Cầm cự, chờ giá tăng
Sau một thời gian dài giá lợn hơi xuống đáy (năm 2017), người chăn nuôi điêu đứng, giá lợn hơi đã tăng trở lại, đặc biệt là thời điểm gần Tết. Tại các tỉnh, thành phố miền Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình… giá lợn hơi dao động khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg. Tại một số địa phương giáp biên với Trung Quốc như Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng… giá lợn từ 35.000 đồng đến 37.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Đỗ Quốc Gia, chủ trang trại nuôi lợn ở Văn Giang (Hưng Yên) - vựa chăn nuôi lợn thịt lớn tại miền Bắc cho biết, giá lợn hơi có xu hướng nhích lên và hiện khoảng 34.000-35.000 đồng/kg trong vài tuần qua. Mức giá trên, nếu người nuôi có nghề, kiểm soát được dịch bệnh, hao hụt mới có lãi; còn để xảy ra dịch bệnh, lợn chết nhiều, vẫn lỗ như thường.
Tuy nhiên, theo anh Gia, do một thời gian dài người nuôi điêu đứng, nhiều trại treo chuồng, số lợn nái giảm mạnh đã ảnh hưởng đến nguồn cung. Ngay tại khu vực Văn Giang, nhiều chủ trang trại bán sạch đất ở vẫn chưa trả hết nợ ngân hàng. Hiện xuất khẩu lợn hơi đi Trung Quốc qua tiểu ngạch cũng nhỏ giọt và nguy cơ dịp Tết sắp tới, có thể không còn lợn hơi để bán.
“Các thương lái đang dồn về Văn Giang bắt lợn, trong khi nguồn cung ở vùng khác cũng vãn rồi. Từ nay đến Tết và sau Tết, giá lợn chỉ đứng hoặc tăng lên, rất khó giảm. Trang trại tôi có trên 600 con, thấy giá đang lên, nên tôi giữ lại bán vào Tết”- anh Gia nói.
Theo nhiều chủ trang trại, đợt khủng hoảng đã “thổi bay” khoảng 2 triệu đồng/con lợn hơi của người nuôi. Do vậy, với mức giá hiện nay, người nuôi thạo nghề đến mấy cũng chỉ lãi 200.000-300.000 đồng/con, chưa kéo được phần lỗ năm ngoái.
Anh Dương Phương Nam, chủ trang trại lợn nái ở trấn Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết, hiện giá lợn giống ở mức 500.000-650.000 đồng/con, trong khi phải đạt 700.000 đồng/con mới có lãi. Gia đình anh phải giảm gần một nửa đàn nái so với trước đây, dù thua lỗ nhưng vẫn bám nghề, chờ cơ hội. “Lúc này, nếu dừng lại là chết, chuồng trại đầu tư sẽ bị hư hỏng. Vì thế, nếu tôi vẫn quyết bám trụ, với hi vọng còn cầm cự là còn cơ hội gỡ gạc” - anh Nam nói.
Tuy nhiên, một chủ trang trại ở Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) nhận định: “Nếu gần Tết, Trung Quốc mở biên để nhập lợn hơi cho dân của họ ăn Tết, với mức giá cao đột biến, lúc đó, thậm chí dân mình còn không có thịt mà ăn. Thấy giá ngất ngưởng, dân mình đua nhau vào đàn, gây xáo trộn sản xuất”.
Lo bình ổn giá
Tại vựa heo phía Nam, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá heo hơi đang ổn định ở mức thấp 29.000-32.000 đồng/kg. Ở mức giá này, người nuôi nhỏ lẻ chỉ có lỗ, vì giá thành đã 35.000-36.000 đồng/kg. Chưa kể thấy giá lợn có cải thiện, giá cám trên thị trường cũng tăng lên khoảng 5.000 đồng/bao.
Theo ông Đoán, khoảng hai tuần trước, thương lái Trung Quốc còn vào Đồng Nai đặt mua loại heo nặng 125 kg trở lên. “Tuy nhiên, loại heo này cũng hiếm, vì qua cú sốc giá vừa qua, ít người dám nuôi heo mỡ loại 130 kg trở lên. Bởi loại heo này nếu Trung Quốc không mua, cũng chẳng biết bán cho ai”- ông Đoán nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, từ khi lò giết mổ Xuyên Á- lò mổ lớn nhất TPHCM tạm dừng hoạt động, các thương lái heo phải xoay xở để tìm nơi giết mổ. Thậm chí, họ còn chạy ra các khu vực như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… để giết mổ, khiến chi phí bị đội lên cao, sau đó họ lại quay trở lại ép giá người nuôi.
Theo ông Đoán, con số cơ quan thống kê cho thấy, tổng đàn lợn ở Đồng Nai năm 2016 khoảng 1,7 triệu con và đến tháng 10/2017 là 2 triệu con. “Trước đây, giá thịt thường tăng khoảng trước Tết một tháng. Tuy nhiên, với nguồn cung đang lớn như hiện nay, sẽ không lo thiếu thịt. Vì thế, giá heo khó tăng đột biến trong dịp Tết”- ông Đoán nhận định.
Liên quan đến nguồn thực phẩm cho dịp Tết, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định, nguồn thực phẩm Tết như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, thủy sản… đang dồi dào, đáp dứng được nhu cầu của tiêu dùng dịp Tết, không sợ thiếu.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, dù nguồn thực phẩm không thiếu, nhưng giá có thể tăng lên. Việc bình ổn giá, làm sao không để giá quá cao, nhưng không nên để thấp quá, sẽ giúp chăn nuôi bền vững. Giá tăng vào dịp Tết cũng là cơ hội để người nuôi cứu vãn phần nào khoản thua lỗ năm trước.
“Dịp Tết nhu cầu thịt tăng 20-25% so với tháng bình thường. Tuy nhiên, cần thông tin đầy đủ, kịp thời và giám sát chặt để tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá cục bộ. Cùng đó, cần kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt lưu ý, sử dụng chất cấm, hóa chất công nghiệp, thuốc an thần trong chăn nuôi heo, dù đã được kiểm soát chặt trong thời gian qua, nhưng không thể lơ là, các địa phương cần tăng cường giám sát, nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn cho dịp Tết”- ông Dương nói.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn cả nước ở mức khoảng 29 triệu con, 4 triệu lợn nái vẫn ở mức cao, tạo áp lực lớn cho tiêu thụ, môi trường nên người nuôi cần hạn chế tăng đàn.
“Nếu tăng đàn lúc này có thể hướng vào bò thịt, bò sữa, gia cầm đẻ trứng, còn lại, đặc biệt là lợn cần kiểm soát giảm đàn. Chúng tôi đã định hướng, lúc nào 2,5-3 triệu con nái thì lúc đó, quy mô đó, chúng ta tăng năng suất, vẫn đảm bảo tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi