Ngày 30/9, ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng cho biết, tháng 11/2019, nhiệm vụ cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng-Ninh Thuận-Khánh Hòa” do Trung tâm chủ trì đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu.
Sau khi kết thúc nhiệm vụ, Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng kiến nghị giao tài sản nhà nước (10 con bò tót lai F1, 1 bò tót lai F2…) cho Vườn Quốc gia Phước Bình. Tuy nhiên, thủ tục bàn giao quá lâu, dự kiến đến tháng 10/2020 mới hoàn thành.
Từ đó đến nay, do kinh phí nghiên cứu đã hết, trung tâm phải tự cân đối kinh phí chi thường xuyên của đơn vị để nuôi đàn bò này. Trước đây, từ nguồn kinh phí nghiên cứu, mỗi tháng, trung tâm chi 50 triệu đồng để chăm sóc đàn bò, nay chỉ còn 10 triệu đồng.
Trước đây, Trung tâm thuê 2 ha đất để trồng cỏ, chăn thả đàn bò tót lai. Khi nhiệm vụ nghiên cứu kết thúc, không có tiền thuê đất nên người dân lấy lại 2 ha này. Không còn bãi chăn thả, là đàn bò tót F1 bán hoang dã bị nhốt trong chuồng cả năm ròng. Trung tâm đã thuê chủ thửa đất này chăm sóc đàn bò.
Theo ông Chương, mỗi tháng Trung tâm cấp tiền mua 200 cuộn rơm và có lần chở 800 kg cám xuống cho bò ăn dần, tuy nhiên vẫn còn thiếu cỏ xanh. Các chuyên gia cho rằng lượng thức ăn này đảm bảo cho bò đủ no, không đến nổi ốm, chỉ có điều bò sẽ không khỏe mạnh bằng những con được chăn thả.
“Trách nhiệm của Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng là không giám sát thường xuyên. Nơi chăn nuôi đàn bò cách xa trụ sở của đơn vị tới 120 km nên một tháng chỉ cử cán bộ xuống giám sát một hai lần, do đó không rõ người chăn nuôi đàn bò có hợp tác hay không. Khi có mình thì họ cho đàn bò ăn đầy đủ, lúc không có mình họ cho ăn thế nào mình cũng không biết được”, ông Chương phân trần.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tích (thôn Bạc Rây 2, người trực tiếp chăn nuôi đàn bò tót F1), ông được trả tiền công chăm sóc đàn bò mỗi tháng 4 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng trung tâm cấp tiền để mua 200 cuộn rơm cho bò ăn. Hàng ngày ông chỉ bỏ rơm vô chuồng và bơm nước vào cho bò uống.
“Nhiều lúc họ chậm tiền, mình thấy bò đói nên xót ruột, tự ứng tiền ra mua rơm cho bò ăn. Chờ đồng tiền đó xuống thì bò chết chứ còn gì? Nuôi bò thì phải cho ăn thêm bắp, cỏ xanh... mới khỏe được. Rơm khô ăn cho đỡ đói thôi chứ không phải thức ăn chính. Chỉ ăn rơm khô thì bò khô rốc, ăn xong ỉa không ra phân được…”, ông Tích nói.