Buồng lái mô phỏng A320/321 (phòng SIM) được một học viện đào tạo hàng không tại Hà Nội thiết kế năm 2021 nhằm phục vụ các phi công ôn luyện.
Ông Trịnh Hoài Linh (bên trái), Phó Giám đốc học viện, cho biết cơ sở bắt đầu mở rộng phục vụ khách hàng là người chưa có kiến thức về hàng không từ giữa năm 2022.
"Chúng tôi mong muốn khơi dậy niềm đam mê sải cánh trên bầu trời cho người trẻ, chắp cánh cho người có mơ ước làm phi công", ông Linh nói.
Từng chi tiết trong buồng lái mô phỏng được dựng lại với tỷ lệ 1:1 (giống gần 80% so với máy bay thật) nhằm mang đến trải nghiệm chân thật nhất.
Các hiệu ứng mang đến cảm giác sống động và thực tế "như đang trên bầu trời".
Các thiết bị phụ trợ khác giúp tái hiện cảm giác ngồi trên máy bay thật, như: rung lắc, chóng mặt, cất/hạ cánh...
Khách đến phòng SIM từ 6 đến 45 tuổi, chia làm 3 nhóm chính: Phi công, học viên cần rèn luyện kỹ năng bay; người trẻ đam mê máy bay, hiểu sơ qua về cách vận hành, muốn đến trải nghiệm; và người đến tham quan, chụp ảnh kỷ niệm.
Sau hơn một năm vận hành, phòng SIM này đón hơn 100 khách, nhu cầu đăng ký tăng vọt khoảng một tháng gần đây, đã kín lịch đến hết tháng 11.
"Mỗi ngày chúng tôi chỉ đón tiếp tối đa 10 lượt khách, mỗi lần trải nghiệm kéo dài 60 phút với giá 50USD/giờ (khoảng 1,2 triệu đồng)", ông Linh nói.
Khách được trải qua quy trình 5 bước gồm: Nghe người điều phối giới thiệu về phòng SIM, chức năng các nút trên bảng điều khiển; hướng dẫn cách khởi động máy, di chuyển trên đường băng và cất cánh; nắm thao tác điều chỉnh vận tốc và định hướng bay thông qua màn hình; xử lý các tình huống khẩn cấp như hỏng động cơ, bay vào vùng thời tiết xấu, kỹ năng đáp xuống nước đột ngột; và cuối cùng là hạ cánh và đỗ đúng vị trí quy định.
Chị Trần Huyền (37 tuổi, quận Hà Đông) cảm thấy "choáng ngợp" khi buồng lái mô phỏng trông hiện đại, đầy đủ các thiết bị, nút bấm, bảng điều khiển giống hệt máy bay thật.
"Trải nghiệm rất chân thực, không đơn giản như xem qua các bộ phim. Bạn sẽ có cảm giác lơ lửng, chóng mặt hay đau đầu như đi máy bay thật", chị nói.
Lần đầu tham quan buồng lái mô phỏng, chị Minh Ánh (34 tuổi, quận Nam Từ Liêm) nói "không thể nhớ hết" từng chức năng của bảng điều khiển hay hướng dẫn cách xem đường bay.
"Tôi có cảm giác... say máy bay. Thời gian tới, nếu có cơ hội, tôi sẽ quay lại tiếp tục trải nghiệm, bởi 60 phút bay là không đủ", nữ giảng viên chia sẻ.
Sau lần trải nghiệm đầu tiên, chị Đặng Hường (quận Thanh Xuân) đưa hai con 8 và 15 tuổi đến thử sức làm phi công.
Nhiều người cho rằng mức phí 50USD/giờ là cao, nhưng chị Hường nhận định "rất đáng thử", khi người lớn được tham quan mô hình bay sát thực tế, hai con nhỏ có cơ hội học tập, nuôi dưỡng ước mơ trở thành phi công.