Đại diện HAGL hôm qua đã từ chối xác nhận việc ông Trần Tiến Đại sẽ về làm GĐKT đội bóng. Tuy nhiên, đã có nguồn tin cho biết đây là diễn tiến gần như chắc chắn xảy ra ở HAGL, sau khi bầu Đức bắt tay với ngân hàng Liên Việt Post bank (LPB). Sau 20 năm, đội bóng phố núi đã phải đổi tên thành Lpbank-HAGL sau khi được cấp phép ngoại lệ từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Cú hợp tác giữa HAGL và nhà băng trên lập tức tạo hiệu ứng tích cực khi giá cổ phiếu công ty (mã HAG) kéo từ trên 8.000 đồng/cổ phiếu lên một mạch có lúc vượt 12.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời với diễn biến trên, HAGL công bố kế hoạch chào báo 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự thu 1.300 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu và cơ cấu các khoản nợ công ty con. Và theo tài liệu công bố, 1 trong 3 nhà đầu tư lớn trong nước mua số cổ phiếu trên chính là Công ty Cổ phần chứng khoán LPBank (LPBS).
Không ai có thể biết rõ đây có phải đoạn cuối của “game” giữa HAGL và ngân hàng gắn với tên ông bầu Nguyễn Đức Thuỵ hay không nhưng có một điểm chắc chắn, ở đâu có bầu Thuỵ thì ở đó thường xuất hiện ông Trần Tiến Đại. Và ở đâu có ông Đại, giới bóng đá quen gọi là “cò” Đại do nghề môi giới cầu thủ, thì ở đó luôn có những bản hợp đồng bom tấn. Không nổi bật về chuyên môn, nhưng ông Đại từng nắm cả ghế Giám đốc điều hành rồi cả HLV trưởng ở những đội bóng như Sài Gòn Xuân Thành, Ninh Bình hay gần nhất là CAHN.
Nếu điều này thực sự xảy ra, đó có thể là một chỉ dấu quan trọng khác với quá trình phát triển của HAGL. Và nó càng cho thấy sự đặc biệt của ông Trần Tiến Đại trong hai thập niên biến động của bóng đá Việt Nam.
Ninh Bình khi còn ông Trần Tiến Đại từng được ví như “trạm trung chuyển” cầu thủ ở V-League với hàng loạt hợp đồng khủng, trong đó 2 cái tên lớn nhất là tiền đạo Việt Thắng và trung vệ Vũ Như Thành và nhiều ngoại binh khác. Sau khi Ninh Bình vướng vụ án bán độ ở AFC Cup dẫn tới giải thể đội bóng, ông Đại nghỉ việc rồi tới Sài Gòn Xuân Thành. Nó tiền thân vốn là đội V&V Hà Nội, được bầu Thụy mua lại suất chơi ở hạng Nhất năm 2010, trước khi được chuyển giao cho Hà Tĩnh rồi chuyển trụ sở vào TP Hồ Chí Minh.
Năm 2012 đội bóng của bầu Thuỵ giành quyền thăng hạng V-League và cùng với sự xuất hiện của “cò” Đại, lập tức trở nên ồn ào trên thị trường chuyển nhượng. Bản hợp đồng “khủng” nhất Sài Gòn Xuân Thành từng mua là trung vệ Lê Phước Tứ, với số tiền được cho là hơn chục tỷ đồng. Gần đây nhất, giới bóng đá lại được thấy bộ đôi bầu Thuỵ-“cò” Đại xuất hiện cùng CAHN, đội bóng khuấy đảo thị trường chuyển nhượng 2 mùa giải qua với hàng loạt hợp đồng bom tấn. Có thể kể đến những cái tên như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Philip Nguyễn, Phan Văn Đức, Vũ Văn Thanh hay Bùi Hoàng Việt Anh, Tấn Tài…CLB Hà Nội của bầu Hiển và HAGL của bầu Đức là hai đội “góp” nhiều cầu thủ nhất cho CAHN.
Giai đoạn cuối mùa giải trước, CAHN tạo nên cú nước rút ngoạn mục để đăng quang ngôi vô địch, mà người chỉ đạo bên ngoài đường biên chính là ông Trần Tiến Đại. Ông Đại chỉ rút lui sau khi CAHN ký hợp đồng với HLV Gong Oh Ky-un. Những diễn biến trên cùng với việc LPB gắn bó chặt chẽ hơn với HAGL khiến giới bóng đá càng tin vào khả năng ông Trần Tiến Đại sẽ đảm nhiệm 1 vị trí ở đội bóng phố núi.