Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) đề xuất UBND TP.HCM xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ hạn chế nuôi một số giống chó to, bản tính hung dữ. Đồng thời, người nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương để quản lý, tiêm phòng.
Trước đề xuất trên, nhiều người dân tại TP.HCM hoàn toàn ủng hộ. Họ cho biết nhiều năm nay đã quá mệt mỏi vì ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… do các loài thú này gây ra.
Khách chạy khỏi quán vì mùi… phân chó
15h ngày 25/3, 8 vị khách đi trên 4 xe máy ghé quán ăn của bà Huỳnh Thị Kim Vân (62 tuổi) ở số 172 Hoàng Diệu, phường 9 (quận 4) gọi 8 tô cháo mực.
Vừa ngồi xuống bàn chừng 2 phút, các vị khách liền yêu cầu bà Vân ngưng làm thức ăn. Họ xin phép rời đi vì không chịu nổi mùi phân chó bốc ra nồng nặc từ căn nhà số 190 Hoàng Diệu, cách quán bà Vân chừng 30m.
Đang múc dở 2 tô cháo, bà Vân đành đổ lại nồi trong tiếng thở dài bất lực. Nhiều năm bán quán ăn tại đây, bà không nhớ hết bao nhiêu vị khách đến quán gọi món, chưa kịp ăn phải đứng dậy rời đi hoặc gói mang về.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Vân cho biết 8 người vào ngồi yên vị trong quán rồi đứng dậy rời đi vì hôi quá. "Bạn nhìn xem, hộ nuôi chó này có tàn nhẫn với tôi không", bà Vân bày tỏ sự bất lực với phóng viên.
Cách nay mấy hôm, bà Vân đến UBND phường 9 (quận 4) họp, có lãnh đạo cấp quận tham dự nhưng theo bà, kết cuộc không đưa ra được phương án xử lý hộ nuôi hơn 100 con chó này.
"Căn nhà rộng 3m, dài 7m mà nuôi hơn 100 con chó, thử hỏi có ô nhiễm không? Người dân nơi đây quá bức xúc, kiến nghị lên chính quyền địa phương mấy năm nay nhưng không ai làm gì được. Cái này không phải là nuôi mà là hành hạ súc vật. Người ta nuôi 5 con đã thấy mệt rồi mà đằng này nuôi hơn 100 con. Tiếng chó sủa, phân chó nồng nặc không ai chịu nổi", bà Vân chia sẻ.
Theo bà Vân, nuôi chó không ai cấm, nhưng làm sao đừng để ảnh hưởng khu dân cư. Bà thuê mặt bằng mỗi tháng 5 triệu đồng, khách mua đem đi chứ không ai ngồi ăn vì hôi thối. Người dân sống cách hộ nuôi chó này trong bán kính 200m không buôn bán gì được vì ô nhiễm.
"Tôi nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM ra kế hoạch quản lý chó mèo nuôi trong khu dân cư mà mừng quá. Hy vọng cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý dứt điểm hộ dân này để tránh việc hàng trăm con chó gây ô nhiễm khu dân cư", bà Vân mong mỏi.
Nuôi thú phải có trách nhiệm
Khi biết Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đề xuất UBND TP xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Tuấn (50 tuổi, ngụ đường Hoàng Diệu, quận 4) cho biết, người dân từ lâu đã muốn cơ quan chức năng thực hiện việc này.
Theo ông Tuấn, hiện TPHCM có rất nhiều người nuôi chó nhưng không phải ai cũng có ý thức. Nhiều người nuôi chó mèo gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh rất nhiều. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa có chính sách kiểm soát chặt chẽ tình trạng nuôi chó mèo ảnh hưởng khu dân cư.
Người đàn ông này cho rằng, cơ quan Nhà nước đưa quy định trên vào thực hiện cần có chế tài cụ thể. Nuôi chó gây ô nhiễm, không tiêm phòng dại thì người chủ phải bị xử phạt. "Quận 4 có rất nhiều chó chạy rông nhưng tôi chưa thấy ai đi tuần tra, bắt bao giờ. Cứ đến 19h mỗi ngày, đường Hoàng Diệu có nhiều người dắt chó đi dạo, phóng uế trên đường. Con vật cũng không được rọ mõm", ông Tuấn nói.
Ông Đặng Văn Hạnh (68 tuổi, ngụ phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) vẫn chưa hết ám ảnh mỗi khi nhìn xuống bắp chân còn in vết sẹo do chó cắn cách nay hơn 5 năm.
Ông Hạnh cho biết một lần đến nhà người quen chơi, ông bất ngờ bị con chó lao đến cắn vào chân rách ống quần, chảy máu. Ông phải đến bệnh viện tiêm phòng bệnh dại vào ngày hôm sau.
"Con chó này trước đó không dữ. Tôi đến chơi đúng dịp nó vừa đẻ con. Chắc con vật sợ bắt con nên thấy người lạ lao đến cắn", người đàn ông nói.
Theo ông Hạnh, nuôi mèo thả rông rất ảnh hưởng đến khu dân cư. Nhà nuôi 1-2 con mèo để bắt chuột cũng tốt, nhưng khu phố ông ở ngay quận 1 có rất nhiều mèo hoang.
"Đêm xuống, đàn mèo gào thét rất ồn ào ảnh hưởng giấc ngủ bà con. Ban ngày chúng trốn đi đâu hết. Bà con để rác trước nhà, nhân viên vệ sinh chưa kịp lấy thì bị mèo cắn xé. Chó đi vệ sinh khắp con hẻm, bà con cũng khá hoang mang vì sợ chúng cắn, mà khi bị chó cắn, ai cũng phải tiêm ngừa cho chắc ăn chứ không dám chủ quan", ông Hạnh nói.
Ông Hạnh hoàn toàn ủng hộ chủ trương người nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương để gắn chip, kiểm soát tiêm ngừa. Người đàn ông cho biết làm như vậy, mọi người sẽ yên tâm hơn nếu không may bị con vật tấn công.
Quy định mới giúp người nuôi thú cưng ý thức, không thả rông. Dẫn chó đi dạo phải rọ mõm, gắn dây xích. Con vật phóng uế, chủ phải vệ sinh. Được như vậy người dân rất vui, an tâm hơn khi ra đường. Nếu chủ không chấp hành, họ phải chịu xử phạt theo quy định.
"Lâu nay tôi bắt gặp nhiều chó, mèo thả rông trong khu phố nhưng chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra, phạt ai bao giờ. Hy vọng lần này cơ quan chức năng thực hiện nghiêm để chủ các thú cưng có trách nhiệm trong việc nuôi", ông Hạnh nói.
Ám ảnh đi chung thang máy với thú cưng
Không chỉ người dân sống trong các khu dân cư bị ảnh hưởng bởi vấn nạn chó thả rông phóng uế bừa bãi, mà những cư dân sống trong các tòa chung cư cao cấp cũng chịu cảnh tương tự.
Chị Diệp Lan (30 tuổi) ngụ chung cư Saigon Riverside trên đường Đào Trí, phường Phú Thuận (quận 7) chia sẻ, nơi ở của chị được xem là chung cư hiện đại.
Thang máy chia hai khu riêng biệt dành cho khách và vận chuyển hàng. Quy định tại đây, cư dân dắt chó, mang theo thú cưng chỉ được dùng thang máy vận chuyển hàng.
Quy định là thế nhưng theo chị Lan, hiếm cư dân nào chấp hành. Thỉnh thoảng, chị phát hiện một số cư dân thản nhiên dắt chó, bồng mèo vào thang máy dành cho khách lên xuống các tầng, dù có bảng nội quy cho mọi người ngay cửa thang.
"Có những con chó rất hôi hám vì lâu ngày không được tắm, đổ lông. Thang máy là buồng kín trong không gian hẹp, những người bị dị ứng lông thú khi đi chung với các con vật này khiến họ khó chịu", chị Lan nói.
Theo người phụ nữ, không ít lần đi thang máy, chị bắt gặp hình ảnh nước tiểu và phân chó trong thang máy, hành lang chung cư nhưng không thấy ai dọn. Khi cư dân báo lên ban quản trị, lao công mới đến hốt, lau chùi.
Nhiều người muốn chó, mèo phát triển tốt, mượt lông, cho con vật ăn thịt tươi sống. Thành thử, mỗi khi con vật đi vệ sinh bậy ngoài hành lang, mùi hôi bốc lên thật kinh khủng. Chứng kiến thú cưng của mình đi vệ sinh bậy nhưng một số người không dọn mà trốn tránh.
Người phụ nữ 30 tuổi cho biết còn một thứ ám ảnh thú cưng ở chung cư mà ai cũng mệt mỏi đó là tiếng ồn. Mang tiếng sống trong chung cư cao cấp nhưng nơi ở của chị liên tục tra tấn bởi tiếng chó sủa, mèo kêu.
Theo chị Lan, một số hộ nuôi đến 2-3 con chó. Khi đi làm, họ nhốt những con vật này ở ban công. Có những hôm, chó sủa inh ỏi cả ngày vang khắp chung cư, mọi người không biết làm cách nào để con vật câm nín. Chó sủa, mèo kêu là bản năng tự nhiên, không ai có thể kiểm soát được nên mọi người đành chịu tra tấn. Chung cư cũng không có quy định cấm nuôi thú cưng.
Anh Đức Bình (28 tuổi) cũng sống tại chung cư Saigon Riverside cho biết, nhiều người rất yêu thương động vật. Khi nuôi, họ xem thú cưng như một thành viên trong gia đình và dành hết tình cảm vào chúng.
Theo anh Bình, nếu mọi người cảm thấy sống không thể thiếu được thú cưng, khi nuôi cũng phải ý thức để tránh ảnh hưởng người xung quanh.
Thứ nhất, khi dắt chó ra khỏi căn hộ phải đeo rọ mõm, có dây xích để kiểm soát được sự hung hăng của nó.
Thứ 2, dù dắt chó đi xuống sân vườn hay đi đâu phải mang theo đồ dọn vệ sinh như giấy, túi nylon để xử lý chất thải nếu con vật phóng uế.
Thứ 3, trong thời gian nuôi, thú cưng gây tiếng ồn nhiều quá, nên xem xét lại việc nuôi chúng ở đó. Không thể lấy lý do vì thương yêu con vật mà làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người xung quanh.
"Cư dân nên tuân thủ quy định nuôi chó, mèo nơi mình ở; đăng ký nuôi thú cưng với ban quản trị chung cư để kiểm soát số lượng, tiêm phòng dại tránh dịch bệnh. Chọn con vật nuôi phù hợp với điều kiện, môi trường sống của mình. Nếu có điều kiện, nên cho thú cưng đi huấn luyện việc đi vệ sinh, tránh hung hăng gây hại cho người", anh Bình nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, việc nuôi chó mèo trong chung cư ở TPHCM, mỗi nơi đều có quy định riêng. Một số chung cư có quy định hạn chế thú cưng các loại từ bốn chân đến hai chân như River Gate (quận 4), CitiHome, The Sun Avenue, Tropic Garden (TP Thủ Đức), Phú Mỹ, Sunrise City View (quận 7), Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh)...
Tại những chung cư này, nếu cư dân cố tình lén nuôi thú cưng trong phòng hoặc để mọi người phát hiện, ban quản lý chung cư sẽ nhắc nhở, lập biên bản hoặc thậm chí khóa thẻ thang máy của căn hộ vì đây là nội quy được gia chủ và cư dân thống nhất trước đó.
Trong khi đó, đối với các căn hộ được phép nuôi thú cưng như: New City, Vista Verde, The Estella (TP Thủ Đức), Sunrise City North, Sunrise City South Tower, River Panomara (quận 7),... cư dân khi muốn nuôi động vật phải đăng ký với ban quản lý và cam kết không để ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nếu vi phạm, chủ căn hộ sẽ bị phạt tiền, khóa thẻ thang máy, thu giữ thú cưng.