Ngồi trên đống tiền mà bị trầm cảm

Là một doanh nhân thành đạt, gia đình hạnh phúc với vợ đẹp con khôn, người đàn ông trung niên vẫn luôn cảm thấy không hạnh phúc.

Nam bệnh nhân khoảng 40 tuổi ăn mặc chỉn chu, vẻ mặt ưu tư bước vào một phòng khám tâm thần ở TP HCM. Trò chuyện với bác sĩ, người đàn ông cho biết đang làm chủ một doanh nghiệp lớn, cuộc sống gia đình sung túc với vợ con đủ nếp tẻ nhưng anh luôn bị stress và mất ngủ.

"Tôi ngồi trên đống tiền mà chưa bao giờ có cảm giác hạnh phúc, đôi lúc chỉ mong có được niềm vui giản dị như cậu bé vé số ngoài đường mà cũng không được", bệnh nhân giãi bày.

Qua thăm khám và thực hiện một số trắc nghiệm tâm lý, tiến sĩ Ngô Tích Linh, Trưởng Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM, chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm. Phác đồ điều trị bao gồm dùng thuốc và trị liệu tâm lý, hành vi.

Bác sĩ Linh cho biết quá trình điều trị trầm cảm lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác kiên nhẫn từ bệnh nhân và gia đình. Bác sĩ khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi thư giãn và vận động thể dục nhiều hơn, đồng thời giảm cường độ và thời lượng làm việc để hạn chế stress.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới ghi nhận trầm cảm là bệnh khá phổ biến, tỷ lệ mắc từ 2 đến 5% dân số. Thực tế rất nhiều người không biết mình đang bị trầm cảm. Bác sĩ Linh ghi nhận số bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng liên quan đến tâm thần như mất ngủ, rối loạn thích ứng, rối loạn lo âu, trầm cảm... ngày càng nhiều. Một phần do người dân có ý thức hơn về việc khám chữa bệnh, một phần bởi xã hội ngày càng văn minh hiện đại khiến con người gặp nhiều áp lực tâm lý từ công việc, gia đình và các mối quan hệ, dễ dẫn đến stress và rối loạn tâm thần.

Theo bác sĩ Linh, stress là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Do vậy con người ngày nay không thể tránh khỏi stress. Điều quan trọng là cần phải hiểu rõ và nhìn nhận stress ở góc độ tích cực, chẳng hạn nó giúp bạn tiến bộ hơn trước như thế nào. Khi đã hiểu rõ về stress, bạn đối diện với mọi áp lực trong cuộc sống bằng thái độ lạc quan hơn.

Bác sĩ khuyên những người bị stress lâu hoặc mất ngủ suốt hai ngày mà không thể tự kiểm soát, thì nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn khắc phục sớm. Không nên để tình trạng này diễn tiến ngày càng nặng hơn có thể dẫn đến rối loạn lo âu và trầm cảm khó điều trị hơn.

Theo Theo Vnexpress