> Kỳ án vườn mít ngày càng li kỳ
> “Người hai lần bị tuyên án tử” nhận án chung thân
Vụ án đã qua hành trình gần 10 năm xét xử và Mai từng 2 lần bị tuyên án tử hình rồi vô tội, mới đây lại bị tuyên tù chung thân. Trong thời gian trên, các cơ quan tố tụng đã có những quyết định rất khác nhau, nhưng những chứng cứ thu thập được, kể cả sau khi đã điều tra bổ sung, vẫn còn nhiều nút thắt...
Nhân chứng mâu thuẫn
Theo bút lục (BL 87, 393) lời khai của nhân chứng Hằng (người dân tộc Stiêng, lúc đó mới 9 tuổi), sáng 12/11/2004, em thấy Lê Bá Mai chở nạn nhân Út đi bằng xe máy màu xanh, trên xe chở một bình xịt thuốc rầy nâu màu xanh loại 14-16 lít và một bình đựng đá màu đỏ treo ở ghi đông. Hằng đạp xe đuổi theo không kịp nên chiều về nói với mọi người trong gia đình đi tìm Út. Bút lục khác (20, 22) thể hiện, 4 ngày sau (16/11/2004), xác Út được phát hiện tại vườn mít thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân, nơi Mai làm thuê.
Mới đây (ngày 13/5), bà Nguyễn Thị Hoài Thu (người quan tâm đến vụ án từ khi đương chức Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho tới lúc nghỉ hưu) đã đến hiện trường vụ án và đặt câu hỏi: Mai phi thường cỡ nào mà đã điều khiển xe máy chở người chạy được trên con đường này vào mùa mưa, trong khi mùa khô lội bộ đã rất khó khăn? Khu vực này không có lối đi, bà Thu phải tìm mãi mới tới vườn mít, nhưng phải dừng lại không đi được tiếp do bị ngăn cách bởi những mương nước.
Lời khai của ông Điểu Ky (ba của nhân chứng Hằng) cũng mâu thuẫn. Tại bút lục 61, ông Ky mô tả dáng người chở Út đi, ông nghi là Lê Bá Mai vì trước đó ông biết Mai. Nhưng tại bút lục 59, ông Ky lại khai không biết Mai là ai.
Sai phạm tố tụng
Bút lục 44 cho biết, trong quyết định kháng nghị của Viện KSNDTC nêu rõ, việc thu giữ đồ vật, tài sản được tiến hành trước khi khởi tố vụ án và không có lệnh của người có thẩm quyền, vắng chủ nhà. Trong biên bản không ghi thu giữ thùng đựng đá màu đỏ (thu tại chòi rẫy của ông Tuân - PV) mà sau đó được ghi thêm vào với nét chữ hoàn toàn khác nhưng cơ quan công an chưa điều tra làm rõ.
Lời khai nhận tội của Mai về tư thế tử thi nằm ở hiện trường cũng mâu thuẫn. Tại phiên phúc thẩm ngày 19/6/2012, HĐXX hỏi: “Bị cáo không có mặt, tại sao biết được tất cả những tình tiết chính xác như có mặt tại hiện trường?”. Mai khai, do cán bộ điều tra đọc cho viết.
Một tình tiết quan trọng nữa từng được các luật sư trưng ra tại toà: Ngày 16/11/2004, ông Trần Văn Hùng thực hiện giám định tử thi nhưng sau đó hơn 3 năm (ngày 12/3/2008) ông Hùng mới được bổ nhiệm giám định viên pháp y. Vậy, những kết luận của ông Hùng trong biên bản giám định tử thi liệu có giá trị pháp lý?
Đừng tái lập “Huỳnh Văn Nam” thứ hai
Tiến sĩ Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, phát biểu với báo chí, vụ án Lê Bá Mai khiến ông nhớ tới vụ án Huỳnh Văn Nam (Đồng Nai) trước đây. Vụ án diễn ra năm 1992 nhưng đến năm 2002 khi tiến hành giám sát, Ủy ban Pháp luật mới phát hiện sự việc khi anh Nam liên tục có đơn kêu oan, khẳng định không giết người, cướp của.
Tôi đã nghiên cứu khá kỹ vụ việc của Lê Bá Mai và thấy rằng nếu không làm công tâm, hết mình thì các cấp xét xử sẽ lặp lại một trường hợp Huỳnh Văn Nam thứ hai.
Tiến sĩ Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội
“Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ việc và thấy có rất nhiều chứng cứ cho thấy không thể khẳng định anh Nam giết người. Khi chúng tôi báo cáo sự việc ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tất cả đều thấy rằng bản án cần xem xét lại, có dấu hiệu bị kết án oan và có thể trình để Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động xét xử của TANDTC, thậm chí của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, sau đó nhiều ý kiến không đồng tình với việc này. Đúng lúc ấy, anh Nam được đưa tới bệnh xá điều trị bệnh và chết khi chưa được giải oan. Tôi đã nghiên cứu khá kỹ vụ việc của Lê Bá Mai và thấy rằng nếu không làm công tâm, hết mình thì các cấp xét xử sẽ lặp lại một trường hợp Huỳnh Văn Nam thứ hai. Chúng ta đều biết rằng trong phòng biệt giam của tử tù nặng nề lắm, có người biệt giam ở đó dù chỉ 1 năm thôi cũng đã có thể chết vì bệnh rồi” - TS Khiển nói.
Luật sư Huỳnh Thế Tân, người bào chữa cho Lê Bá Mai nói, trong phiên phúc thẩm này (20/5), ông đề nghị tòa triệu tập thêm một số người thuộc cơ quan tố tụng Bình Phước, trong đó có ông Nguyễn Hữu Huấn (điều tra viên Công an tỉnh), ông Nguyễn Quốc Hân (kiểm sát viên Viện KSND tỉnh).
Luật sư Tân cũng đề nghị Toà mời ông Dương Bá Tuân, chủ trang trại nơi xảy ra vụ án, ra toà với tư cách nhân chứng, bởi ông Tuân là người biết nhiều thông tin và viết đơn xin được làm nhân chứng từ trước đây rất lâu.
Diễn biến vụ án
Lê Bá Mai bị bắt giam ngày 17/11/2004. Sau khi bị tòa án 2 cấp tuyên tử hình vào năm 2005, Mai gửi đơn kêu oan đến Chánh án TANDTC. Ngày 6/12/2005, TANDTC thông báo không có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm.
|
Bị cáo Lê Bá Mai. Ảnh: Hữu Vinh. |
Gia đình Mai liên tục làm đơn kêu cứu đến các cấp T.Ư cùng sự vào cuộc của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Đến 12/12/2006, Viện KSNDTC kháng nghị vụ án; ngày 5/2/2007 TANDTC hủy 2 bản án, yêu cầu điều tra lại. Ngày 24/5/2011, TAND tỉnh Bình Phước tuyên Lê Bá Mai không phạm tội, trả tự do tại tòa.
Tuy nhiên, tháng 6/2011, Viện KSND tỉnh Bình Phước lại có kháng nghị xử Mai theo hướng có tội. Chiều 18/5/2012, Lê Bá Mai bị bắt giam lại theo lệnh của Tòa Phúc thẩm TANDTC.
Ngày 19/6/2012, Tòa Phúc thẩm TANDTC tuyên hủy bản án tuyên Mai vô tội, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu. Từ ngày 3 đến 5/1/2013, TAND tỉnh Bình Phước lại đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Lê Bá Mai tù chung thân. Bản án này tiếp tục bị Viện KSND tỉnh Bình Phước kháng nghị theo hướng tử hình.