Người dân Sóc Sơn gần 50 năm sống trên hai quả bom

Sau nhiều lần đề nghị di dời bom nhưng không được giải quyết, người dân Sóc Sơn (Hà Nội) đánh liều xây nhà kiên cố trên mảnh đất nguy hiểm
Gia đình ông Lã Ngọc Sứ xây nhà trên nền đất có bom. Ảnh: Gia Chính

Ngày 22/1, Ban chỉ huy quân sự huyện Sóc Sơn, bộ đội công binh (Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã làm việc với ba hộ dân thôn Tiên Tảo, xã Việt Long, về việc dò tìm bom còn sót lại từ năm 1972. Bộ đội mang máy móc đến, nhưng lại quay về vì chưa đạt được sự thống nhất với người dân.

Ông Lã Ngọc Sứ (82 tuổi), một trong ba hộ dân, đề nghị đơn vị quân đội đền bù tài sản trên đất nếu quá trình tìm kiếm phải phá dỡ nhà. Sau mấy chục năm không dám xây nhà kiên cố vì sợ bom nổ, năm 2018 do nhà đông người, bức bách về chỗ ở, ông đánh liều xây căn nhà hai tầng trên mảnh đất được xác định có bom.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Tâm, Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Sóc Sơn, cho biết máy móc của đơn vị công binh chỉ dò tìm được ở độ sâu 5 m. "Hiện chưa xác định chính xác vị trí bom nên máy dò kêu ở đâu thì phải đào đến đó. Người dân đã làm nhà kiên cố nên sẽ bị ảnh hưởng", ông Tâm nói.

Ông Tâm dẫn Thông tư 26 và Nghị định 14 quy định đơn vị quân đội chỉ thực hiện việc tìm dò, còn việc tài sản trên đất không được đề cập. Khi nào các gia đình thống nhất được việc đền bù thì đơn vị quân đội mới sẵn sàng làm việc.

Ông Lã Ngọc Sứ chỉ vị trí có bom. Ảnh: Gia Chính

Hai quả bom chưa được di dời khiến người dân thôn Tiên Tảo nơm nớp lo sợ. Tâm trạng này duy trì suốt 47 năm qua, kể từ đêm 18, rạng sáng 19/12/1972, một trận mưa bom trút xuống thôn Tiên Tảo và cánh đồng thôn. Do cách sân bay Nội Bài - trọng điểm đánh của máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc cuối năm 1972 - chỉ 16 km, thôn Tiên Tảo phải gánh bom đạn. 

"Ba quả bom rơi vào trong làng thì cả ba không nổ. Một quả dài 1,3 m, đường kính một người ôm, nằm lộ thiên trên mương, chúng tôi đã xử lý. Hai quả còn lại rơi tạo thành mỗi hố hơn một mét, nằm sâu dưới lòng đất", ông Nguyễn Văn Nghiêm (69 tuổi), Phó bí thư đoàn xã phụ trách hơn 20 thanh niên đi khắc phục hậu quả bom mìn ngày đó nhớ lại.

Quả bom thứ nhất nằm trên đất nhà ông Lã Ngọc Sứ ở Đội 2 thôn Tiên Tảo. Một ngày sau, đội của ông Nghiêm đã đào bới một hố rộng 10 m. Khi tới độ sâu 4 m, họ phát hiện ba cánh bom độ dài hơn 30 cm. "Khi đào tiếp đến độ sâu 8 m thì nước và cát bắt đầu rỉ ra, chúng tôi không tài nào đào tiếp được. Tôi dùng gậy chọc xuống thêm 1-2 m thì chạm vào thành của quả bom", ông kể.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm từng chỉ đạo việc đào bới hai quả bom vào năm 1972. Ảnh: Gia Chính

Quả bom thứ hai nằm trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Đắc, cách vị trí quả bom thứ nhất khoảng 150 m. Đội của ông Nghiêm cũng gặp mạch nước ngầm nên tạm dừng lại. Sau 20 ngày đào bới, đội được huy động đi gặt lúa. "Xong vụ gặt, không có chỉ đạo đào bom nữa nên chúng tôi dừng lại và để nguyên hiện trạng từ đó đến giờ", ông Nghiêm nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Việt Long, xác nhận năm 1972 có hai quả bom rơi xuống thôn Tiên Tảo nhưng chưa được di chuyển. Chính quyền đã nhiều lần đề nghị lên huyện và thành phố tìm cách giải quyết.

"Chúng tôi đề nghị đã lâu nhưng không được giải quyết dứt điểm. Người dân nhiều năm không dám xây nhà, giờ có điều kiện thì để họ xây dựng trên đất của mình. Tuy nhiên, tôi rất lo nhỡ khi khoan móng, động vào quả bom thì hậu quả khôn lường", ông Thành nói.

Theo Theo Vnexpress