Lấy tiền bán sắt vụn kinh doanh bán lẻ ma túy
Buổi sáng giữa tháng 10, bị cáo Nguyễn Thị Phương (67 tuổi, trú tại huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An) khập khiễng bước vào phòng xử án. Mái tóc điểm bạc, bà Phương nhăn nhó đặt thân hình nặng nề xuống ghế. Nhiều năm nay, người phụ nữ này phải sống chung với căn bệnh xương khớp và di chứng của một vụ tai nạn giao thông khá nghiêm trọng.
Đây là lần thứ 4, bị cáo Phương “hầu tòa”, cùng về một tội danh liên quan đến ma túy. Khác với đa số bị cáo khác thường vi phạm pháp luật khi tuổi còn trẻ, do bồng bột thì cuộc đời của bà Phương bắt đầu dính vào pháp luật khi đã gần 50 tuổi. Đó là năm 2002, Nguyễn Thị Phương bị tòa tuyên án 8 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Sau một năm ra tù, người phụ nữ này tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của bản thân và lĩnh mức án 5 năm tù. Bảng “thành tích” bất hảo của bà Phương tiếp tục kéo dài thêm khi vào năm 2011, đối tượng này bị tòa tuyên phạt 9 năm tù cũng vì tội gieo rắc “cái chết trắng”.
Năm 2019, bà Phương trả xong bản án thứ 3 khi đã vượt qua ngưỡng 60 tuổi với bệnh tật đầy mình. Không việc làm, không kế sinh nhai, con cái có gia đình riêng, bà kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu. Hôm nào thuận lợi, số phế liệu nhặt được cũng giúp bà đắp đổi ngày 3 bữa cơm. Nhưng người đàn bà đã nhiều lần xộ khám không bằng lòng với cuộc sống giản tiện ở tuổi xế chiều.
Tháng 5/2023, biết “lịch sử tù tội” của bà Phương, một người đàn ông dân tộc Mông đã “gạ” bà lấy số hồng phiến kém chất lượng với mức giá hết sức hữu nghị. Túng làm liều, bà Phương một lần nữa tặc lưỡi đưa chân vào con đường tội lỗi. 7 gói ma túy giá 3,5 triệu đồng, bà Phương trả trước 1 triệu đồng, số còn lại xin khất nợ.
Ngày 15/5, bà Phương đi xe khách đến huyện Diễn Châu, tới địa điểm giao hàng đã hẹn khách thì bị công an phát hiện. Người phụ nữ gần 70 tuổi bị bắt quả tang cùng 5 gói ma túy trên tay.
Trong quá trình làm thủ tục nhập trại giam, công an phát hiện thêm một túi ma túy bà Phương giấu trong áo ngực. 1 gói ma túy không còn nguyên cũng được phát hiện tại nhà riêng của người phụ nữ này. Cơ quan chức năng xác định tổng số ma túy mà Nguyễn Thị Phương phải chịu trách nhiệm hình sự là 116g.
Lần thứ 4 đi tù
Do sức khỏe yếu, chân đau nên quá trình xét xử bị cáo nhiều lần được tòa cho phép ngồi để trả lời các câu hỏi. Nữ bị cáo đưa ra một số lý do để biện minh cho hành vi phạm tội của mình rằng: vì chồng mất, các con đã có cuộc sống riêng, hoàn cảnh khó khăn. “Để kiếm sống, bị cáo làm nghề thu mua sắt vụn về bán. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu nên bị cáo không đi xa được mà quanh quẩn gần nhà nên thu nhập thấp”, bị cáo khai.
“Vậy số tiền mà bị cáo dùng để mua ma túy từ đâu?”, trước câu hỏi của vị thẩm phán, bị cáo trả lời “bị cáo lấy tiền bán sắt vụn”. Rồi Phương trình bày thêm, bị cáo đau bệnh quanh năm nên khi được người Mông nói có lô ma túy kém chất lượng bán rẻ, bị cáo đã mua để bán kiếm ít lời. Về gói ma túy mà cơ quan công an phát hiện ở nhà riêng, bị cáo khai: “đã lấy mấy viên ma túy trong gói này để uống giảm đau”.
Sau khi nghe đại diện Viện Kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án 20 năm tù, nữ bị cáo tỏ ra hốt hoảng, chắp tay mặc cả: “Bị cáo già rồi, bệnh tật đầy người... 20 năm tù nặng quá, xin Viện kiểm sát và Tòa cho bị cáo 15 năm tù thôi”.
Thẩm phán chủ tọa nghiêm khắc nhắc nhở bị cáo: “Bị cáo đã 3 lần đi tù về tội ma túy, nhưng không lấy đó làm bài học, vẫn tiếp tục phạm tội. Bản thân bị cáo đã lên chức bà rồi nhưng không làm gương cho con cháu, lại xem thường pháp luật. Không thể viện lý do già cả, bệnh tật để biện minh cho hành vi phạm tội của mình được”. Nghe chủ tọa phiên tòa nói, bị cáo Phương cúi đầu im lặng.
Tòa vào nghị án, bị cáo nhìn xuống phía dưới mong ngóng người thân. Một lát sau, hai người con đi vào, cố nói chuyện với mẹ qua mấy hàng ghế. Trong khi hai con gái khóc đỏ mắt, bị cáo vẫn khá bình tĩnh. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của 3 mẹ con gián đoạn khi Hội đồng xét xử vào tiếp tục làm việc.
Xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Phương 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Nhận bản án, nữ bị cáo không thể hiện cảm xúc, lẳng lặng đưa tay vào còng rồi lầm lũi theo cảnh sát dẫn giải ra xe về trại giam.
Ở cái tuổi xế chiều, bệnh tật đầy mình, liệu người phụ nữ này còn có cơ hội trở về làm lại cuộc đời?