Người lao động khu vực ngoài nhà nước tham gia BHXH ngày càng nhiều

Xét theo khu vực, trong 5 năm qua (giai đoạn 2016-2021), người lao động trong khu vực nhà nước tham gia BHXH bắt buộc có xu hướng giảm theo chính sách tinh giảm biên chế, trong khi người lao động khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Mức lương hưu bình quân của người tham gia BHXH là 5 triệu đồng/người/tháng.

Trong báo cáo mới đây gửi Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH đã cung cấp thông tin liên quan thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016-2021. Bộ này cho hay, trong 5 năm qua, người tham gia BHXH bắt buộc đều tăng hàng năm (trừ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19). Cụ thể, năm 2016 có hơn 12,8 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tới cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 15 triệu người (tăng 17%); số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động cũng tăng, từ 307 nghìn đơn vị năm 2016 lên 594 nghìn đơn vị năm 2021 (tăng 93%).

Để đạt kết quả trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, một phần tới từ việc bổ sung một số nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc, như: Người làm việc theo hợp đồng từ 1-3 tháng; quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã có hưởng lương; người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Xét theo khu vực sử dụng lao động, người tham gia BHXH bắt buộc thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang có xu hướng giảm, từ 3,7 triệu người năm 2016 xuống còn 3,6 triệu người năm 2021 (tương ứng với việc tinh giảm biên chế).

Tương tự, người lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tham gia BHXH bắt buộc cũng giảm tương ứng từ hơn 1 triệu người xuống còn 880 nghìn người vào năm 2021 (giảm 17%, cũng tương thích với việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

Trong khi đó, 2 khu vực quan trọng còn lại đều tăng và chiếm đa số người tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể, người lao động khu vực ngoài quốc doanh tham gia BHXH tăng từ 3,7 triệu người năm 2016 lên 5,3 triệu người năm 2021 (tăng 48%); người lao động khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 3,7 triệu người lên 4,6 triệu người năm 2021 (tăng hơn 24%).

Ngoài ra, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2018, với số người tham gia ban đầu là hơn 37 nghìn người, đến năm 2021 là hơn 71 nghìn ngườI (tăng 91%).

Người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI chiếm đa số trong tham gia BHXH bắt buộc và ngày càng tăng. Ảnh minh hoạ.

Số thu BHXH bắt buộc và tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH trên cả nước giai đoạn 2016 - 2021 luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, tổng thu 174.500 tỷ đồng, lương bình quân đóng BHXH là 4,2 triệu đồng/người/tháng; tới năm 2021 tăng tương ứng lên 263.400 tỷ đồng và gần 5,7 triệu đồng/người/tháng. Tương ứng số thu BHXH tăng hơn 50% và số tiền lương tăng hơn 33%.

Trong đó, nhóm người lao động có tiền lương tháng bình quân đóng BHXH bắt buộc cao nhất là khối doanh nghiệp nhà nước (gần 6,6 triệu đồng/người/tháng), tiếp đến là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (6,1 triệu đồng/người/tháng); thấp nhất là khối người lao động trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh (gần 4 triệu đồng/người/tháng).

Về chi trả các chế độ BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, năm 2021, có hơn 1,1 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng, giảm khoảng 9% so với năm 2016; mức lương hưu bình quân 4,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 21% so với năm 2016); mức trợ cấp hàng tháng bình quân từ 1,1-2,4 triệu đồng/người/tháng (đều tăng so với trước).

Về chi trả từ nguồn quỹ BHXH, giai đoạn 2016 - 2021, đã có hơn 831 nghìn người được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.

Năm 2021, quỹ Hưu trí và tử tuất đảm bảo chi trả cho hơn 2,18 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (tăng 33% so với năm 2016), số tiền chi trả trong năm hơn 131 nghìn tỷ đồng (tăng 62%); Kinh phí chi trả trợ cấp một lần là hơn 39,6 nghìn tỷ đồng (tăng 214%);

Mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó mức lương hưu bình quân là 5,2 triệu đồng/tháng.

Quỹ bảo hiểm Tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp đảm bảo chi trả cho hơn 53,3 nghìn người hưởng trợ cấp hàng tháng (tăng 33% so với năm 2016), số tiền chi trả trong năm là 672 tỷ đồng.

Quỹ ốm đau, thai sản đã chi trả cho hơn 7,7 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, với số tiền chi trả hơn 25,1 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2016.