Số liệu trên được GS.TS.BS Nguyễn Đức Công (Giám đốc BV Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội lão khoa TPHCM) báo cáo tại Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ 7 với chủ đề “Dinh dưỡng và lão hóa” vừa diễn ra tại TPHCM vào sáng 28/7.
Theo GS Công, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và nằm trong top 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Theo dự báo đến năm 2030, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 18% dân số và năm 2050 là 26%, đưa nước ta trở thành quốc gia “siêu già” trên thế giới.
Tuy nhiên, trước thực trạng già hóa nhanh ở nước ta, sức khỏe của người già lại là một vấn đề đáng lưu tâm. “Theo nghiên cứu, chỉ 5,7% số người cao tuổi có sức khỏe tốt. Trung bình mỗi người phải chịu 14 năm bệnh tật trong tổng số 73 năm trong cuộc đời. Một người cao tuổi có số ngày ốm là 2,4 ngày/tháng và có ít nhất 3 bệnh cần điều trị”, GS Công nhấn mạnh.
Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2011, hơn 60% số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc. Những bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi thường tốn nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Chi phí điều trị cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ, số lượng thuốc nhóm bệnh nhân này sử dụng lên đến 50% tổng lượng thuốc.
Nhân lực y tế chuyên khoa cũng là một vấn đề đáng lưu tâm trước thực trạng dân số ngày càng già hóa. Việc thiếu bác sỹ chuyên khoa Lão khoa, thiếu điều dưỡng lão khoa là một trở ngại trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Việc chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà và những người chăm sóc không được đào tạo, khiến chất lượng chăm sóc không được đảm bảo.
Trước thực trạng này, phát biểu tại Hội nghị, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng các chính sách y tế phù hợp với dân số già và gánh nặng của người cao tuổi. Riêng tại TPHCM, Phó cục trưởng cũng biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc xây dựng và phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, huấn luyện đào tạo, hợp tác quốc tế về dinh dưỡng tiết chế,…