Ngôi làng đặt tên con là Messi, Yang Dong Gun

Vì mê mẩn các cầu thủ bóng đá phương Tây và diễn viên Hàn Quốc mà nhiều phụ huynh ở Gia Lai đã đặt tên con giống thần tượng Messi, U-Ri, Chun-Sok, Su-Ni, Yang Dong Gun…
Đến xã Ia Dơk việc tìm kiếm những đứa trẻ mang tên Hàn Quốc, cầu thủ nổi tiếng không khó.

Xã Ia Dơk nằm cách trung tâm TP.Pleiku (Gia Lai) khoảng 50 km. Hầu hết phụ huynh ở 10 thôn của xã đều đặt tên con giống với tên của những diễn viên nổi tiếng trong phim Hàn Quốc và danh thủ bóng đá thế giới. Trong đó, những thôn được cho là ảnh hưởng đậm nhất của trào lưu Hàn và Tây hóa là ADơk Kông, Piơng, Broch I, Djrông.

Theo giải thích của bà Dương Thị Kim Quy, Phó chủ tịch xã Ia Dơk, sở dĩ các thôn đồng loạt xuất hiện những cái tên lạ là do từ năm 2009 - 2011, kinh tế của người dân có những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt đồng bào Bana đều có tivi xem truyền hình. Những người Bana đặc biệt nghiện phim Hàn Quốc và bóng đá.

"Người dân xem đây là món ăn tinh thần không thể thiếu sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc. Vì ngưỡng mộ những nhân vật xinh đẹp, tài giỏi nên họ nảy ra ý tưởng đặt tên con mình theo sao Hàn và danh thủ bóng đá”, bà Quy cho biết thêm.

Vợ chồng anh Krưp (36 tuổi) và chị Angon (35 tuổi) ở thôn Djrông có cậu con trai được đặt tên Messi - giống với cầu thủ bóng đá lừng danh thế giới. Anh Krưp cho biết, rất thích xem bóng đá và rất hâm mộ cầu thủ Messi, mỗi lần có đội bóng Barcelona thi đấu, anh đều thức để được xem thần tượng.

Anh Krưp và con trai Messi.

“Với kỹ năng thiên bẩm của mình, Messi đã mê hoặc tôi. Giống như nhiều người khác, tôi hâm mộ cầu thủ này. Nếu có một ước mơ, tôi mong được gặp Messi một lần ngoài đời cho thỏa lòng ngưỡng mộ. Nhưng việc gặp Messi ngoài đời rất khó. Năm 2010, vợ chồng tôi sinh cháu trai, tôi đã bàn với vợ đặt tên con là Messi. Mỗi ngày ở bên con, tôi như đang ở cùng Messi vậy…”, anh Krưp nói đầy tự hào.

Còn chị Angon cho hay, khi chồng nói sẽ đặt tên con là Messi, chị thắc mắc thì anh bảo, do quá hâm mộ cầu thủ có tên như vậy nên muốn đặt tên con giống tên thần tượng.

Hâm mộ cầu thủ Ronaldo nên anh Bhanma (23 tuổi, cùng thôn anh Krưp) nói vui: “Sau này nếu sinh được con trai, mình nhất định sẽ đặt tên là Ronaldo để đối đầu với Messi nhà anh Krưp".

Làng Brock có khoảng 120 hộ, trong đó đa phần là người Bana. Nhờ trồng cây công nghiệp, đời sống khấm khá nên nhiều nhà sắm được tivi, điện thoại. Kéo theo đó là trào lưu văn hóa vừa Hàn Quốc vừa Tây Âu, thể hiện rõ qua những cái tên được đặt cho trẻ nhỏ.

Chị Amranh (48 tuổi) ở thôn Broch I có 7 con thì tới 4 đứa mang tên “ngoại lai” gồm SachLy (18 tuổi), China (14 tuổi), Richắk (11 tuổi) và Kchoi (5 tuổi). Chị cho hay, những cái tên này đều do ảnh hưởng từ các bộ phim Hàn và Tây Âu. Tương tự, con gái gần 2 tuổi của chị Chăm ở làng Broch I được đặt tên là Hy Chơng; con trai lớn của gia đình chị Chănh (cùng làng) tên là Cha ri - tên của nhân vật chính Moon Chae Ri trong phim “Khi mùa xuân về”.

Theo bà Dương Thị Kim Quy, việc người dân trong xã đặt tên con theo “trào lưu” như trên pháp luật không hề cấm. Người dân đến làm giấy khai sinh thì cán bộ xã chỉ dựa vào họ, tên đăng ký rồi làm. Khi cán bộ xã thắc mắc về những cái tên lạ thì người dân chỉ cười rồi nói thích đặt tên con như vậy.

“Làn sóng Hàn và Tây hóa diễn ra tại những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiếu số sẽ khiến cho tập tục ngày càng bị đảo lộn, mai một. Vì vậy, chính quyền đang tích cực vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu để tiếp nhận văn hóa bên ngoài theo hướng chọn lọc, không quên đi bản sắc văn hóa dân tộc”, bà Quy nhấn mạnh.

Theo Theo Zing