Taxi giảm, vận tải hàng hoá giữ giá
Tại Bến xe Gia Lâm (phía Bắc Hà Nội), DN vận tải Hải Âu mỗi ngày có khoảng 100 chuyến xe chạy tuyến Thái Bình, Hải Phòng. Đợt tăng giá xăng dịp 20-4 (dầu tăng 500 đồng/lít), chỉ sau vài ngày, hãng vận tải này đã tăng giá ngay. Theo đó, tuyến Hà Nội - Thủy Nguyên (Hải Phòng) tăng thêm 5 nghìn đồng thành 70 nghìn đồng.
Nay xăng dầu đã hai lần giảm giá, dầu giảm tổng cộng 1.100 đồng/lít, xăng giảm tổng cộng 1.400 đồng/lít, nhưng vì sao cước vận tải chưa giảm?
Trả lời câu hỏi này, một nhân viên điều hành DN vận tải Hải Âu (tại Bến xe Gia Lâm) nói: “Do sếp em định đoạt”.
Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Như Trúc cho biết: “Tôi cũng hỏi giám đốc DN Hải Âu, nhưng họ nói đợt trước 2 lần tăng giá nhiên liệu họ mới tăng 1 lần cước.
Mức giảm giá xăng, dầu lần này không đủ để họ giảm giá cước vận tải. Tôi đã nói với DN này nên rà soát lại để giảm giá cho bà con, vì xe của anh có thương hiệu và có nhiều khách hàng thân thuộc”.
Cũng theo ông Trúc, tại bến xe này có 70 DN vận tải, nhưng đợt tăng giá cước vừa rồi có khoảng 4-5 đơn vị thực hiện. Có những DN vừa tăng vừa giảm như Kanglong, tuyến đi Móng Cái (Quảng Ninh) giảm.
Đa số hãng xe tăng giá cước đều là chất lượng cao, có mức đầu tư lớn. Ngay trong một bến xe (Gia Lâm), chạy cũng tuyến Hà Nội-Vĩnh Bảo, xe khách của Hợp tác xã Quang Vinh “2 năm nay vẫn giữ giá 50 nghìn đồng/lượt”, phụ xe Khổng Hữu Thắng (HTX Quang Vinh) cho biết.
Chiều 19-6, tài xế taxi 1324 (Taxi Group-Hà Nội), cho biết: “Hãng vừa giảm 400 đồng/km, giảm nhiều hơn mức tăng trước đó 100 đồng/km”.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết: Hiệp hội đã có văn bản khuyến cáo các DN vận tải rằng giá nhiên liệu đã giảm và hiện nhiều DN taxi đang tính toán giảm giá.
Theo đó, Taxi Mai Linh giảm từ 200 đến 1 nghìn đồng/km tuỳ loại xe. Nhiều DN taxi tại Đà Nẵng giảm 500 đồng/km. Trong tháng 6 này, các hãng taxi sẽ lần lượt giảm giá cước theo.
Lý giải về việc giá nhiên liệu giảm, nhưng giá cước vận tải hàng hoá chưa giảm theo, ông Hùng nói: “Dầu diesel qua 2 đợt tăng, nhưng nhiều DN vận tải chưa tăng, đến khi xăng dầu tăng giá lần thứ 3 họ mới tăng. Lần này giảm chưa đủ để giảm cước. Hiệp hội vận tải Ô tô VN đã có văn bản nhắc nhở nên giảm cước vì những DN này có tác động lớn tới xã hội, cụ thể tới nhiều loại hàng hoá khác”.
Lương thực, thực phẩm giảm mạnh
Những ngày qua, giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh. Cụ thể, mỗi cân thịt lợn có giá từ 90.000 đồng đến 125.000 đồng, tương ứng với thịt ba chỉ, mông sấn hay nạc thăn.
Mức giá trên đã hạ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá thịt gà công nghiệp khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg. Duy chỉ có thịt bò vẫn giữ ở ngưỡng 180.000 - 230.000 đồng, tùy loại.
Anh Văn Ngọc - nhân viên quầy hàng thịt lợn tại siêu thị Bic C The Garden (Mễ Trì, Hà Nội), cho biết: “Dù giá thịt lợn giảm 10-20% so với tháng trước nhưng sức mua vẫn giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, người dân chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn...”.
Tại chợ cóc Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), nhiều quầy thịt ế ẩm vì không có khách mua.
Chị Thu Nga - buôn bán ở chợ cho biết: “Thịt lợn giảm từng ngày, thịt ba chỉ xuống dưới 90.000 đồng/kg mà không có khách mua. Trước một ngày tôi bán 2 con lợn móc hàm bây giờ bán từ sáng tới chiều muộn cũng không hết một con”.
Còn với mặt hàng gạo thì nhiều bà nội trợ vui mừng khi mỗi cân gạo giảm từ 2 - 4 giá so với tháng trước. Tại siêu thị Fivimart, giá gạo tám thơm trước: 15.000 đồng/cân nay còn: 11.000 đồng/cân; gạo Bắc Hương giảm 2.000 đồng/cân còn 13.000 đồng/cân; gạo Tám Thái giảm 4.000 đồng/cân còn: 17.000 đồng/cân...
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết: “Giá gạo giảm mạnh tại siêu thị do nguồn cung tăng vì đang vào mùa thu hoạch, trong khi lượng gạo xuất khẩu giảm”.
Riêng với mặt hàng rau xanh, tại siêu thị Big C, The Garden vẫn đứng giá: rau muống 4.000 đồng/mớ; cải ngọt 14.900 đồng/cân; bắp cải trắng 12.700 đồng/cân, ngồng cải 20.300 đồng/cân, rau lang 5.000 đồng/cân... Mức giá này chỉ nhỉnh hơn chút ít so với chợ cóc.