nhiều đồi núi với gần 70km lên huyện miền núi, biên giới A Lưới. Năm xưa, đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất ở miền Trung. Nghe tên các địa danh: sân bay A So (A Sầu), suối “máu”, “đồi thịt băm”... cũng đủ nói lên sự khốc liệt của chiến tranh.
Và đi ra từ những địa danh ấy, có những con người trở thành “bức tượng đài” cách mạng trong lòng quân và dân ta, vinh quang trở thành anh hùng. Toàn huyện A Lưới có 8 AHLLVTND thời chống Mỹ, nên người dân quen gọi đây là quê hương của các anh hùng. Bà Hồ Thị Đơm (tên thường gọi là Kăn Đơm, SN 1940, trú xã A Ngo) là người dân tộc Pa Kô.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hồng Hạ, Kăn Đơm cũng như bao đứa trẻ khác ở A Lưới phải sống trong vùng bom đạn, khói lửa, chết chóc... Thời niên thiếu, Kăn Đơm làm liên lạc cho bộ đội. Năm 19 tuổi, Kăn Đơm là du kích xã Hồng Hạ. Hai năm sau (1961), Kăn Đơm đã là Xã đội phó vừa tham gia sản xuất vừa vót chông, cài bẫy, tổ chức đánh du kích, giết giặc Mỹ.
Tháng 5/1962, Mỹ mở rộng càn quét đánh A Lưới, xây dựng các đồn bốt, lô cốt kiên cố và tổ chức nhiều đợt bắn phá, bắt bớ dân làng, bộ đội. Địch tập trung chủ yếu ở các đồn A Lưới, A So, A Co. Tại A Co, địch dựng 4 lô cốt, mỗi lô cốt từ 10 - 12 tên.
Nắm được cách sinh hoạt là vào buổi sáng, địch cho người xuống suối lấy nước, Kăn Đơm bàn với đơn vị, báo cáo cấp trên đánh giặc bằng cách đầu độc. Hàng chục chị em du kích vào rừng tìm lá ngón, đem giã nát rồi bí mật dìm xuống khu vực nơi địch lấy nước. Sau đó, rất nhiều tên trong các đồn tử vong hoặc phải cấp cứu.
Tháng 9/1961, Kăn Đơm được giao nhiệm vụ canh lính Mỹ đến phá lúa. “Mẹ ra ruộng thấy quân giặc đang di chuyển về các làng để lùng sục bộ đội nên chạy đi báo tin cho cấp trên. Khi bộ đội đang họp bàn thì mẹ liều lấy khẩu súng trường, nấp vào rừng, đợi chúng đến. Bắn một loạt đạn, mẹ thấy 4 tên Mỹ chết. Chúng tiến lại gần, mẹ chạy vào rừng. Mấy tên khác vẫn đuổi theo, mẹ bắn gục được 2 tên nữa. Sau đó, bộ đội ta tổ chức vây đánh, tiêu diệt thêm nhiều lính Mỹ”, Kăn Đơm kể.
Với sự sáng tạo và sự dũng cảm ấy, năm 1962 Kăn Đơm được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Giặc liên tục tổ chức các trận càn với quy mô lớn và phương tiện hiện đại. Đội du kích của xã Hồng Bắc vẫn kiên trì bám làng, phối hợp với bộ đội tổ chức nhiều đợt đánh tỉa, phục kích, bất ngờ khiến địch trở tay không kịp, tiêu hao nhiều lực lượng.
Cuối năm 1963, địch tiếp tục mở các cuộc càn quét, lùng sục, tìm bắt cán bộ. Chúng còn mua chuộc, lôi kéo một số người dân tộc và chia rẽ người Kinh với người miền núi.
Dưới sự chỉ đạo của Kăn Đơm, lực lượng du kích bố trí các loại chông, bẫy dọc đường. Khi một trung đội địch càn quét vào thôn Kân Sâm, Kăn Đơm phát lệnh, ta chặn đầu nổ súng đồng loạt tấn công cùng với bẫy đá, cung nỏ tiêu diệt đại bộ phận quân địch, số ít còn lại phải rút về đồn. Với thành tích đặc biệt này, Kăn Đơm được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” lần thứ hai.
Trận đánh "Đồi thịt băm"
Tên tuổi của Kăn Đơm vang dội khắp A Lưới với những trận đánh oanh liệt. Trong đó, trận đánh ở đồi A Bia (xã Hồng Bắc) là ác liệt nhất nhưng thắng lợi lớn nhất mà Kăn Đơm đã góp công lớn. Năm 1969, mặc dù chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ thất bại nặng nề nhưng tại Bình Trị Thiên, quân địch vẫn mạnh.
Mỹ tăng cường các cuộc càn quét lên A Lưới, đặc biệt ở đồi A Bia, mục đích nhằm đẩy cơ quan chỉ huy và bộ đội chủ lực của ta ra sát biên giới Việt - Lào, phá đường vận chuyển, cắt đứt nguồn tiếp tế từ Bắc vào Nam.
Bộ đội địa phương, dân quân du kích và đồng bào A Lưới phối hợp với lực lượng của Trung đoàn 6 (Phú Xuân) và Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 tổ chức đánh giặc. Ngày 3/4/1969, Kăn Đơm chỉ huy một tổ bộ đội địa phương đánh vào đồi A Bia do một đại đội lính dù Mỹ chiếm giữ (với sự yểm trợ của máy bay và pháo binh).
Tuy nhiên, đội quân của Kăn Đơm vẫn diệt 51 tên địch, thu 8 súng và nhiều đồ dùng quân sự, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng. Riêng Kăn Đơm diệt và làm 17 tên Mỹ bị thương.
Từ ngày 10 đến 20/5/1969, Mỹ tăng cường 13 tiểu đoàn tấn công lên đồi A Bia. Ta cũng tăng cường chống trả. Kết quả, cuộc hành quân của Mỹ và quân Sài Gòn bị đập tan; 1.500 tên bị tiêu diệt; thu, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Thất bại này trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân đội Mỹ. Họ gọi đồi A Bia là ““Hamburger Hill” (đồi thịt băm), “đồi xay thịt”, “núi bi ai”.
Với những chiến công vẻ vang đó, Kăn Đơm được tặng 3 Huân chương Chiến công giải phóng, một lần là Chiến sĩ Quyết thắng và một lần là Chiến sĩ diệt Mỹ cấp Ưu tú, 5 lần là Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh cùng nhiều giấy khen, bằng khen khác. Kăn Đơm đã chỉ huy và chiến đấu 316 trận, tiêu diệt và làm 335 tên địch bị thương (trong đó có 47 tên Mỹ và chư hầu, 5 sĩ quan); bắt sống 8 tên, bắn rơi 1 máy bay địch, thu 27 khẩu súng các loại.
Bà còn vận động nhân dân vót hàng vạn cây chông, đào hàng nghìn hầm chông; tuyên truyền, vận động lính địch 167 lần; cùng gia đình nuôi gần 200 cán bộ, bộ đội. Bà đã vận động nhân dân đào hàng ngàn mét đường hầm, tham gia rải truyền đơn... Ngày 20-12-1994, Hồ Thị Đơm vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Giản dị giữa đời thường
Hòa bình lập lại, Kăn Đơm xuất ngũ, kết hôn cùng anh bộ đội Kôn Xiên trú cùng địa phương rồi sinh được 9 người con. Kăn Đơm được nhân dân tín nhiệm, giữ các vị trí lãnh đạo, cán bộ của xã. Từ công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết quê hương, làm ăn, phát triển kinh tế đến những công việc văn hóa xã hội, phong tục tập quán... ở làng, xã, Kăn Đơm đều tham gia tích cực, đóng góp công sức lớn. Xã A Ngo đang đổi thay, phát triển.
Đồng bào các dân tộc thiểu số đã dần thoát nghèo, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Toàn bộ trẻ em đều được đến trường. Đời sống văn hóa tinh thần càng lành mạnh, được nâng cao... Có được những thành quả ấy là nhờ công lao không nhỏ của nữ Anh hùng Kăn Đơm..
Hỏi ước nguyện cuối đời, Kăn Đơm chỉ mong các con, cháu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quê hương đổi thay, giàu đẹp.
Chia tay, rời nhà Kăn Đơm, một cán bộ UBND huyện A Lưới đi cùng chúng tôi nói: “Tính cách của Kăn Đơm là rứa đó. Cả đời chỉ lo cho dân, cho nước, cho quê hương, ít khi nghĩ cho mình. Trước kia mẹ dốc toàn sức, toàn lực, hết mình với cách mạng. Sau giải phóng, mẹ bắt tay vào xây dựng, kiến thiết quê hương, đóng góp nhiều công sức. Lúc về già, mẹ cũng hay đau ốm, đang sống nhờ trong nhà của đứa con trai”.